Giao lưu trực tuyến “Bí quyết học - thi môn tiếng Anh”

GD&TĐ - Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến trên Giáo dục và Thời đại do Báo phối hợp với Học viện Anh ngữ Oxford (OEA) lúc 9 giờ sáng 25/4, bạn đọc có thể đặt câu hỏi với chuyên gia và sinh viên giỏi tiếng Anh bí quyết đạt điểm cao môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH.

15.5869

Kỳ thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay có điểm mới là thí sinh sẽ phải thực hiện cả phần viết và trắc nghiệm. Không ít học sinh, giáo viên và phụ huynh có những lo lắng nhất định về cách thức làm bài, kỹ năng đặt câu, viết đoạn văn bằng tiếng Anh… nên như thế nào cho đúng.

Bên cạnh đó, cách thức trình bày bài thi, chia động từ, bài tập về giới từ, tránh những câu hỏi “bẫy”, ôn tập, kế hoạch luyện đọc, viết… để đạt được kết quả kép: Vừa đạt điểm cao tốt nghiệp THPT, vừa đạt điểm cao bài thi ĐH - là những câu hỏi thường xuyên được thí sinh đặt ra trước mỗi kỳ thi tiếng Anh.  

Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến trên Giáo dục và Thời đại do Báo phối hợp với Học viện Anh ngữ Oxford (OEA) tổ chức lúc 9 giờ sáng 25/4, chuyên gia Phạm Việt Hà – Giáo viên tiếng Anh trên sóng VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam cùng Á khoa khối D1 Trường Đại học Ngoại thương – Sinh viên Nguyễn Ngọc Thảo – sẽ giúp các giáo viên, các bạn học sinh, các bậc cha mẹ giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc, chia sẻ với các giáo viên những kinh nghiệm thực tiễn, tư vấn những kỹ năng dạy - học tiếng Anh… hiệu quả.

Ngay từ bây giờ, mời quý vị độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi cho chương trình (Đặt câu hỏi trực tiếp phía dưới bài viết này)

THÔNG TIN KHÁCH MỜI


Chuyên gia Phạm Việt Hà 
Chuyên gia Phạm Việt Hà, Thạc sĩ Ngôn ngữ học Ứng dụng (Đại học Melbourne, Australia), hiện là Giám đốc Đào tạo Học viện Anh ngữ Oxford (OEA Vietnam). 

 

Từ năm 2010, cô tham gia viết kịch bản và trực tiếp thực hiện các chương trình dạy tiếng Anh trên VTV2 (Ban Khoa-Giáo Đài THVN) như: “Ôn thi tiếng Anh Tốt nghiệp THPT và Đại học”, “Những lỗi thường gặp trong cách phát âm tiếng Anh của người Việt”…

 

Trong 2 năm qua, cô Phạm Việt Hà tham các hoạt động hỗ trợ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 (Bộ GD&ĐT), bao gồm sản xuất và thực hiện chương trình truyền hình đào tạo giáo viên về  “Áp dụng Khung Tham chiếu chung châu Âu vào hoạt động giảng dạy và đánh giá ngoại ngữ”, “Đánh giá học sinh trên lớp sao cho hiệu quả”.

 

Từ năm 2012 đến hết tháng 12/2013, cô Phạm Việt Hà tham gia làm Chuyên gia Tư vấn Giáo dục phụ trách miền Bắc của Hội đồng Khảo thí Tiếng Anh Đại học Cambridge - Văn phòng tại Việt Nam. 

 

Cô Phạm Việt Hà cũng là giám khảo chấm kỹ năng nói cho các bài thi YLEs, KET, PET, FCE và BULATS của Hội đồng Khảo thí Tiếng Anh thuộc Đại học Cambridge.

