Trước ngày giỗ đầu của Đại tướng, khá nhiều người dân đã đến căn nhà số 30 đường Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) để viếng Đại tướng. Những giọt nước mắt và những nỗi niềm được thắp lên xóa tan cả màn đêm đen bao phủ. Đèn được thắp sáng choang từ cổng nhà Đại tướng vào tận gian thờ.
Chúng tôi gặp được nhà văn Nguyễn Quang Vinh trong lúc ông đang trên đường chuẩn bị đi đến nhà Đại tướng viếng cho Đại tướng những nén nhang tưởng nhớ một con người vĩ đại. Nhà văn bồi hồi nhớ lại khi nghe hung tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, là người may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần và xây dựng một chương trình nghệ thuật mang tên: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bản giao hưởng Điện Biên"  đã khắc họa một tượng đài vững chắc của Đại tướng trong lòng người dân. 
Chính những tình cảm khát vọng đau đáu về nỗi đau chia xa giữa người dân và vị Đại tướng kính yêu đã in quá sâu trong trái tim mỗi con người Việt. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết, từ khi khởi thảo kịch bản chương trình nghệ thuật sân khấu kết hợp với chất điện ảnh tuy chỉ dài có 20 phút nhưng bản thảo đã được ông sửa đi, sửa lại rất nhiều lần. "Phải xây dựng một hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp phù hợp với hình tượng trên sân khấu và nêu bật lên những quyết định của người trước một trận chiến lịch sử như trận Điện Biên Phủ".

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh trong lần tới viếng nhà Đại tướng ở Quảng Bình vào ngày 7/10/2013
Đó là một khó khăn đối với một nhà văn như ông và trong hình tượng đó, ông phải xuyên suốt được sợi chỉ đỏ của một vị tướng tài ba trong đánh trận nhưng cũng hết sức đời thường, gần gũi với người dân, đồng bào, đồng chí của mình. Bên cạnh đấy, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng chia sẻ một bản tình ca da diết nhất chính là một bản tình ca viết về vẻ đẹp của tâm hồn chính con người đó, con người luôn khao khát mang lại độc lập tự do cho nước nhà nhưng vẫn khẳng khái, bản lĩnh trước những quyết định khó khăn.
Việc xây dựng hình ảnh nghệ thuật sân khấu của nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết về Đại tướng khi người vừa nằm xuống đã đưa toàn bộ người dân quay trở về những hình ảnh chân thực nhất về lịch sử. Những bối cảnh sân khấu, trang phục, đạo cụ, ánh mắt quyết tâm cũng như từng cử chỉ của người đều được chăm chút nhất. 20 phút của "Bản hùng ca Điện Biên" đã được lột tả như sống lại 56 ngày đêm của bộ đội ta "khoét núi ngủ hầm, máu trộn bùn non, giành thắng lợi...".
Chia sẻ với chúng tôi vào ngày giỗ đầu của Đại tướng, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã khóc nhớ lại về chương trình nghệ thuật của ông viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phát sóng trực tiếp trên VTV1, cảm giác như được sống dậy cùng với những lời khuyên răn, dạy bảo của Đại tướng khi ông được vài lần tiếp xúc. "Tôi rất hồi hộp, rất xúc động nhưng cũng tràn ngập máu lửa, tâm trạng cứ như người lính đang chuẩn bị xung trận. Nhưng trên tất cả những điều đó, tôi tự hào vì mình là người Quảng Bình và đang dàn dựng một chương trình lớn về một người con quê hương rất lớn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp."

Bản hùng ca Điện Biên Phủ được tái hiện một cách rõ nét nhất
Một năm đã qua đi nhưng hình ảnh toàn thể người dân Việt Nam chợt chung một dòng sông, chung một hoài niệm, một ý tưởng, một giọt nước tiễn đưa người anh hùng của dân tộc về với đất mẹ. Những kỷ niệm về người vẫn còn đây, vườn cây hoa trái mà người trồng trên mảnh đất Quảng Bình yêu dấu vẫn còn đây, "Cây khế ở kia, cây na ở kia, lu nước chỗ này, lối nhỏ sau vườn im ắng... như đợi ai, như biết đau, biết buồn, biết khóc" - Đó là tâm trạng chung của mỗi con người Việt Nam khi tháng 10 về.
Dạ Thảo