Giáo dưỡng thai nhi từ trong bụng mẹ: Nhiều điều tốt đẹp chờ đón bé

GiadinhNet - Theo các chuyên gia sản khoa, việc chăm sóc thể chất và tinh thần cho trẻ không chỉ khi đã sinh ra mà cần được thực hiện ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Đây là quá trình giáo dưỡng thai nhi.

15.6097

"Tuy hai mà một"

Thực tế cho thấy, nếu người mẹ tích cực trò chuyện, chơi cùng bé ngay từ khi đang trong bụng mẹ, là cách để em bé quen thuộc, thân thiết với tiếng nói và thói quen của mẹ. Đồng thời, đây cũng là một biện pháp giúp người mẹ sau sinh giảm khả năng bị trầm cảm.

Th.S Phạm Thanh Nga
(Bệnh viện Phụ sản TƯ)
Việc chăm sóc thể chất và tinh thần cho trẻ cần được bắt đầu không chỉ khi trẻ được sinh ra mà còn là từ trước và trong giai đoạn "9 tháng 10 ngày". Quá trình này được gọi là giáo dưỡng thai nhi, nghĩa là sử dụng các biện pháp tăng cường thể lực và tâm lý cho bà mẹ, qua đó tác động đến bé. Cho bé nghe nhạc hay âu yếm, vuốt ve yêu thương trẻ cũng là một trong những cách bố mẹ giao tiếp, giáo dưỡng thai nhi.

Ngày nay, với sự giúp sức hữu ích từ các phương tiện truyền thông, nhiều thai phụ và gia đình đã hiểu rõ những tác dụng của việc chăm sóc tinh thần, tâm lý cho em bé từ trong bụng mẹ. Tuy nhiên, không thiếu những bà mẹ than thở với những lý do để vuột mất cơ hội giáo dưỡng con yêu từ giai đoạn tuy ngắn nhưng hữu ích này, như: Tất bật mưu sinh, trình độ hạn chế, hoàn cảnh gia đình không cho phép do bị bạo hành hay mang thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, không ít những bà bầu do nôn nóng với tác dụng của điều này nên lại áp dụng thái quá, gây ra những phản ứng không hay như: Xoa bụng mạnh, nghe nhạc "quá hăng" hay nhiệt tình khám phá những địa danh xa xôi, hiểm trở ngay trong những tháng thai đầu...

Theo Thầy thuốc ưu tú Phùng Đình Khánh- Hội Đông y Việt Nam: Trong quá trình mang thai, thai nhi và người mẹ "tuy hai mà một", có liên quan rất mật thiết. Mẹ nóng ắt thai nhiệt, mẹ lạnh ắt thai hàn, mẹ yếu ắt thai nhược, mẹ khoẻ ắt thai cường. Mọi sự thay đổi ở người mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. "Vì thế, theo tôi, giáo dưỡng thai nhi cũng là một môn khoa học hay và cần thiết; là cách để phụ huynh học cách làm cha, làm mẹ"- ông Khánh cho hay.

Cũng theo ông Khánh, y học cổ truyền cho rằng thai nhi sống bằng khí của người mẹ; hai mẹ con hô hấp tương thông, vui buồn tương ứng. Nếu người mẹ có tâm trạng không tốt, khí không thuận hoà, thai nhi sẽ bị bệnh tật. Do đó, người mẹ cần chủ động giữ tâm trí thoải mái. Ăn uống điều độ và hợp lý: Thai phụ cần được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nhưng không nên gặp gì ăn nấy. Điều đáng kiêng kỵ nhất là ăn uống quá no nê. Với thuốc uống, nếu dùng không đúng sẽ gây hại, kể cả thuốc bổ. Chế độ làm việc và nghỉ ngơi cũng là điều nên lưu tâm: Không nên quá an nhàn và cũng không nên quá tham công tiếc việc, khiến cơ thể mệt mỏi. Nếu an nhàn quá, khí huyết sẽ trệ; mệt mỏi quá, khí huyết sẽ suy, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
 

Em bé ra đời - niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình (Ảnh: Dương Ngọc).