 

Sinh viên Nguyễn Ngọc Thảo 
Bạn Nguyễn Ngọc Thảo là cựu học sinh lớp chuyên Anh – Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG HN), từng là Á khoa khối D1 Trường ĐH Ngoại thương (Tiếng Anh 9,5/10); Điểm thi TOEIC đạt 915/990; 

 

Ngọc Thảo đã giành Học bổng GE Foundation Scholar-Leader Program bởi IIE và GE Foundation; Học bổng Sumitomo của tập đoàn Sumitomo Nhật Bản; Học bổng Nguyễn Thái Bình - Vườn ươm nhân tài của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

 

Hiện Ngọc Thảo là sinh viên năm thứ 2 khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Ngoại thương.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến

Với phần viết trong đề thi tiếng Anh, em có cần hoàn thiện bài ra nháp trước rồi mới viết vào bài hay không? Em sợ rằng, nếu như vậy sẽ không kịp thời gian; trong khi đó, nếu viết trực tiếp vào bài thi lại sợ dập xóa nhiều, sẽ bị phạm quy?

[email protected]

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:

Việc này tùy thuộc vào tốc độ viết và khả năng quản lý thời gian của em. Em nên làm các bài thi thử, tính thời gian và xem phương án nào ổn hơn với bản thân mình.

Mỗi người đều có những kỹ thuật làm bài riêng phù hợp với năng lực và sở trường của mình. Thông qua các bài thi thử và bài luyện tập ở nhà, em có thể xác định được những kỹ năng làm bài hiệu quả cho bản thân.

 Các bài luyện tập và thi thử có ở trang 55 - 147 của Bộ tài liệu "Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 môn tiếng Anh".

 

Được biết chị rất “siêu” tiếng Anh, vậy vốn kiến thức của chị là do học thêm nhiều ở trường, trung tâm hay do tự học?

quynhnhu99@...

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

Cảm ơn bạn đã khen "siêu". Trong suốt thời gian học phổ thông, mìnhchỉ học trên lớp và dành thời gian tự học ở nhà chứ không học tại trung tâm. Để đào sâu kiến thức đã học trên lớp, mình đọc thêm sách theo hướng dẫn của thầy cô và chăm chỉ làm các bài tập thực hành.

 

Em năm nay thi khối B. Em rất lo khi vào ĐH phải đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, mà em thì học không giỏi tiếng Anh. Vậy em cần chuẩn bị ôn luyện thế nào ngay từ bây giờ?

Vũ Doanh Doanh - Khâm Thiên (Hà Nội)

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:

 Cô Phạm Việt Hà trả lời câu hỏi của độc giả
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên tốt nghiệp đại học không chuyên tiếng Anh là trình độ B1 theo khung Tham chiếu Chung Châu Âu về Ngôn ngữ (CEFR) tương đương với Bậc 3 trong Khung Năng lực Ngoại ngữ Quốc gia của Việt Nam). 

 

Các bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh cho trình độ này được công nhận tại Việt Nam và quốc tế đều đánh giá cả 4 kỹ năng (Nghe - Nói - Đọc - Viết). Vì vậy, để đạt được trình độ này em cần học tiếng Anh theo định hướng giao tiếp ( giao tiếp nói và giao tiếp viết) và phát triển đồng đều cả kiến thức ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm) và kỹ năng ngôn ngữ.

Điều nên làm ngay hiện nay là em làm bài thi xác định năng lực hiện tại, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình (em có thể tham vấn các thầy cô giáo dạy tiếng Anh có kinh nghiệm) để đạt được trình độ B1. 

Em cũng có thể tham khảo một số bài thi cho trình độ B1như bài thi PET của Hội đồng Khảo thí Tiếng Anh Đại học Cambridge. Theo nghiên cứu của trường ĐH Cambridge thì để tăng một bậc năng lực, trung bình cần từ khoảng 150 đến 200 giờ học có hướng dẫn (không kể giờ tự học).

Em là học sinh ở nông thôn, so với các bạn trong lớp thì trình độ có vẻ khá. Nhưng liệu khi thi ĐH khối D, em có thể “đấu” lại với các bạn thành phố được không, theo chị?

