Giá sữa lại “nhảy múa”: Có dấu hiệu liên kết làm giá?

BizLIVE - Thời gian gần đây, nhiều hãng sữa vẫn âm thầm tăng giá trước sự bất lực của các cơ quan quản lý. Tweet

0

Các mẹ lại càng phải đắn đo khi mua sữa cho con. Ảnh:TL

Bất chấp Thông tư 30 của về việc quản lý và các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi có hiệu lực vào ngày 20/11/2013 và yêu cầu của Bộ Tài chính trong việc đề nghị các công ty sữa giảm chi phí để giảm giá bán, thời gian gần đây, nhiều hãng sữa vẫn âm thầm tăng giá trước sự bất lực của các cơ quan quản lý.

Điệp khúc tăng giá vì nguyên liệu?

Mở màn cho đợt tăng giá sữa là hãng Mead Johnson, tăng 5 - 7% từ ngày 12/12/2013. 
Một trong những hãng sữa khác chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam là Abbott thông báo với các đại lý về việc tăng giá sản phẩm. 
Cùng với đó, cũng vừa thông báo điều chỉnh giá bán các loại sản phẩm bình quân tăng khoảng 6%. 
Do vậy, kể từ ngày 10/2/2014, các mặt hàng của Vinamilk sẽ có mức giá mới, lần tăng giá sữa này theo Vinamilk là do giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới biến động tăng liên tục kể từ quý III/2013. 
Từ đầu năm đến nay, giá các nguyên liệu chính như bột sữa, dầu bơ trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30-57% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với báo PL&XH, ông Trương Văn Toàn, Giám đốc Pháp lý và đối ngoại công ty sữa FrieslandCampina cho biết, nguyên nhân chính cho việc tăng giá sữa là do nguyên liệu đầu vào tăng cao. 
“Trong thời gian tới, Cty sữa FrieslandCampina cũng sẽ điều chỉnh tăng giá, còn tăng bao nhiêu % còn phải tính toán lại”, ông Toàn nói.

Trước các động thái tăng giá sữa của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa trong và ngoài nước, nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý hiện nay của các Bộ ngành đang thực sự có vấn đề, chưa có một “liều thuốc” nào đủ mạnh để “trị” các DN kinh doanh sữa.

Chị Nguyễn Thu Huyền, một giáo viên cấp 3 trên địa bàn Hà Nội bức xúc: “Mỗi khi tăng giá sữa, các DN lại viện lý do là vì giá nguyên liệu tăng, trong khi đó, thực chất giá nguyên liệu tăng như thế nào, và tăng bao nhiêu thì không có một đơn vị nào công bố số liệu cụ thể, còn cơ quan quản lý thì hình như bất lực để các DN ngang nhiên “móc túi” người tiêu dùng (NTD)”.

Cùng quan điểm với chị Huyền, anh Hoàng Văn Lương, hiện công tác tại Bệnh viện Lao phổi T.Ư cho biết: “Tưởng rằng sau khi Bộ Tài chính và Bộ Y tế đưa các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vào diện phải bình ổn giá thì giá sữa sẽ không còn “nhảy múa” như trước đây, nhưng ai ngờ, đầu năm 2014, các hãng sữa lại “dội một gáo nước lạnh” vào NTD khi đồng loạt đẩy giá sữa lên cao tới gần chục %. Điều này cho thấy, thực tế hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa có một biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng thổi giá của các DN kinh doanh sữa”.

Giải thích với NTD sau khi nhiều DN tăng giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 12/2013 đến nay đã có 2/6 Cty thuộc diện phải đăng ký giá gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá về Bộ Tài chính với mức tăng từ 5-10%, trong đó có 1 công ty gửi hồ sơ kê khai giá đề nghị điều chỉnh tăng giá 11/27 mặt hàng với mức tăng từ 5-9%, chưa điều chỉnh do việc giải trình chưa rõ về nguyên nhân điều chỉnh.

Cty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) có văn bản số 2013002/FIN ngày 5/12/2013 kê khai giá điều chỉnh mức giá bán của 16/28 dòng sản phẩm. Theo hồ sơ của công ty (hợp đồng, tờ khai hải quan) nguyên nhân tăng giá của công ty là do giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng từ ngày 1/8/2013, mức tăng từ 12,6 - 12,8%.

Trong 16 sản phẩm công ty thực hiện điều chỉnh tăng có 3 sản phẩm được điều chỉnh lần thứ 2 trong năm 2013 với mức tăng là 10%. 
Có 13 sản phẩm ổn định giá từ giữa năm 2012 đến nay mới điều chỉnh giá so với yếu tố đầu vào qua kiểm tra, theo dõi thì với tỷ lệ tăng giá nhập khẩu theo tờ khai hải quan thực tế tăng 12,6-12,8% thì mức giá bán tăng tương ứng khoảng 5-10%. Do đó, mức điều chỉnh phù hợp với biến động của đầu vào.

