Gia đình - nơi nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ

VOV.VN -Gia đình là môi trường giáo dục đặc biệt trong việc hình thành nhân cách và phẩm chất của trẻ nhỏ.

15.5991

Ở bất cứ thời kỳ phát triển nào của xã hội thì vai trò của gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách và sự phát triển của trẻ em. Đối với các bậc sinh thành, mong muốn lớn nhất là khi lớn lên, con mình sẽ trở thành một công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, mỗi gia đình lại có cách giáo dục con khác nhau.

Muôn kiểu dạy con

Gia đình chị Nguyễn Bích Hạnh, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội có 2 cậu con trai, một cháu 10 tuổi và một cháu 5 tuổi. Ngay từ nhỏ, mỗi bé đã thể hiện một tính cách khác nhau. Trong khi bé lớn luôn tỏ ra bướng bỉnh thì cậu em lại rất ngoan và biết vâng lời ông bà, cha mẹ.

Chị Hạnh chia sẻ, nhiều lúc cảm thấy không thoải mái vì vợ chồng chị luôn có ý kiến trái chiều trong cách dạy dỗ con. Trong khi chị cho rằng cần phải nghiêm khắc, cứng rắn với con, thậm chí đôi lúc phải dùng đến roi vọt thì chồng chị lại thường chiều vô điều kiện những sở thích của con. Do không thống nhất được cách dạy con nên vợ chồng chị thường xảy ra xung đột, thậm chí nhiều lần để các con chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau nên việc dạy con bị tác dụng ngược.

Hình ảnh một gia đình hạnh phúc (Ảnh: Kim Thanh)

Không giống như chị Hạnh, gia đình chị Nguyễn Thúy Ngần và anh Nguyễn Tiến Cường ở quận Hoàng Mai lại áp dụng phương pháp dạy con một cách dân chủ, giúp con tự lập trong mọi hoàn cảnh. Vợ chồng anh chị luôn cùng nhau trao đổi cách dạy con, tôn trọng những sở thích của con nhưng trong phạm vi cho phép.

Việc học và chơi của các con được bố trí một cách khoa học. Khi con phạm lỗi, tùy tình huống, anh chị xử lý lúc mềm dẻo, khi cứng rắn. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, 2 con nhà anh chị đều có tính tự lập, ý thức tốt, biết quan sát xung quanh, lễ phép với người lớn.

Dạy trẻ cần ứng biến linh động

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Lệ Quỳnh, trong xã hội hiện nay có 4 mô hình giáo dục được các gia đình áp dụng trong việc nuôi dạy con cái. Một là cha mẹ độc đoán, hai là cha mẹ dân chủ nghiêm minh, bà là cha mẹ dễ dãi nuông chiều và bốn là cha mẹ thờ ơ không quan tâm đến các con.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, đứa trẻ sẽ trở thành một người lớn bình thường khi được sống trong tình yêu thương và nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ từ ông bà, cha mẹ. Trái lại, nếu trong đời sống gia đình thiếu thốn về vật chất, người lớn thờ ơ, sẽ có thể là nguyên nhân đầu tiên khiến khi lớn lên trẻ trở thành người khác thường. Mỗi trẻ đều có một cá tính và khả năng riêng. Do đó, giáo dục trẻ cần ứng biến linh động tùy theo cá tính của trẻ, tạo không khí thân yêu trong gia đình. Cha mẹ phải là tấm gương sáng cho trẻ học tập, noi theo, đồng thời phải là điểm tựa vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần cho các con.

Chuyên gia tâm lý Phạm Lệ Quỳnh cho biết: “Nhân cách của trẻ chính là bản thân trẻ. Có rất nhiều đứa trẻ sống trong hoàn cảnh không tốt, không được học hành tử tế nhưng vẫn có thể phát triển nhân cách tốt, vẫn là người công dân có ích cho xã hội. Vì thế, khi giáo dục trẻ người lớn nên chú ý đến cảm giác, cảm nhận của trẻ như thế nào để có sự quan tâm, chia sẻ để cho trẻ hiểu được mình và tin tưởng mình, để trẻ tâm sự những nỗi  niềm trong lòng. Đó là vấn đề cá nhân của trẻ. Nếu mình biết được cá nhân của trẻ như thế nào thì mình sẽ có hướng đi và hướng giải quyết tốt nhất”.

Gia đình là môi trường giáo dục đặc biệt trong việc hình thành nhân cách và phẩm chất của trẻ nhỏ, là nơi nuôi dưỡng tình yêu thương gia đình, dòng họ và cao hơn nữa là tình yêu đối với quê hương, đất nước.

Hãy để trẻ luôn được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình và xã hội đầy ắp yêu thương./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]