Nguyễn Bình Hải – học sinh Trường THPT Lương Đắc Bằng (Thanh Hóa)

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

Trong mọi cuộc "đấu", muốn là người chiến thắng, trước nhất bạn phải tự tin. Học sinh dù ở nông thôn hay thành phố đều được học theo chương trình chung của Bộ GD&ĐT, với các thầy cô được đào tạo bài bản, tham gia một kỳ thi công bằng. 

Vì vậy, chị nghĩ, quan trọng nhất là sự nỗ lực của mỗi cá nhân khi trau dồi kiến thức. Chúc bạn thi đỗ vào trường Đại học mà bạn thích nhất.

Nhiều người nói là học tiếng Anh thì cần phải nói chuyện với người Tây mới giỏi được. Nhưng em thì nhút nhát, chẳng dám ra làm quen với người ta, mà có khi ra chào hỏi lại bị người ta e ngại cẩn trọng, sợ mình có ý đồ gì. Theo chị có cần thiết phải làm quen với người nước ngoài để luyện nói không?

Nguyễn Thị Hải - Học sinh Quảng Bình yêu thích tiếng Anh

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

Nói chuyện với người nước ngoài không phải cách duy nhất để nói tốt tiếng Anh. Tuy nhiên, sẽ rất thú vị nếu bạn nói chuyện được với người bản xứ vì họ phát âm rất chuẩn. 

Hơn nữa, khi bạn cố gắng giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh, họ cũng sẽ cố gắng hiểu cả điều bạn định nói. Và do vậy sẽ giúp bạn tự nhiên bộc lộ và rèn luyện khả năng nói của mình. 

Bạn có thể luyện kỹ năng nói tiếng Anh với bạn bè, thầy cô để tự tin hơn. Khi đã bớt nhút nhát, bạn sẽ có thể giao tiếp tự tin với người nước ngoài. 

Với cá nhân em, môn tiếng Anh khó nhất là giới từ vì có nhiều cách sử dụng khác nhau. Làm thế nào để vượt qua được những câu hỏi “dính” đến giới từ?

Triệu Thị Huệ - Học sinh lớp 12 Thành phố Vinh

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:

Giới từ là một mảng khó trong tiếng Anh. Em chỉ có một cách đó là ôn tập thật kỹ phần này. Phần nội dung này đã được tổng hợp ở trang 19 - 20 của Bộ tài liệu "Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 môn tiếng Anh" của Nhà xuất bản Giáo dục.

Ngoài ra, em có thể vào đường link dưới đây để làm các bài tập về giới từ và ôn tập các cấu trúc và nhóm giới từ:  http://www.englishpage.com/prepositions/prepositions.html

Chia thì trong ngữ pháp tiếng Anh thật không hề đơn giản. Vậy làm thế nào để lập được một công thức cho việc chia thì trong tiếng Anh không?

Trần Mai Liên - Sinh viên Cần Thơ

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

Trong tiếng Anh có chia các thì rất rõ ràng: Hiện tại, quá khứ, tương lai. Đối với mỗi thì đều có công thức cụ thể. Bạn chỉ cần học kỹ các công thức và cách áp dụng của nó, chú ý xác định thì trong văn cảnh là được. 

Các công thức cho việc chia thì mà bạn nói tới, đã được giới thiệu khá kỹ và bài bản trong chương trình sách giáo khoa THCS và THPT. Bạn có thể tham khảo ở đó nhé. Chúc bạn thành công. 

Em là học sinh vùng nông thôn. Người ta nói, học tiếng Anh rất cần môi trường, vậy em phải tự tạo ra môi trường cho mình như thế nào? Em mê học tiếng Anh lắm cô ạ.

Nguyễn Thị Minh, 16 tuổi, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:
Cô Phạm Việt Hà trong Hội thảo về "Áp dụng Khung tham chiếu chung châu Âu trong học - dạy - đánh giá ngoại ngữ" tổ chức tại TP Hải Phòng

Chào em, tôi cũng bắt đầu học tiếng Anh trong hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên tôi nghĩ nếu mình thực sự muốn học thì sẽ tìm ra cách để tạo ra được môi trường học tập.

