Gia truyền nghề bún Song Thằn ở An Thái

Làng An Thái được biết đến không chỉ là vùng đất võ nổi tiếng, lưu truyền như Roi Thuận Truyền, quyền An Thái,… mà còn nổi tiếng bởi sản vật gia truyền bún Song Thằn.

0
Bún Song Thằn làng An Thái (Nhơn Phúc-An Nhơn-Bình Định) từ lâu đã quen thuộc trong câu ca "Nón ngựa Gò Găng/Bún Song Thằn An Thái", góp phần làm nên nghệ thuật ẩm thực độc đáo, đặc trưng của Bình Định.

Theo bà Lý Thị Hương, 85 tuổi và người làm bún Song Thằn gia truyền lâu nhất hiện nay ở An Thái, thì nghề làm bún này được truyền từ ông tổ nghề là Hồ Văn Mơi, sau đó qua mẹ của bà Hương là bà Hồ Thị Vịnh. Bà Vịnh có hai đời chồng (chồng trước là người Việt bị mất) chồng sau là ông Lý Phát (người Hoa). Ông Lý Phát muốn bà Vịnh đem nghề bún Song Thằn về Trung Quốc nhưng bà đã không đi mà ở lại giữ nghề, ông Phát dẫn người con gái đầu về Trung Quốc.
Bà Hương đang cầm bảng gỗ khắc thương hiệu Song Thằn

Hiện nay ở An Thái bún Song Thằn thì có 4 lò, đó là Hưng Đắt, Hương Huệ và Phúc Lộc (đều là con của bà Lý Thị Hương) và lò bún Phước Hải Sanh. Trung bình một ngày một cơ sở sản xuất được khoảng 50kg bún Song Thằn. Giá bán hiện tại cơ sở là 170.000 /1kg.

Bún Song Thằn không chỉ công phu ở khâu làm, mà đến cả lúc mang phơi. Bún Song Thằn phải được phơi trên bãi cát dọc sông Côn dưới nắng nóng và gió nhẹ. Thời tiết lý tưởng nhất để làm bún Song Thằn là từ tháng 3 đến tháng 6. Dường như chỉ có nắng gió sông Côn mới làm cho bún Song Thằn được thăng hoa như thế, từ đậu xanh qua nhiều công đoạn để có được những miếng bún song Thằn trắng, sáng và thơm ngon.

Bà Hương theo giúp mẹ từ lúc lúc 13 tuổi, đến năm 30 tuổi bà mới được mẹ truyền nghề. Một điều thú vị là từ những năm 60, bà Hương đã đặt từ Sài Gòn làm một bản khắc gỗ để in nhãn hiệu bún Song Thần, trong đó bà tự nghĩ ý tưởng vẽ hình 5 chú bé đang ăn tô bột đậu xanh, cậu nào cũng mạnh khỏe, hồng hào. Bà giải thích thêm rằng bún Song Thần làm từ bột đậu xanh cũng ngon và bổ như thế.

Bà Hương thích gọi tên loại bún này là Song Thần. Nhưng theo ông Hưng (con bà Hương) thì muốn lấy lại tên có từ thời ông Hồ Văn Mơi nên đăng ký nhãn mác trên bao bì là bún Song Thằn. Tuy nhiên hình ảnh "5 cậu nhóc" đang ăn bột đậu xanh vẫn còn trên bao bì hiện nay. Hiện này bà Hương rất an tâm với nghề truyền thống của mình vì được 2 người cháu nội đã rất thành thạo nghề là anh Võ Minh Thành và anh Võ Thành Sơn.
Bà Hương đang đảo bột đậu xanh.

Làng An Thái không những là một vùng đất võ nổi tiếng của quê hương Bình Định gắn với ba anh em nhà Tây Sơn, còn có những ngôi chùa cổ có từ thời lập làng, như chùa Bà với lễ hội Đỗ giàn tranh tài võ thuật của những võ sĩ trong vùng hấp dẫn một thời, mà còn có những sản phẩm như bún song thằn đặc trưng.

Mong sao có sự kết hợp thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn đế đưa những sản phấm của quê hương An Thái Bình Định đến với mọi người, vừa nâng cao đời sống cho bà con và góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống nơi đây.
  Bà Lý Thị Hương với bảng khắc gỗ in nhãn hiệu bún Song Thằn làm từ những năm 1960
  Tuy đã 85 tuổi nhưng Bà Hương vẫn còn khỏe mạnh, bà đang đảo bột bún Song Thằn
  Bà Hương với bao bì bún Song thằn hiện nay, vẫn giữ hình ảnh 5 chú bé ăn bột đậu xanh do bà vẽ.
  Công đoạn chọn đậu xanh để làm bún.
  Cháu nội bà Hương - anh Võ Thanh Minh đang làm bột.
  Khâu nhào bột
  Nghề làm bún gắn liền với nhiều người dân làng An Thái. Cụ bà Lâm Thị Sẻ (75 tuổi) tuy tuổi già nhưng đôi bàn tay vẫn rê những miếng bún đều tăm tắp
  Cháu nội bà Hương - anh Võ Thanh Sơn đang phơi bún song Thằn trên bãi cát sông Côn.
  Bún song thằn Hưng Đắt được đóng bao bì đem bán ra thị trường.
  Nghề làm bún dã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân An Thái.
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]