Giải phẫu bệnh u lành tuyến vú

15.5995

U sợi tuyến

Là loại u lành có xuất độ cao trong các u của vú. Thường xảy ra ở nữ giới có tuổi dưới 30 tuổi.

U lớn chậm và chịu ảnh hưởng của nội tiết tố estrogen. U khởi đầu giống như thay đổi sợi-bọc của vú, do tăng sản thượng mô các ống dẫn và tăng sản mạnh mô đệm sợi trong tiểu thùy. U thường hay có cùng lúc với thay đổi sợi-bọc.

Nguyên do tại sao một vùng mô vú lại có thể bị ảnh hưởng bởi sự mất quân bình nội tiết tố (tăng estrogen hoặc quá mẫn với estrin) thì chưa được giải thích. Mãn kinh thường làm ngưng sự phát triển của u trong khi thai kỳ và sự sinh sữa làm cho u lớn mau.

U thường chỉ có một khối đơn độc, nhưng đôi khi có thể có nhiều u, có cả hai vú hoặc có u tái phát. U không dính da, không dính mô chung quanh, không ảnh hưởng đến hạch limphô vùng nách.

U có kích thước trung bình nhỏ khoảng 3,5 cm, có vỏ bao rõ, đặc, chắc như cao su, màu trắng. Chỉ cắt ngang u được khi giữ u chắc, nếu không, u sẽ trượt và lăn khỏi dao. Mặt cắt của u thường phồng cao lên và đồng nhất. Đôi khi mặt cắt có thể có hạt nhỏ hoặc có đường nứt nhỏ giống như bản đồ. Nếu u có lâu ngày có thể có chỗ hoá hyalin hoặc đọng vôi.

Dưới kính hiển vi, hình ảnh chủ yếu của u là mô đệm sợi non, giầu tế bào và mịn bao bọc các đám tuyến hoặc bọc lót bởi thượng mô. Mô đệm sợi thường thưa, dạng lưới và đôi khi là mô nhầy. Còn ống tuyến rất thay đổi, hình dạng khác nhau giữa các trường hợp và khác nhau tùy theo vị trí trong cùng một u. Vì vậy, người ta chia u ra làm 3 loại:

U sợi-tuyến quanh ống

Các đám tuyến tròn hoặc bầu dục, được lót bởi một hay nhiều lớp tế bào hình trụ hoặc đa diện. Màng đáy còn nguyên và rõ. Mô liên kết bao quanh, chèn ép các đám ống tuyến.

U sợi-tuyến trong ống

Lòng ống bị ép, đẩy làm tuyến trở nên có hình dạng méo mó, tạo thành những khe không đều. Các tế bào thượng mô bị ép thành những dây dài trên nền mô đệm sợi. Các chỗ tăng sản sợi nhiều còn có thể lấn vào lòng các khoảng ống dẫn còn nguyên.

U tuyến sinh sữa

Thành phần sợi rất ít. Toàn bộ mô u là các ống tuyến và các tiểu thùy tăng sản, lót bởi một hay hai lớp tế bào và phân cách nhau bởi lớp mô sợi mỏng. Các tế bào rất đều đặn, nhưng vỏ bao u thường không hoàn toàn. Loại u này rất hiếm thấy và có trên mô vú đang sinh sữa.

Trong 3 loại trên đây thì hai loại quanh ống và loại trong ống thường xuất hiện chung trong cùng một u. Còn loại sinh sữa thì thường có một mình.

U sợi-tuyến khổng lồ

Trong một số trường hợp rất hiếm, u sợi-tuyến có thể phát triển to, đường kính có thể đến 10 đến 15 cm và trở thành có nhiều thùy. Khi đó, u được gọi là u sợi-tuyến khổng lồ và được xếp trong nhóm sarcom bọc-diệp thể. U to có thể làm biến dạng vú, gồ lên mặt da, gây hoại tử da trên u.

Sarcom bọc-diệp thể

Ngoài dạng đặc là u sợi-tuyến khổng lồ kể trên, u thường to, nhiều thùy, có bọc, làm biến dạng vú, có thể gây hoại tử và lở da trên u.

Tuy hình dạng đại thể và tên gọi như vậy nhưng không phải lúc nào u cũng có tính chất ác tính. Theo Norman Trèves, có 3 loại:

U diệp thể lành.

Sarcom bọc-diệp thể ác.

Và sarcom bọc-diệp thể có tính ác nghi ngờ (nhóm "nghi ngờ" này có đặc điểm là tính chất lâm sàng nghi ngờ ác tính).

