Giấc mơ internet trên không

15.6233

Có tới khoảng 3 tỉ người đã kết nối Internet, hầu hết đều qua các thiết bị di động và các mạng di động, theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Tuy nhiên, hành trình đưa internet đến với người dân ở khắp nơi trên thế giới chỉ mới bắt đầu, bởi phần lớn trong số họ vẫn chưa tiếp cận được internet và nhiều người dù kết nối được nhưng với tốc độ quá chậm. Giải pháp mang internet đến cho 4 tỉ người còn lại (nhiều người trong số này sống ở những nơi khó có thể phát triển hạ tầng mạng internet trên mặt đất) một cách nhanh nhất có lẽ sẽ đến từ… bầu trời.

Dĩ nhiên, giải pháp internet trên bầu trời đã được một số công ty thử nghiệm trước đó và cho thấy đây không phải là một lĩnh vực kinh doanh dễ xơi. Cả Iridium lẫn Globalstar, những đơn vị tiên phong trong việc phóng vệ tinh bay trong quỹ đạo trái đất tầm thấp, đã phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản.

Các mạng vệ tinh có 2 vấn đề lớn. Nếu chúng gần trái đất, chi phí sẽ rất đắt đỏ, vì đòi hỏi phải có nhiều vệ tinh để có thể phủ sóng khắp trái đất. Chẳng hạn, có 66 vệ tinh trong mạng vệ tinh Iridium và các vệ tinh này di chuyển theo quỹ đạo cách trái đất khoảng 485 dặm. Còn nếu có nhiều vệ tinh mạnh hơn và lớn hơn bay trong quỹ đạo địa tĩnh - ở độ cao 22.236 dặm phía trên mặt đất thì chỉ cần 3 vệ tinh là có thể phủ sóng khắp trái đất. Các quỹ đạo địa tĩnh rất hữu ích vì làm cho vệ tinh dường như là tĩnh đối với điểm cố định nào đó trên trái đất. Nhờ đó, các ăng ten có thể hướng tới theo một phương cố định mà vẫn duy trì được kết nối với vệ tinh. Nhưng điểm hạn chế của quỹ đạo địa tĩnh là sẽ mất rất lâu để bắt được tín hiệu và như vậy, nhiều ứng dụng sẽ không thể nào dùng được.

Tuy nhiên, một thế hệ mới các công nghệ vệ tinh cùng những ý tưởng mới trong lĩnh vực này đang biến bầu trời trở thành một “trạm phát sóng” giúp đưa dữ liệu đến các thiết bị di động với tốc độ nhanh không kém gì các mạng trên mặt đất, nhờ lợi thế phủ sóng toàn cầu.

Những người chơi có mặt từ lâu trên thị trường như Intelsat, công ty vệ tinh lớn nhất thế giới xét về mức vốn hóa thị trường, đang sử dụng vệ tinh địa đĩnh thế hệ tiếp theo của mình để kết nối internet cho máy bay, tàu du lịch trên biển, các tàu thương mại, tất cả các thị trường mà “về cơ bản là chưa hề tồn tại cách đây 5-7 năm”, David McGlade, Tổng Giám đốc Intelsat, nhận xét.

Càng gần với trái đất, cạnh tranh lại đến từ những công ty ít ai nghĩ tới như Facebook và Google. Các công ty này đang tìm cách để đưa internet đến với người sử dụng từ các thiết bị vẫn nằm trong tầng khí quyển của trái đất như khí cầu, máy bay không người lái.

Dự án Loon của Google nhằm đưa internet đến những vùng xa xôi của trái đất qua mạng lưới các khí cầu là một ví dụ. Mike Cassidy, đứng đầu dự án Loon, tin rằng tổng chi phí dành cho internet từ các khí cầu có thể chỉ bằng 10%, thậm chí 1% chi phí từ vệ tinh.

