Gian nan đường khởi nghiệp

Công nghệ Web 2.0 ngày càng phổ biến thì các dự án khởi nghiệp dựa trên môi trường này cũng tăng đáng kể. Nhưng ý tưởng và hiện thực ý tưởng thường không như mong đợi.

15.5827


Háo hức hiện thực ý tưởng



Nguyễn Văn Thắng

Đang làm việc tại một công ty thuộc hàng “anh cả” của lĩnh vực CNTT Việt Nam, Nguyễn Lương Bằng cùng hai người bạn nghỉ việc để thực hiện hoài bão trở thành doanh nhân. Cả 3 quyết định đầu tư phát triển www.1650km.com. Biết sản phẩm sắp ra mắt của mình không chỉ “đụng” với Google mà còn với vài sản phẩm cùng loại đang có mặt ở Việt Nam, nhưng cả nhóm tin chắc sản phẩm của mình sẽ chạy nhanh hơn các đối thủ! “Nếu tốc độ xử lý của “đối thủ” là 10 giây, thì www.1650km.com chỉ khoảng phân nửa. Nhóm tin tưởng vào khả năng kỹ thuật của mình”, Bằng cho biết.

 

Chưa đến mức phải rời khỏi công ty đang làm việc để “ăn thua” với ý tưởng, vừa làm vừa chuẩn bị hơn 2 năm, dự án khởi nghiệp của anh Lê Đức Quyết có tên Thế Giới Vận Tải (www.letgo24.com) sắp ra đời. Định hướng phát triển của dự án không phải là công nghệ nổi bật mà là xây dựng một website phục vụ cho nhu cầu đăng thông tin kết nối giữa khách hàng và tài xế có cùng tuyến đi. Quyết nói: “Chẳng hạn, tài xế trả khách tại điểm đến nhưng chưa có khách trong chuyến về và một số khách cũng cần đi. Đăng thông tin trên website sẽ kết nối nhu cầu của cả hai bên”.

 

 “Kinh nghiệm đầu tiên khi khởi nghiệp là bớt nhìn cuộc đời màu hồng. Sự thất bại sẽ  làm hoàn thiện người khởi nghiệp”

Nguyễn Văn Thắng

Nguyễn Văn Thắng (nickname ThangIsWho) từng là sinh viên Đại học Bách khoa hệ Kỹ sư

tài năng, được học bổng sang học ở Nhật. Nhưng giữa đường lại “nhảy ngược” về Việt Nam khởi nghiệp. Dự án đầu tiên của Thắng là một website tìm kiếm tin tức (search engine), có thể lọc kết quả theo phân loại nào đó mà người dùng tự đặt ra. “Khác với tìm kiếm tin tức của Google, My News – tên dự án – sẽ sàng lọc tin theo hạng mục, từ khóa, tần suất, vị trí xếp hạng, thời gian…, giúp cho nhân viên văn phòng, công ty tạo ra được một trang tin tức của riêng mình, đúng cái quan tâm” – Thắng mô tả về công dụng của dự án khởi nghiệp đầu tay của mình.


Đường khởi nghiệp không phải màu hồng


Trong số dự án khởi nghiệp kể trên, có tới 2 dự án mà chính người khởi nghiệp đã thừa nhận là thất bại. Còn 1 đang chuẩn bị “xung trận”. Thực tế, số lượng dự án khởi nghiệp CNTT, đặc biệt lấy môi trường web làm ý tưởng, không thành công còn lớn hơn nhiều. Theo thống kê, có khoảng 40 dự án khởi nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn 2007-2009. Hiện tại, số đang hoạt động “thu đủ bù chi” không quá 10%, phần còn lại đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan”.

 

Nguyễn Lương Bằng

Nguyên nhân cơ bản là thiếu chi phí đầu tư. Chia sẻ về kế hoạch phát triển dự án, Bằng nói: “Không giống các website khác, www.1650km.com còn có chức năng, dịch vụ tra cứu bản đồ cần có cơ sở dữ liệu bản đồ các tỉnh thành. Tuy nhiên, chi phí cho phần này khá cao, ngoài tầm với của nhóm dù cả 3 đều cố lấy ngắn nuôi dài”. www.1650km.com dù nắm trong tay “công nghệ cao” nhưng thực tế người dùng lại “ưu tiên” Google Map nhiều hơn. Thậm chí, Bằng và đồng đội tự tin cho rằng nhiều tiện ích còn đưa ra trước “người khổng lồ” nhưng vẫn không thay đổi được nhiều. Sau đó, dự án chuyển hướng tiếp cận vào các công ty địa ốc, nhưng Bằng thừa nhận đã tạm gác lại dự án bản đồ này.



Lê Đức Quyết

Thất bại với dự án đầu tiên, trong dự án khởi nghiệp thứ 2, Thắng lại gặp vấn đề tài chính khi vượt khó. “Thật sự tỉ suất lợi nhuận của dự án đang gặp khó khăn, buộc phải chọn lựa một trong những lợi thế chính để tồn tại. Nhưng không có tiền để làm chuyện đó!”, Thắng kể.

 

Kết quả là Thắng đã nhượng lại cổ phần dự án “Áo Thun của tôi”, tạm thời không khởi nghiệp và đi học lại! “Kinh nghiệm đầu tiên khi khởi nghiệp là bớt nhìn cuộc đời màu hồng. Sự thất bại sẽ làm hoàn thiện người khởi nghiệp”, Nguyễn Văn Thắng, từng khởi nghiệp 2 dự án web “Tin tức chọn lọc” và “Áo thun của tôi” thừa nhận.

 

Các dự án khởi nghiệp đều làm tốt khâu tìm ra ý tưởng mới, công nghệ, triển khai, nhưng lại thiếu một năng lực “đọc” nhu cầu thực tế. Ở điểm này Quyết rút ra kinh nghiệm xương máu: “Sự thành công của dự án nằm ở đáp ứng nhu cầu đang tồn tại dạng ẩn và mô hình kinh doanh sinh lợi. Công nghệ có tầm quan trọng riêng nhưng chưa hẳn là yếu tố quyết định”.


Một số đề xuất cho việc hỗ trợ khởi nghiệp: 


1. Hình thành cộng đồng thông qua hình thức CLB khởi nghiệp. Thông qua các hoạt động của CLB cụ thể, cộng đồng khởi nghiệp sẽ nâng cao trình độ và mở rộng mối quan hệ của mình nhiều hơn. Đồng thời cũng là một “đầu vào” để nhận hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức khác

 

2. Xây dựng một số kiểu chiến lược điển hình cho khởi nghiệp. Hiện nay lý do để 1 dự án tồn tại và được đầu tư là phải chứng tỏ có khả năng sinh lợi. Thế nhưng, tiềm năng sinh lợi này cần phải được tồn tại trên một lợi thế chiến lược vững vàng nhằm “chống sốc” cho các dự án khi va chạm rủi ro 

 

3. Tạo mối liên kết với cộng đồng doanh nghiệp. Liên kết là cơ hội để khởi nghiệp CNTT, học được cách nghĩ và tư duy thực tiễn 

 

4. Mở rộng hướng tìm kiếm vốn đầu tư sang các đối tượng khác. Hiện nay các dự án khởi nghiệp “mặc định” đều tìm tới các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thế nhưng còn một nguồn khác mà các nhóm khởi nghiệp có thể nhắm tới, chẳng hạn như các “đại gia” trong ngành công nghiệp, dịch vụ.


Hải Phạm



0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]