Dưới đây là một số gợi ý để em có thể tạo ra môi trường học và sử dụng tiếng Anh:

1. Xây dựng các nhóm, câu lạc bộ nói tiếng Anh. Em có thể rủ một vài bạn cùng lớp, cùng trường và có cùng sở thích học tiếng Anh để thành lập một câu lạc bộ tiếng Anh. Các em nên thảo luận cụ thể mục tiêu của câu lạc bộ là gì (ví dụ như luyện khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, trình bày quan điểm và sự tự tin khi sử dụng tiếng...).

Mỗi tuần các em gặp nhau một lần, mỗi buổi gặp mặt nên có sẵn chương trình và mục tiêu cụ thể. 

Ví dụ như thảo luận một chủ đề đang học theo các câu hỏi cho trước bằng tiếng Anh. Với những bạn thích đọc truyện, các em có thể có một reading club, theo đó mỗi tuần hay mỗi tháng các em cùng đọc hoặc phân nhau đọc một truyện ngắn, gặp nhau để kể lại nội dung, nhân vật của truyện và đưa ra những nhận xét về truyện. 

Với các bạn thích âm nhạc, các em có thể cùng học một bài hát tiếng Anh, cùng tập hát (phát âm) cho chuẩn, học nghĩa của từ và cụm từ trong bài hát, hoặc dịch bài hát sang tiếng Việt. 

Với những em thích phim và kịch, các em cũng có thể cùng xem một bộ phim, thảo luận về nhân vật trong phim và những quan điểm được đề cập trong bộ phim đó.

2. Nếu em có máy tính và có thể dùng Internet, thì dưới đây là một số trang web mà em có thể vào để học tiếng Anh cho những nội dung và cách khác nhau:

- Học ngữ pháp và từ vựng: http://www.englishpage.com/

- Học hội thoại và chức năng giao tiếp:

http://iipdigital.usembassy.gov/st/english/publication/2013/02/20130227143105.html#axzz2zrbYzF00

- Học tiếng Anh qua trò chơi điện tử (dạng trinh thám): http://americanenglish.state.gov/trace-effects

- Nếu em sử dung Facebook, em có thể kết bạn với các bạn nói tiếng Anh, thông qua đó tăng cường khả năng sử dụng tiếng Anh của mình.

Em năm nay thi ĐH khối D. Em rất muốn được nghe chị chia sẻ để việc học, ôn đạt hiệu quả “kép” cho cả hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH sắp tới?

[email protected]

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

 

Quang cảnh buổi giao lưu 

Chọn thi khối D và chọn tiếng Anh làm môn thi tốt nghiệp là một lợi thế của bạn. Cả đề thi tốt nghiệp và thi đại học đều dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản như nhau, chỉ có mức độ yêu cầu là hơi khác nhau một chút. 

Bạn cứ tập trung ôn thi đại học thật tốt thì đó là sự đảm bảo cho thi tốt nghiệp thành công.

Tìm trọng âm là một trong những nội dung thi mà thí sinh thường phạm lỗi. Kinh nghiệm của chị khi làm nội dung thi dạng này?

Hương Mai – Học sinh Trường THPT Hà Thành (Hà Nội)

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

Muốn tránh được lỗi khi tìm trọng âm, ngay trong quá trình học từ vựng bạn nên tra từ điển để nhớ luôn cách phát âm và trọng âm của từ đó. Việc này không chỉ giúp bạn tìm đúng trọng âm mà còn giúp phát âm chuẩn và nhớ lâu hơn.

Bên cạnh đó, có một số quy tắc đánh trọng âm cần lưu ý để áp dụng. Bạn có thể tham khảo những quy tắc này trong các tài liệu hướng dẫn hoặc hỏi thầy cô.

Vật không thể rời chị khi học tiếng Anh là gì? Từ điển? Máy tính? Sách điện tử?...

Nguyễn Văn Cường - Học sinh Thành phố Huế

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

"Vật bất li thân" của mình khi học tiếng Anh là Từ điển cầm tay của Oxford. Nó rất nhỏ gọn nhưng chứa đựng đầy đủ các thông tin về từ vựng nên rất thuận tiện cho việc tra cứu và ứng dụng.