Google cho biết hiện có thể thả bay 20 khí cầu mỗi ngày. Các khí cầu này bay trong tầng bình lưu (đây là tầng khí quyển có ít dòng đối lưu xoáy mạnh, chỉ có gió nhẹ) và theo một cách nào đó, có thể xem như các vệ tinh, chỉ khác là chúng không phải phóng ra từ tên lửa. Ở tầng bình lưu, cách bề mặt trái đất khoảng 12 dặm, gió đẩy các khí cầu từ Đông sang Tây hoặc từ Tây sang Đông, tùy vào độ cao. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ cho phép Google tạo ra một mạng lưới các khí cầu phủ sóng không dây khắp thế giới, mặc dù sẽ phải cần tới hàng ngàn khí cầu như thế mới tạo được độ phủ này. Thông qua các công ty viễn thông Google đang hợp tác, ông Cassidy dự kiến các khách hàng trả tiền của Công ty sẽ được kết nối internet qua mạng lưới khí cầu vào năm 2016.

Trong khi dự án Loon đang sử dụng các phiên bản chỉnh sửa của các khí cầu theo dõi thời tiết thì Facebook lại đang theo đuổi một cách tiếp cận thậm chí còn xa vời hơn. Đó là sử dụng máy bay không người lái vận hành bằng năng lượng mặt trời có kích cỡ bằng chiếc Boeing 747. Công ty này hy vọng một ngày nào đó máy bay có thể cạnh tranh với cả vệ tinh lẫn khí cầu trong việc đưa internet đến người sử dụng.

Thách thức của Facebooke cũng như của Titan Aerospace - một công ty được Google mua lại hồi tháng 4 và cũng đang nghiên cứu máy bay không người lái - có rất nhiều, như phải có các tấm pin năng lượng mặt trời tốt hơn, tuổi thọ pin lâu hơn và hệ thống dẫn đường tự động tốt hơn. Facebook và Titan Aerospace cũng phải thuyết phục được các cơ quan quản lý cho phép máy bay không người lái khổng lồ của họ cùng chia sẻ bầu trời với các máy bay chở khách.

Các đối thủ khác trong cuộc đua internet trên bầu trời còn có các vệ tinh bay trong quỹ đạo trái đất tầm trung, giống như các vệ tinh được O3b Networks phóng vào đầu tháng 12 vừa qua, bay trong quỹ đạo 5.000 dặm phía trên mặt đất. Các vệ tinh này lớn và mạnh giống như các vệ tinh địa tĩnh nhưng lại không bị tình trạng bắt tín hiệu lâu.

Vệ tinh có thể sử dụng được trong nhiều thập niên, nhưng khí cầu và máy bay không người lái thì phải có nhiều chiếc thì mới đủ để phủ sóng khắp trái đất. Mặt khác, các thiết bị thông tin liên lạc trong khí cầu và máy bay không người lái cũng có thể phải thường xuyên được nâng cấp, theo ông Maguire của Facebook.

Dù còn gặp nhiều thách thức, nhưng trong bối cảnh nhu cầu băng thông đang tăng với tốc độ chóng mặt, việc Facebook và Google phải tìm giải pháp… tận trên bầu trời cũng là dễ hiểu.

Đối với internet vệ tinh, tiềm năng của lĩnh vực này là rất lớn. Tại Mỹ, khoảng 1,5 triệu người kết nối internet tại nhà qua vệ tinh, trong khi tính trên phạm vi toàn cầu, chỉ 0,2% người dân ở các nước phát triển kết nối internet qua vệ tinh trong năm 2012.

Vậy các mạng viễn thông mặt đất sẽ thế nào? Theo giới chuyên gia, các mạng viễn thông mặt đất vẫn còn nhiều lợi thế. Một lợi thế của nó so với mạng không dây chính là băng thông. Các mạng mặt đất lúc nào cũng có thể lắp sợi cáp quang mới khi muốn mở rộng băng thông.

Trong khi đó, những người thường xuyên bay đi công tác vẫn có cái mà trông đợi: “Trong tương lai gần, họ sẽ kết nối được internet khi đang ngồi trên máy bay với tốc độ nhanh như khi ở trên mặt đất”, ông McGlade của Intelsat nói.

(Theo WSJ)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]