Gian lận thi cử có phải do bệnh thành tích?

Muốn chống tiêu cực trong giáo dục, cần phải thấy hết nguyên nhân xã hội. Chừng nào quản lý xã hội còn duy trì những cơ chế phát sinh, khuyến khích tham nhũng thì khó có nhà trường trong sạch trong xã hội chưa trong sạch

15.5954
Một tháng nay dư luận xã hội còn chưa hết ngỡ ngàng vì những biểu hiện nương tay với tham nhũng lộ rõ qua kỳ họp Quốc hội thì tiếp đến là những tin tức dồn dập về gian lận thi cử ở Hà Tây, Tiền Giang, và nhiều nơi khác trong mùa thi. Năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi buổi thi THPT và ĐH-CĐ là sân trường ngập trắng các phao mà kỹ nghệ sản xuất của Việt Nam thì từ lâu không nước nào sánh kịp (sau thi THPT tại Hà Nội còn phát hiện mấy tạ phao chưa bán hết!). Chuyện thí sinh quay cóp, giám thị tiếp tay đã trở nên quá đỗi bình thường, có vẻ như thiếu cảnh đó thì không còn là thi cử trên cái xứ nghìn năm văn hiến này. Tuy nhiên, năm nay có điểm khác với mấy năm trước là gian lận thi cử bắt đầu sử dụng công nghệ cao (điện thoại di động), và nhất là đã đạt đến trình độ tổ chức bài bản, mua được cả hội đồng thi, hay chuồn bài giải sẵn một lúc cho cả hàng trăm thí sinh. Và không chỉ học sinh phổ thông quay cóp, gian lận, mà cả nhiều quan chức, cán bộ lãnh đạo (nghe nói có cả ủy viên Trung ương Đảng) cũng quay cóp, gian lận, nhờ người thi hộ, thi kèm, dĩ nhiên không phải thi THPT mà ở những kỳ thi quan trọng hơn. Đáng lo hơn nữa là trong lúc tệ nạn gian lận phát triển mạnh thì người dân vẫn chưa được thấy rõ sự nghiêm minh của pháp luật. Trái lại có nhiều dấu hiệu cho phép nghi ngờ rằng quan chức cấp càng cao thì hành vi gian lận càng được bao che, xử lý qua loa cho có chuyện. Cái nét mới ấy của gian lận thi cử mới là chuyện quan trọng. Nó khiến người ta không thể bằng lòng ở cách giải thích nguyên nhân xem đó là do bệnh thành tích, và người dân, phụ huynh học sinh, cũng là đồng tác giả của mọi tiêu cực trong nhà trường. Phải đi xa hơn, phải phân tích sâu hơn, để truy tìm cho ra bản chất căn bệnh này thì mới có hy vọng chữa trị được. Khi mà ngoài xã hội sự gian dối, với biểu hiện tệ hại nhất là tham nhũng, đang lộng hành ở hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động và có vẻ như ngày càng lôi cuốn được nhiều quan chức ngấm ngầm đồng tình, dung túng, ủng hộ, thì thật tình tôi chưa thấy ánh sáng trong đường hầm tăm tối của cuộc chiến chống gian lận thi cử. Muốn chống tiêu cực trong giáo dục, cần phải thấy hết cái nguyên nhân xã hội đó. Chừng nào quản lý xã hội còn duy trì những cơ chế làm phát sinh, khuyến khích tham nhũng, chừng nào chính quyền còn chưa thật sự nghiêm với tham nhũng, thì xã hội chưa trong sạch, mà rất khó có nhà trường trong sạch trong một xã hội chưa trong sạch. Tuy cũng có khi có thể nói ngược lại: Muốn xã hội trong sạch trước hết phải có nhà trường trong sạch. Nhưng trong hoàn cảnh thực tế hiện nay của ta thì trong mối quan hệ qua lại giữa nhà trường và xã hội theo tôi cần thấy sự trong sạch của xã hội là quyết định. Thứ hai là ngay bản thân hệ thống giáo dục được xây dựng trên cơ sở hư học, học vẹt, học theo lối từ chương, khoa cử, lại đầy rẫy giả dối trong phương thức và nội dung giáo dục. Làm sao trong một nền giáo dục như thế mà thi cử có thể nghiêm túc, học hành có thể nghiêm túc, làm sao không quay cóp, không chạy điểm, không chạy bằng. Trước mắt, cách thức thi cử lạc hậu cũng là một nguyên nhân trực tiếp đẻ ra tiêu cực. Vậy nên cải cách thi cử cũng là biện pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt và hạn chế tiêu cực trong giáo dục.

Thứ ba là chế độ và cung cách quản lý giáo dục, vô tình tạo ra (và tôn vinh) sản phẩm giả, sản phẩm dỏm. Hai việc kỳ lạ không thấy có ở đâu trên thế giới là chế độ trả lương cho thầy giáo và chế độ thi đua, khen thưởng trong giáo dục. Đồng lương chính thức như hiện nay thì làm sao cấm những nguồn thu nhập phụ khác gây ra tiêu cực, còn chế độ thi đua như hiện nay thì vừa hình thức, vừa tốn kém, vừa khuyến khích làm dối báo cáo hay và đẩy nhà trường ra khỏi mọi chuẩn mực hoạt động lành mạnh bình thường. Ở Liên Xô những năm ba mươi thế kỷ trước đã từng có kinh nghiệm thi đua trong nhà trường y như ta hiện nay, và họ đã có kết luận không những không có lợi mà còn có hại về nhiều phương diện cho nên đã bãi bỏ. Thiết tưởng ta cũng nên suy nghĩ. Đương nhiên thi đua theo kiểu hiện nay không phải là nguyên nhân duy nhất sinh ra bệnh thành tích, nhưng chí ít nó cũng nuôi dưỡng căn bệnh này. Vì vậy đã đến lúc cần xem xét dũng cảm bãi bỏ thi đua và thay bằng những phương thức quản lý tiến bộ hơn, không chỉ trong giáo dục, mà cả trong các ngành khác. Làm sao có thể hài lòng với thi đua khi có những đơn vị bê bối mà vẫn được nhận Huân chương cao quý Hồ Chí Minh?

Hoàng Tụy
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]