Theo Robbins, chỉ có 2 loại lành và ác, loại lành thường gặp hơn loại ác tính.

Cấu trúc vi thể gồm mô đệm nhầy nhiều tế bào hơn trong u sợi-tuyến. Các đám tế bào limphô, các nơi hoá sụn, hoá xương có thể có trong mô đệm. Nhưng thay đổi xấu nhất trong u là có tăng sản tế bào mô đệm kèm theo tế bào dị dạng và nhiều hoạt động phân bào. Sự thoái hoá ác tính luôn luôn đi kèm theo sự phát triển nhanh chóng của thể tích u. Tổn thương ác tính có thể tái phát, thường là tái phát tại chỗ. Khoảng 15% trường hợp có thể cho di căn hạch nách và di căn xa. Dù vậy, hầu hết có thể được điều trị khỏi bằng phẫu thuật cắt bỏ. Nhiều tác giả lưu ý cần thận trọng trong chẩn đoán và điều trị vì có nhiều trường hợp, khối u rất hiền lành về mặt lâm sàng nhưng lại là loại ác tính. Nếu dùng tên gọi u bọc-diệp thể, cần phân biệt rõ là loại lành hay loại ác tính.

U nhú trong ống sữa

Đây là một loại u đơn độc, chỉ có một khối nhỏ nằm trong một ống dẫn hay một bọc, khác với tình trạng tăng sản nhú có nhiều ổ, được gọi là bệnh u nhú, là một thành phần của thay đổi sợi-bọc. Thường xảy ra nhất trong những ống dẫn sữa chính.

Có ở mọi tuổi, nhưng thường nhất từ 30 đến 50 tuổi.

Trên lâm sàng thường được phát hiện do:

(1) Tiết dịch vàng hoặc máu hoặc trắng đục ở núm vú,

(2) Một u nhỏ vài milimét ở vùng quầng vú,

(3) Một số hiếm trường hợp tụt đầu vú.

Do u thường nhỏ ít khi trên 1 cm nên khó xác định trên lâm sàng và giải phẫũu bệnh học. U thường ở trong ống dẫn sữa chính gần núm vú. Mô u bở, có những nhú và nhánh nằm trong một ống hoặc một bọc dãn nở. U có thể có hoặc không có cuống.

Cấu trúc vi thể gồm nhiều nhú, mỗi nhú có một trục liên kết và được phủ bởi tế bào thượng mô trụ hay lập phương. Do có phân nhánh, các nhú có thể tạo nên hình ảnh những khoang tuyến giả hoặc những ổ tế bào. Trong các u lành thật sự, có 2 loại tế bào trong mỗi nhú: tế bào thượng mô và tế bào cơ-thượng mô. Có thể có chuyển sản dạng tế bào đỉnh tiết hoặc những đám nhỏ mô xơ hoặc thoái hoá hyalin.

Chẩn đoán phân biệt với carcinom dạng nhú trong ống có thể khó. Các tiêu chuẩn để chẩn đoán carcinom là:

Có nhiều tế bào bất thường.

Có một loại tế bào.

Có nhân chia bất thường.

Không có trục liên kết-mạch máu.

Có những dãy tế bào nối các lòng ống (tạo hình ảnh dạng sàng).

Không có thoái hoá hyalin và chuyển sản dạng đỉnh tiết.

Có xâm nhập mô đệm.

Có những trường hợp các tiêu chuẩn trên có đặc tính lưng chừng rất khó chẩn đoán. Cách xử trí tốt nhất, do đó, là cắt toàn bộ phần ống dẫn có u.

Không có mối liên hệ giữa u với ung thư vú. Haagensen phân biệt loại u nhú trong ống sữa đơn độc có một ổ với loại u nhú trong ống sữa có nhiều ổ. Loại u có nhiều ổ có khả năng phát triển thành ung thư, thường là những khối giới hạn không rõ nằm ở vùng ngoại biên của vú nhưng không phải là bệnh u nhú thấy trong thay đổi sợi-bọc. Về mô học, chúng có hình ảnh giống u nhú trong ống sữa đơn độc.

U tuyến của núm vú

Hiếm thấy. Có ở người già. Gần núm vú, có thể làm lở loét núm vú. Là dạng u lành tuyến mồ hôi dạng nhú. Các ống được viền bởi các nhú có trục liên kết, có hai lớp tế bào: thượng mô lập phương, và cơ-thượng mô dẹt.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]