Giải phẫu bệnh loét mạn tính dạ dày

15.6289

Là bệnh hay tái phát nhiều lần, thường ở người lớn trung niên và người già. Hiếm khi có ở người trẻ. Bệnh có thể xuất hiện mà không gây ảnh hưởng gì, rồi tự khỏi sau vài tuần đến vài tháng. Nhưng thường, đã mắc bệnh một lần là mắc bệnh suốt đời. Trên các khảo sát tử thiết và theo dõi bệnh nhân, người ta thấy tần suất của bệnh là 6-14% ở đàn ông, 2-6% ở đàn bà. Tỉ lệ bệnh ở đàn ông/đàn bà là 3/1 cho bệnh loét tá tràng và 1,5/1 đến 2/1 cho bệnh loét dạ dàỳy. Đàn bà ở tuổi mãn kinh dễ mắc bệnh hơn. Khoảng nửa thế kỷ trước, loét tá tràng có xuất độ cao hơn hiện nay. Bệnh thường thấy ở các xứ có kỹ nghệ phát triển, và được coi như là một bệnh của nền văn minh.

Yếu tố di truyền dự phần quan trọng trong loét tá tràng nhưng không có vai trò quan trọng trong loét dạ dày. Những người thân trực hệ của người bị bệnh dễ mắc bệnh gấp 3 lần người khác.

Loét tá tràng thường có hơn ở nam giới trẻ hoặc trung niên có nhóm máu O. Loét dạ dày thì ở người già, với ưu thế ở người nhóm máu A.

Gần đây, người ta còn nhận thấy mối liên hệ nhân quả giữa sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori với bệnh viêm và loét dạ dày. Khoảng 60-70% bệnh nhân loét dạ dày có  H. pylori trong niêm mạc dạ dày.

Sinh bệnh học

Loét tá tràng thường liên quan đến tình trạng căng thẳng thần kinh, lo âu. Các vị trí bị loét là những vị trí chịu ảnh hưởng của dịch vị: dạ dày, tá tràng, phần dưới của thực quản, hổng tràng phần xa của miệng nối dạ dày-ruột non (sau phẫu thuật nối dạ dày-ruột non), các dị tật có chứa niêm mạc dạ dày. Phần màng nhầy không chịu đựng được môi trường acid-pepsin là nơi dễ bị loét. Do đó loét dạ dày thường gặp ở hang vị, hiếm ở tâm vị.

Sự tăng tiết dịch vị và yếu tố xúc động được coi như là nguồn gốc của loét. Niêm mạc dạ dày và tá tràng luôn luôn được che bởi lớp chất nhầy cũng như nhờ sự trung hòa và làm loãng độ acid bởi thức ăn, nước bọt, dịch tràng từ tá tràng. Sự tăng tiết acid hydrochloric ở dạ dày vào ban đêm do thần kinh bị kích thích là nguyên nhân của loét tá tràng. Còn loét dạ dày là do sự ứ đọng thức ăn trong dạ dày không có nhu động làm kích thích sự tăng tiết acid hydrochloric.

Dù vậy, một số ít trường hợp có tình trạng giảm tiết acid, đặc biệt là trong các trường hợp loét ở bờ cong nhỏ dạ dày không kèm theo loét ở tá tràng hay môn vị, là do một số yếu tố như: sự trào ngược của mật, tình trạng viêm dạ dày và sự giảm tiết nhầy của niêm mạc dạ dày có thể làm giảm sự đề kháng tại chỗ đối với acid hydrochloric.

Các yếu tố xúc động làm kích thích thần kinh X qua đường hạ đồi-tiền não thùy-vỏ thượng thận đã ảnh hưởng đến hoạt động của dạ dày. Chất cortisone, có thể gây loét, thường là ở dạ dày, có thể làm loét nặng hơn, xuất huyết, thủng.

Đặc tính giải phẫũu bệnh

Ổ loét dạ dày thường có ở thành sau bờ cong nhỏ, cách môn vị khoảng 5cm. Một số ít trường hợp ở tâm vị, 2 bên môn vị (làm khó phân biệt vị trí ở dạ dày hay tá tràng).

Ổ loét tá tràng thường có ở cách môn vị khoảng 1-2cm, ở thành trước hoặc ở thành sau (ít khi ở thành bên).

Ổ loét điển hình thường nhỏ (khoảng 1cm ở tá tràng, 1-2,5cm ở dạ dày) phủ bởi một lớp chất nhầy bóng, có bờ rõ, không gồ cao cách biệt rõ với niêm mạc lành chung quanh. Đôi khi ổ loét to và không đều. Loét dạ dày ác tính thường có hình chén, không được phủ màng nhầy, bờ dốc, gồ cao và cứng, lớp dưới niêm mạc dày.

Dưới kính hiển vi, đáy ổ loét phủ bởi một lớp fibrin có xác bạch cầu đa nhân. Phần trung gian là mô hạt viêm với tương bào, limphô bào, có khi có nhiều bạch cầu đa nhân ưa eosin. Phần dưới là mô sợi xơ dày không mạch máu chiếm hết phần khuyết của lớp cơ trơn. Đôi khi thấy rất rõ các bó thần kinh phì đại, các động mạch thuyên tắc hoặc xơ hoá. Nhiều ổ loét lành và thượng mô mọc lên chỗ loét thành một lớp. Dần dần cấu trúc giống tuyến phát triển nhưng không bao giờ tạo được lớp màng nhầy hoàn toàn như bình thường. Do mô sợi dày, mô cơ cũng không tái tạo nên vết sẹo của ổ loét cũ tồn tại vĩnh viễn.

Biến chứng

Các biến chứng là xuất huyết, thủng và nghẹt môn vị. Các biến chứng này tùy thuộc vị trí ổ loét. Ổ loét của dạ dày và tá tràng đều có thể gây xuất huyết nặng. Ổ loét ở tá tràng thường gây thủng. Bất kỳ ổ loét nào, đặc biệt là ở vách sau, có thể gây xuất huyết với lượng nhỏ, làm đi cầu ra máu.

Các ổ loét ở vách trước tá tràng có thể làm thủng vào xoang phúc mạc gây viêm phúc mạc. Thủng ở vách sau vào tụy tạng có thể gây đau bụng dữ dội, gây viêm phúc mạc khu trú. Chỗ thủng có thể dính vào mạc nối lớn và các cấu trúc lân cận gây viêm. Viêm phúc mạc do thủng ổ loét lúc đầu là viêm do tác nhân hoá học, liền sau đó là do nhiễm khuẩn.

Nghẹt môn vị là biến chứng của ổ loét ở dạ dày hoặc tá tràng gần môn vị, do mô sẹo và tình trạng co thắt. Dạ dày bị phình to và phì đại.

Carcinom hình thành từ một ổ loét có trước rất hiếm khi xảy ra (dưới 1% các trường hợp).

Loét sau phẫu thuật điều trị có thể xảy ra ở miệng nối dạ dày-ruột non hoặc ở phần xa của phần hổng tràng nối với dạ dày. Các ổ loét mới này có thể gây thủng. Có khi lỗ thủng thông và tạo lỗ dò với đại tràng ngang.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]