Biểu hiện tình cảm tự nhiên

Việc giao tiếp, nói chuyện với bé như thế nào cũng là một vấn đề. Ví như vuốt ve bé bằng ngón tay chứ không nên dùng bàn tay xoa bụng bầu. Bởi, xoa bụng có thể làm tử cung xuất hiện những cơn co, dẫn tới động thai, sảy thai hoặc sinh non. Với những thai phụ có tiền sử sảy thai hoặc sinh non thì hành động này càng phải tránh. Nghe nhạc với âm lượng và thời lượng vừa phải, không nghe nhạc to, ồn ào dễ khiến trẻ giật mình. Đi bộ rất tốt nhưng không nên đi đến mức mệt hay quá ham hố leo trèo khám phá trong suốt thời kỳ mang thai, đặc biệt là giai đoạn đầu.

Thầy thuốc ưu tú
Phùng Đình Khánh
Theo các chuyên gia, giáo dưỡng thai nhi là sự biểu hiện tình cảm giữa các thế hệ, là bản năng tự nhiên gắn liền với khát khao làm bố làm mẹ. Do đó, điều quan trọng là mỗi hành động giao tiếp với trẻ phải đi kèm với tình yêu thương dịu dàng, gắn bó giữa bố mẹ và đứa con trong bụng. Điều này cũng giúp tránh cho trẻ phải đối diện với những trở ngại, khó khăn trong quá trình phát triển sau này. Một đứa trẻ bị người thân yêu "bỏ rơi" hay quá được cưng chiều từ trong trứng nước đều có thể mang những rối nhiễu tâm lý như chậm nói, hiếu động hay tự kỷ - một thách thức của y học hiện đại.

"Nếu thai nhi cảm nhận được sự an toàn, không khí ấm áp, yêu thương thì tâm lý của trẻ cũng sẽ ý thức về thế giới bên ngoài với nhiều điều tốt đẹp đang chờ đón bé. Từ đó hình thành tính cách tự tin, vui vẻ, hướng ngoại cho trẻ. Ngược lại, nếu cuộc sống vợ chồng bất hoà, người mẹ luôn buồn bực, cáu bẳn, thất vọng, stress hay lao động quá sức, đặc biệt nếu không mong muốn đứa con ra đời thì thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng không khí căng thẳng không thiện chí ở bên ngoài, từ đó có thể hình thành tính cách cô độc, tự ti, hay sợ hãi và tình cảm tẻ nhạt" - TS. Lưu Thị Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế chia sẻ.

Th.S Phạm Thanh Nga (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết: Khoa học đã chứng minh hiệu quả của việc ăn uống và sinh hoạt điều độ đối với thai phụ. Có những thai phụ cho rằng mình giáo dưỡng thai nhi rất tốt, nghe nhạc và cưng nựng yêu thương suốt trong thời kỳ mang thai, nhưng khi bé ra đời việc phát triển tâm lý trẻ vẫn không thuận chiều với tác động bên ngoài. Đó là bởi ở thai nhi vẫn có khả năng tự miễn. Xét cho cùng, ngay cả khi còn trong bụng mẹ lẫn khi đã chào đời, bé được bố mẹ dạy bảo nhưng sự tiếp nhận chỉ ở chừng mực và chưa thể toàn diện. Tuy nhiên, việc chăm sóc bé yêu ngay từ khi còn trong bụng mẹ là việc cần thiết, để thắt chặt mối quan hệ mẹ- con.

Do môi trường đặc biệt của thai nhi, nên việc giáo dưỡng thai nhi phải thông qua người mẹ. Các chuyên gia khẳng định: Chính môi trường sống là yếu tố quyết định đối với quá trình mang thai của thai phụ, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Do đó, cần tạo một môi trường thân thiện, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình mang thai. Việc tạo cho bà mẹ một tâm trạng vui vẻ, thoải mái chính là cách giáo dưỡng thai nhi hiệu quả nhất. Điều cần thiết là cả nhà cùng vào cuộc tích cực, đặc biệt là người bố, để mang thai không chỉ là việc mang nặng đẻ đau của riêng người phụ nữ, mà là niềm vui chung của gia đình.
 
Quỳnh An
  • 0

Tin cùng mục

GỬI Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Xem thêm
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]