Giải phẫu bệnh u lành phần mềm

15.6042

U mô bào sợi

Tổn thương này rất nhiều tên gọi khác nhau tùy vào hình ảnh vi thể, tính chất u còn bàn cãi. Stout (1963) cho là u có nguồn gốc từ mô bào có khả năng như là một nguyên bào sợi tạo được sợi võng và sợi keo. Kempson và Kyriakos (1972) gọi chung là u mô bào sợi. Tổn thương hay gặp nhất là u sợi bì, u dạng mỡ, u đại bào màng gân... Tính chất chung là u phát triển chậm, xâm nhập mô xung quanh.

U sợi bì

U mọc chậm, tăng trưởng có giới hạn, không đau, thường ở mông, vai, tay chân...U hay gặp ở người trưởng thành.

Đại thể:

U là một nốt nhỏ, nằm ngay dưới lớp thượng bì, ít khi quá 2-3 cm, có giới hạn nhưng không có vỏ bao.

Vi thể:

U có hình ảnh rất thay đổi, gồm những tế bào hình thoi và sợi xếp thành cuộn, bó, hình xoáy trôn ốc, nan hoa. Kích thước và hình dạng tế bào giống nhau. Đôi khi có những tế bào lớn hơn, hình đa diện hoặc các thực bào chứa chất dạng mỡ hay hemosiderin và đại bào đa nhân. Mô u xâm nhập mô xung quanh, không có vỏ bao.

Điều trị:

Cắt rộng cách u 2 cm lấy luôn da. Nếu không u sẽ hoá ác thành sarcom sợi bì lồi.

U dạng mỡ

U phát triển ở mô dưới da hoặc ở gân cơ, đại thể có màu trắng, có giới hạn nhưng không có vỏ bao.

Hình ảnh vi thể đặc hiệu là có rất nhiều thực bào với không bào lớn chứa các chất dạng mỡ, ngoài ra còn có các tế bào hình thoi tạo sợi và đôi khi có đại bào đa nhân.

Điều trị:

Cắt rộng u để tránh tái phát hoặc để yên.

U đại bào màng gân

Tổn thương thường gặp, tính chất u còn bàn cãi. U thường thấy ở bàn tay, bàn chân, phát triển từ màng gân nhất là gân gập ngón tay. Đôi khi u dính gân, cơ và có thể ăn lẹm xương. U chủ yếu gặp ở thanh niên và trung niên.

Đại thể:

U nhỏ 2-5 cm, chắc, nhiều thùy, màu nâu vàng có vỏ bọc sợi.

Vi thể:

Mô u có tăng sản mô sợi, có rất nhiều đại bào đa nhân, đôi khi có thực bào chứa mỡ. Nhiều tổn thương loại này có ít đại bào và thấm nhập nhiều tế bào viêm nên được gọi là viêm nốt màng gân-khớp.

Điều trị:

Để yên hoặc cắt bỏ hết và giải phóng gân.

U mỡ lành

Có thể xảy ra ở mọi tuổi, thường gặp ở tuổi trung niên là lúc dễ phát phì và tích tụ mỡ. U mỡ lành là một trong những u hay gặp nhất.

U có thể ở mọi nơi, thường nhất ở đùi, mông, có thể sau phúc mạc, ở trung thất, mạc nối... U mỡ lành lớn rất chậm, thông thường khoảng 2-5 cm, đôi khi đạt kích thước 15-20 cm, thường không gây triệu chứng hoặc trở ngại gì.

Đại thể, vi thể, thành phần hoá học của mô u hoàn toàn giống của mô mỡ bình thường. Hai đặc tính giúp nhận ra u mỡ là đại thể và sinh học.

Đại thể:

U có giới hạn rõ rệt với mô xung quanh, thường có vỏ bao sợi, dễ bóc tách lấy trọn u.

Sinh học, mô u mỡ không bị tiêu hao mà vẫn tiếp tục phát triển khi cơ thể người bệnh bị đói lâu ngày.

Điều trị:

Để yên hoặc cắt u.

Ngoài ra còn có hai loại  u mỡ lành khác rất hiếm gặp là:

U mỡ thai:

U dưới da, lớn chậm, có thể đạt tới kích thước 20 cm, thấy ở đùi, nhượng chân, lưng, cổ, nách, thành bụng, trung thất. Mô u có nhiều thùy, cấu tạo bởi các tế bào bọt lớn với nhiều không bào chứa mỡ.

