Giải phẫu bệnh phù

15.5986

Các thành phần dịch của cơ thể chiếm 70% trọng lượng người trưởng thành, bao gồm những dịch ở trong tế bào (45%) và ngoài tế bào (25%) (tại mô đệm kẽ và trong lòng mạch). Phù là sự ứ đọng bất thường các dịch đó trong ở mô đệm kẽ, còn ứ đọng dịch ở trong tế bào là hiện tượng thũng đồng thẩm thấu. Hình thái đại thể và vi thể của phù thường khác biệt tùy thuộc vị trí và cấu trúc của tạng bị thương tổn.

Đại thể

Các tạng phù thường sưng to hơn bình thường (oidêma = kích thước lớn), màu nhạt, mềm và có trọng lượng lớn. Diện cắt có chảy dịch màu vàng nhạt. Phù có thể hiện ở: (1) mô dưới da, với dấu hiệu "ấn lõm ", ranh giới không rõ và còn thể hiện dấu vết lâu dài. (2) bao tim, do chứa dịch qua gọi là tràn dịch màng tim. (3) khoang màng bụng, gọi là cổ chướng (4) khoang màng phổi, gọi là tràn dịch màng phổi (5) hốc phổi, trong trường hợp phổi tim gây phù phổi (6) trong bao tinh hoàn, gọi là tràn dịch màng tinh hoàn.

Vi thể

Dịch phù có dạng thuần nhất, rất ưa toan nếu chứa nhiều protein, có thể hiện diện ở: (1) mô đệm, làm các sợi bào bị tách biệt nhau (2) lòng hốc phổi, gây phù phổi (3) não, ứ dịch bao quanh vi mạch và ở mô thần kinh đệm gây phù não (4) mô dưới thượng bì, tạo nên một bọng nước dưới da.

Tạo bệnh

Phù hình thành do rối loạn những cơ chế điều hòa các quá trình trao đổi chất giữa dịch mô đệm kẽ và dịch trong mạch. Những áp lực luôn có xu hướng đẩy dịch ra ngoài gồm: (1) áp lực thủy tĩnh của huyết tương và (2) áp lực thẩm thấu của mô kẽ. Còn những áp lực có xu hướng hút dịch vào trong mạch gồm: (3) áp lực thẩm thấu của huyết tương và (4) áp lực thủy tĩnh của mô đệm kẽ. Tham gia vào các yếu tố đó còn có tình trạng hoàn chỉnh vách nội mạc vi mạch máu, mạch limphô, bởi vì khi có tăng tính thấm vi mạch cũng như khi dòng limphô lưu thông chậm sẽ tạo điều kiện thuận lợi gây phù.

Ở đầu tận động mạch (của vi mạch), áp lực thủy tĩnh là 35 milimet thủy ngân (Hg), còn ở đầu tận tĩnh mạch thì áp lực đó chỉ còn 12 - 15 mm Hg.

Ap lực thẩm thấu (protein) của huyết tương (ở đầu tận động mạch) là 20 - 25 mm Hg và tăng nhẹ ở nơi đầu tận tĩnh mạch, do dịch từ lòng mạch đã thoát ra ngoài. Như vậy, ở đầu tận động mạch, dịch thoát ra ngoài để rồi lại được hút trở vào lòng vi mạch, ở nơi đầu tận tĩnh mạch. Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch mô kẽ đều trở vào lòng vi mạch vì một lượng dịch nào đó để nhập vào dòng mạch limphô để rồi gián tiếp trở lại vào dòng huyết lưu.

Đặc điểm hóa sinh

Có thể phân biệt 2 dạng dịch phù:

(1) Dịch xuất, rất giàu protein và những chất dạng keo có tỷ trọng lớn hơn 1020, được hình thành do tăng tính thấm vách vi mạch trong quá trình viêm.

(2) Dịch qua, nghèo protein và những chất dạng keo có tỷ trọng nhỏ dưới 1015-1020. Được hình thành không do viêm mà thường do tăng áp lực tuần hoàn hoặc giảm áp lực thẩm thấu của huyết tương.

Dịch qua được hình thành trong 4 trường hợp sau :

(a) tăng áp lực thủy tĩnh trong mạch do nhiều nguyên nhân như (i) biến đổi dòng huyết lưu tại chỗ (sau những huyết khối lấp tắc, thường ở chi dưới, gây phù nề) (ii) tăng áp lực tĩnh mạch (thường gặp trong các bệnh suy tim làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động tâm thất phải). Còn gọi là phù do tim (phù mô dưới da chi dưới)

(b) giảm áp lực thẩm thấu (protein) của huyết tương do thất thoát albumin (xảy ra chủ yếu trong hội chứng hư thận, do tổn thương màng đáy cầu thận để thoát lọt mất nhiều protein) hoặc do thiểu năng tổng hợp albumin huyết thanh (xảy ra trong các bệnh viêm gan, xơ gan, suy dinh dưỡng...) còn gọi là phù do thận (phù quanh hốc mắt, mi mắt).

 (c) những biến đổi của dòng mạch limphô do nhiều nguyên nhân như (i) viêm nhiễm giun chỉ Filariosis gây thoái hóa, sợi hóa các hạch, mạch limphô vùng bẹn, tạo tình trạng phù nề ở chi dưới (chân voi) và bộ phận sinh dục (ii) mạch limphô có dị tật bẩm sinh, vô tạo, hoặc bị lấp tắc, chèn ép. (iii) sau điều trị ung thư vú kèm nạo hạch nách, gây phù nề toàn bộ chi trên, còn gọi là phù do mạch limphô.

(d) ứ trữ nước và sodium (xảy ra trong trường hợp suy giảm cấp tính chức năng thận do viêm cầu thận Streptococcus hoặc do suy thận cấp) gây tăng áp lực thủy tĩnh và phù. Còn gọi là phù do ứ trệ.

Tiến triển

Có loại phù hình thành và thoái triển nhanh chóng (như phù dị ứng kiểu Quincke), cũng có loại tồn tại lâu dài và gây hóa sợi (ở mô bì và hạ bì ở da). Phù có thể gây nhiều hậu quả như (1) thiếu oxy và rối loạn trao đổi chất giữa các tế bào và máu (2) rối loạn trao đổi oxy máu (trong phù phổi) (3) ngạt thở (trong phù thanh môn). (4) tăng huyết áp nội sọ (phù não) (5) nhiễm khuẩn do rối loạn trao đổi chất ở mô.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]