Giải cứu cách nào?

"Bất động sản là con chim báo bão khi thị trường khủng hoảng. Nếu nó tắt, nền kinh tế cũng lâm nguy, cần có biện pháp cứu thị trường ngay trước khi quá trễ …" - một chuyên gia bất động sản đã nói như vậy tại Hội thảo " Vực dậy nguồn lực bất động sản" do Báo Lao Động và Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.

15.5743

Nhận định của vị chuyên gia này hoàn toàn có lý nếu nhìn vào bức tranh màu xám của thị trường bất động sản thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nếu không bắt đúng "bệnh", bốc "thuốc" sẽ không hiệu quả.

Thị trường bất động sản là một trong những đầu kéo của nền kinh tế, chỗ dựa cho nền tài chính, là nơi tích lũy tài sản của người dân và giải quyết một trong những nhu cầu bức thiết nhất của đời sống xã hội... Nhưng thực tế, trong suốt thời gian dài, thị trường bất động sản Việt Nam chủ yếu sống "trên lưng" ngân hàng, khi dòng vốn đình trệ, lập tức nảy sinh hàng loạt vấn đề. Doanh nghiệp bày ra đủ kiểu gọi vốn hợp pháp, bất hợp pháp, thậm chí lừa đảo. Chưa kể tình trạng đầu cơ, mua bán ngầm, lách luật, trốn thuế tràn lan kéo theo những lệch lạc của thị trường, đẩy giá bất động sản, đặc biệt giá nhà ở quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức độ phát triển của nền kinh tế...

Do vậy, khi suy thoái kinh tế tràn tới, thị trường bất động sản nước nhà đã bị cuốn ngay vào vòng xoáy. Năm 2011, hơn 90% doanh nghiệp bất động sản thua lỗ, không ít doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực bởi không thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, trong khi đó lượng căn hộ "tồn kho" còn rất lớn… Thị trường bất động sản đóng băng, các ngành sản xuất, kinh doanh liên quan như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, nội thất cũng "chết" theo, hệ lụy cho nền kinh tế không thể lường hết. Sức khỏe yếu, lại mắc căn "bệnh" trầm kha là thiếu lành mạnh nên "đầu tàu kinh tế" trở thành gánh nặng kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, có thể một lượng tiền lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng sẽ được bơm ra thị trường nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực trong đó có bất động sản, đồng thời hàng loạt giải pháp nhằm vực dậy thị trường này đang được đưa ra. Giải cứu thị trường bất động sản là cần thiết nhưng cần tập trung giải cứu vào thời điểm nào và bằng cách nào để mang lại hiệu quả tích cực nhất là vấn đề rất đáng cân nhắc.

Doanh nghiệp kêu ca thiếu vốn, làm ăn thua lỗ nhưng liệu việc đổ tiền cứu doanh nghiệp có đưa được giá bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở trở về với giá trị đích thực của nó hay không? Tính thanh khoản của thị trường có tăng lên hay không? Những cơn "nóng lạnh" bất thường của thị trường bất động sản trong thời gian dài đã để lại nhiều bài học về việc điều hành thị trường này, do vậy việc làm mạnh hóa thị trường bất động sản cần được đặt ra đồng thời với việc đổ tiền ứng cứu. Thêm nữa, thay vì hỗ trợ cho doanh nghiệp, có nên tính tới việc hỗ trợ cho người dân mua nhà bằng các cơ chế ưu đãi hay không? Có lẽ đây mới là giải pháp gốc.

Vực dậy một thị trường đã phát triển lệch lạc trong thời gian dài là việc không đơn giản, cần có sự thận trọng để giải quyết những vấn đề cốt yếu nhất. Bơm một lượng tiền lớn ra thị trường không thể không tính toán thời điểm, nếu quá vội vàng lạm phát sẽ quay trở lại, nếu quá chậm, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ không còn đủ sức để hấp thụ nguồn vốn.

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]