U mỡ phôi:

Do Vellios mô tả lần đầu, gặp chủ yếu ở trẻ em, cấu tạo bởi các nguyên bào mỡ trong một mô đệm nhầy họp thành từng đám, từng ngăn.

U lành mạch máu

U lành mạch máu rất hay gặp, thường xuất hiện ngay từ lúc mới sinh hay vài năm tuổi, lớn dần. Một số u tự nhiên biến mất, một số ngưng lớn khi đến tuổi trưởng thành, một số u xuất hiện khi tuổi đã lớn.

U thường ở dưới da và niêm mạc nhưng có thể gặp ở trong cơ vân, trong các nội tạng, cơ quan (tuyến nước bọt, gan ...).

Đại thể:

U là những nốt nhỏ hoặc từng đám, mảng lan tỏa hoặc từng khối có màu đỏ hay xanh tím.

Vi thể:

U gồm nhiều loại:

* U mao mạch: Tăng sản các mạch máu rất nhỏ, vách rất mỏng chỉ gồm một vài tế bào nội mô với một vài sợi võng.

* U tĩnh mạch: Tăng sản các mạch máu lớn hơn, vách mỏng có ít sợi cơ trơn, lòng chứa đầy hồng cầu và huyết tương. Tổn thương còn được gọi là u mạch máu dạng hang.

* U hỗn hợp (mao mạch và tĩnh mạch).

* U nội mô mạch máu (U tế bào nội mô mạch máu): Ở trẻ em, do tăng sản tế bào nội mô thành nhiều lớp.

* U mạch chu bào: Có tăng sản mạch các chu bào. Phân biệt với u nội mô mạch máu nhờ phương pháp nhuộm bạc reticulin. Các tế bào nội mô nằm trong bao reticulin của mạch máu còn các chu bào nằm ngoài.

* U cuộn mạch: Là một loại u mạch chu bào hiếm gặp, thường ở dưới móng các ngón tay, gây đau nhức từng cơn, đôi khi kèm theo những rối loạn hệ thần kinh giao cảm. Hầu hết u chỉ ở một nơi, có giới hạn rõ và gây khuyết xương. U có những mạch máu vách dày với nhiều sợi thần kinh không myelin giữa các đám mạch máu.

U bao Schwann (U vỏ bao thần kinh)

U phát triển từ tế bào Schwann của màng bao dây thần kinh, có thể gặp ở mọi nơi. U lớn chậm, có thể gây đau nhức và tê dọc theo đường dây thần kinh do ảnh hưởng chèn ép khi u lớn. Kích thước từ 1-4 cm, ít khi quá 8 cm.

Đại thể:

U mọc từ màng bao, lồi ra ngoài về một phía của dây thần kinh, đôi khi nằm ở giữa đẩy các sợi thần kinh ra ngoại biên mô u. Mặt cắt u mềm, có màu trắng trong.

Vi thể:

Tế bào u hình thoi, nhân xếp thành hàng rào (kiểu Antoni A) hoặc tế bào hình sao nằm rải rác trong các mô đệm nhầy (kiểu Antoni B).

Điều trị:

Để yên, tách và cắt u khi có triệu chứng chèn ép dây thần kinh, cần bảo toàn dây thần kinh.

U sợi thần kinh

U nhỏ từ 1-2 cm, dưới da, có giới hạn, mặt cắt màu trắng xám. Gồm những đám sợi thần kinh rất mảnh mai, lượn sóng, xen kẽ có các bó sợi võng và sợi keo thô hơn. U thường nằm trong bệnh cảnh của bệnh von Recklinghausen phần mềm̀m (bệnh u sợi thần kinh có tính chất gia đình) (xem bài bệnh của hệ thần kinh).

U lành mạch limphô

U lành mạch limphô hiếm gặp hơn u mạch máu, xuất hiện trước hay sau khi sinh. U thường lan tỏa ở trong lưỡi, miệng, mô dưới da, ngón tay, tứ chi, cổ, trung thất, vùng bẹn, mạc nối, mạc treo ruột. U làm cho cơ quan bị tổn thương phì đại (lưỡi, ngón tay, cả chi) hoặc các mạch limphô dãn nở lớn tạo thành bọc limphô (cổ, mạc nối, mạc treo ruột). U mạch limphô ngưng lớn sau một thời gian và không di căn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]