Cũng theo người đứng đầu quản lý giá, thông lệ hàng năm, giá sữa tăng vào thời điểm đầu năm, sau đó sẽ ổn định. 
Cục Quản lý giá sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu có diễn biến xấu sẽ đề xuất các biện pháp, bình ổn giá theo quy định của Luật giá. 
Đồng thời Bộ Tài chính cũng đang đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan phối hợp theo dõi diễn biến thị trường để có biện pháp phù hợp.

Căn cứ vào các quy định hiện hành về quản lý giá, các Sở Tài chính địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát các hồ sơ kê khai giá khi các doanh nghiệp sữa gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh giá bán, đề nghị các công ty giải thích rõ nguyên nhân điều chỉnh giá, trường hợp nguyên nhân tăng giá không hợp lý, không có cơ sở hoặc không chứng minh nguyên nhân điều chỉnh giá do biến động của yếu tố đầu vào thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp không điều chỉnh giá.
Tội gì không tăng?

Phân tích về vấn đề các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá sữa như hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc các hãng sữa đưa nguyên nhân tăng giá sữa do giá nguyên liệu tăng là hợp lý. 
Trong khi không kiểm soát mà cho phép họ khai báo và kê khai giá như vậy thì “tội gì” các DN không tăng.
Hơn nữa, hiện nay mới đưa ra yêu cầu phải kê khai giá, mà kê khai giá như thế nào thì bán theo giá đấy mà chẳng ai kiểm tra và có quyền hạn chế giá. 
Chính vì vậy mà việc kiểm soát là không có, thậm chí còn gây tác dụng ngược khiến cho các DN kinh doanh sữa làm theo đăng ký và được Nhà nước bảo hộ. 
Do vậy, rất dễ hợp lý hóa và hợp pháp hóa. “Chỉ có DN nào không thông minh thì mới không tăng trong bối cảnh cần kiếm lợi nhuận”, ông Phong nói.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, về nguyên tắc, chúng ta đã đưa giá sữa ra ngoài diện kiểm soát, kể cả sữa dành cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 6 tuổi cũng chỉ kiểm tra về mặt phẩm chất chứ không kiểm tra về giá. 
Ngoài ra cũng không có cơ chế tài chính nào để kiểm tra về giá. 
Do vậy, các DN dường như đang có kỹ năng kiểm soát thị trường rất tốt, nếu không nói hẳn là đang độc quyền, thậm chí độc quyền nhóm. 
Bởi lẽ, xu hướng tăng giá 3 năm lên tới 30 lần thì rõ ràng chỉ có độc quyền. 
“Chẳng có cái gì mà tăng liên tục 3 năm liền như vậy, trừ vàng theo kiểu đầu cơ; còn sữa thì lúc lên lúc xuống theo thời vụ, theo sản lượng và nhu cầu. Hơn nữa, sữa thế giới không như Việt Nam, cho nên bằng chứng gián tiếp như vậy rõ ràng cho thấy nó có sự kiểm soát thị trường nhất định, sự kết hợp bên trong mà cần phải được khám phá, ngăn chặn”, ông Phong nhận định.

Ông Phong cho biết thêm, hiện nay mình thả nổi hoàn toàn còn các doanh nghiệp cạnh tranh nhau thì rất yếu. 
Bằng chứng cho thấy là không có việc giảm giá sữa, bởi lẽ nếu cạnh tranh thì bắt buộc có sự giảm giá, nhưng đằng này tất cả đều tăng, điều đó cho thấy sự liên kết nào đó để các doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi ích.

Để kiểm soát việc tăng giá sữa như trong thời gian vừa qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải để cho thị trường hoàn toàn tự do hóa cạnh tranh hơn nữa, cấp phép nhiều hơn nữa và kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư nhiều hơn bởi vì thị trường sữa đang rất có lợi nhuận. 

Bên cạnh đó, phải thành lập hoặc chỉ đạo các công ty nhà nước kinh doanh sữa, kể cả Vinamilk, tăng trách nhiệm xã hội, cạnh tranh đối chọi và giảm giá cần thiết để tạo ra sức ép giảm giá. 

Nhưng bây giờ sữa Vinamilk lại “bắt tay” đua tranh giá với các doanh nghiệp kinh doanh sữa khác thì hết cả vai trò, tình nghĩa.

Theo phapluatxahoi.vn

LÊ HOÀNG

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]