“Giải pháp mềm”

Khi “giờ G” (30/6/2009) buộc các mạng di động phải hoàn thành việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước (TBTT, kích hoạt dịch vụ từ ngày 1/1/2008 trở về trước) đang đến gần, cả Mobifone, Viettel và VinaPhone đều đã nỗ lực tung ra các “giải pháp mềm” để tăng tốc về đích.

0

Đi đầu là Mobifone, từ tháng 1/2009, đã đưa ra chương trình quay số trúng thưởng với ba đợt mở số vào cuối tháng 2, 3 và 4/2009. Mỗi đợt quay số có 8 giải thưởng, gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng; 2 giải nhì 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích 5 triệu đồng/giải. Ngoài ra còn một giải đặc biệt 300 triệu đồng dành cho tất cả TBTT có đăng ký thông tin tham gia. “Giải pháp mềm” này đã mang lại cho Mobifone mỗi đợt quay số có thêm vài triệu TBTT đăng ký thông tin - chấp hành quy định của luật pháp. Cuộc đua sử dụng “giải pháp mềm” bắt đầu từ đây bởi sau đó vào tháng 3/2009, VinaPhone và tiếp sau là Viettel đã áp dụng giải pháp tặng tiền vào tài khoản (50.000 đồng) cho mỗi TBTT khi đăng ký thông tin.

Theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), TBTT đến hết ngày 31/12/2009, nếu không đăng ký thông tin thì sẽ bị cắt dịch vụ. Đó là “giải pháp cứng” mang tính bắt buộc nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong việc quản lý TBTT. Tuy nhiên, đối với nhiều TBTT, “giải pháp cứng” không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả. Nhiều TBTT cảm giác không thoải mái khi bị ép buộc, sinh ra chây ì đăng ký thông tin, đến cận ngày bị cắt dịch vụ thì vứt SIM bỏ số. Hành vi này không những gây khó khăn cho công tác quản lý mà còn làm cho kho tài nguyên số bị lãng phí, đồng thời cũng không có lợi cho các nhà khai thác mạng di động về mặt kinh doanh.

“Giải pháp mềm” của các mạng đưa ra là một giải pháp khá khéo léo, vừa có thể vận động được các TBTT chấp hành quy định của pháp luật, vừa tạo cơ hội cho họ tham gia quay số với các giải thưởng hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng “giải pháp mềm” đơn lẻ thì kết quả chưa chắc được như mong muốn. Mobifone cho biết: Nét riêng của họ là thực hiện “giải pháp mềm” tổng hợp với nhiều “mũi giáp công”, gồm cả việc lập các đội nhóm lưu động xuống các điểm giao dịch, đại lý giúp khách hàng đăng ký thông tin; nhắn tin, gọi điện trực tiếp mời TBTT đi đăng ký thông tin và chạy các thông điệp trên báo chí, truyền hình để kêu gọi, vận động khách hàng... Nhờ đó tỷ lệ TBTT chưa đăng ký thông tin đã giảm một cách nhanh chóng, từ 90% (tháng 1/2009) xuống còn 10% (tháng 4/2009). Mobifone tự tin cam kết sẽ hoàn thành công tác này trước thời hạn Bộ TT&TT đề ra hai tháng.

Một bài học có thể rút ra từ đây, là ngoài các “giải pháp cứng” về quản lý nhà nước, nếu các DN đưa ra các “giải pháp mềm” để bổ trợ, thì sẽ đạt hiệu quả tốt hơn trong việc vận động khách hàng tuân thủ pháp luật.
 

THUỴ LÂM
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]