Em tìm hiểu, trong đề thi ĐH môn tiếng Anh, phần đọc hiểu thường chiếm tỷ lệ điểm từ 20 - 30% trên tổng điểm. Tuy nhiên, nhiều người hay mất điểm oan khi làm bài này. Lời khuyên của chị và cô là gì?

Trịnh Mai Loan – Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp)

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

Để làm tốt phần Đọc hiểu, đòi hỏi bạn phải có vốn từ vựng đủ, trước hết là để hiểu câu hỏi và ý chính trong bài. Ngoài ra, bạn cần lưu ý đến những câu hỏi mẹo để tránh mất điểm "oan". Trong khi làm bài, cần đọc kỹ câu hỏi và câu trả lời, tránh hiểu chung chung gây nhầm lẫn.

Nếu đọc hiểu đang là phần khiến bạn ngại nhất thì bạn nên đầu tư thời gian nhiều hơn để luyện tập và vượt qua tâm lý này.

Bạn nên nhớ, "practice makes perfect" nhé!

Cấu trúc đề thi tiếng Anh ĐH thường là như thế nào? Với cấu trúc này, em cần học ôn như thế nào để đạt kết quả tốt nhất?

Phùng Hữu Hạnh - Hải Phòng

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

Về cấu trúc đề thi tiếng Anh đại học, thường bạn có thể tham khảo đề thi vào các trường đại học có môn thi ngoại ngữ các năm trước.

Về cơ bản, một đề thi tiếng Anh thường bao gồm: Ngữ âm; Ngữ pháp, từ vựng; Chức năng giao tiếp; Kỹ năng đọc và Kỹ năng viết. Khi ôn tập, trước hết em phải nắm thật vững kiến thức lý thuyết sau đó vận dụng thực hành cho từng phần. 

Ngoài ra, nên học kỹ năng làm bài tập thực hành cho từng phần đó. Đối với phần viết là phần khó trong đề thi, em cần luyện tập nhiều hơn và nhờ người vững kiến thức hơn sửa bài, góp ý cho mình.

Con tôi năm nay học lớp 12, theo cô, có nên cho cháu học thêm tiếng Anh ngoài trung tâm để giúp đạt điểm thi cao hơn?

Nguyễn Hải Lý - 50 tuổi, Hải Hậu, Nam Định

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:

Có con năm nay học lớp 11, cô giáo Phạm Việt Hà nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm giúp con học tốt môn tiếng Anh cho các bậc cha mẹ 
Để trả lời câu hỏi của chị, tôi cần thêm thông tin: Cháu học bao nhiêu giờ/tuần, học tiếng Anh cho mục đích gì, hiện đang sử dụng giáo trình gì. 

 

Tuy nhiên nhìn chung, các đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH môn tiếng Anh đều đánh giá những mảng kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất của ngôn ngữ này. 

Vì thế, nếu năng lực tiếng Anh tổng quan của cháu được tăng cường (trong đó có từ vựng, ngữ pháp, viết, đọc, ngữ âm, chức năng giao tiếp)  thì kết quả thi cũng sẽ được cải thiện.

Xin hỏi chị Thảo để học giỏi tiếng Anh thì một ngày cần bao nhiêu thời gian ôn luyện cho môn này? Và bản thân chị học tốt nhất ở thời điểm nào trong ngày?

Lê Văn Nhân - Học sinh lớp 10 (Yên Nhân, Hưng Yên)

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

Khách mời rất thú vị khi nhận được câu hỏi hay 
Đối với tất cả các môn học, không riêng gì môn tiếng Anh, muốn học tốt cần đam mê và chăm chỉ. Thời gian trong ngày tôi dành cho môn tiếng Anh không nhiều, chỉ từ 1 - 2 tiếng. 

Với đặc thù của môn ngoại ngữ, có thể học ở mọi lúc, mọi nơi, quan trọng là phải học một cách thường xuyên và kiên trì thì mới mang lại hiệu quả. 

Bạn có thể trau dồi khả năng nghe bằng cách nghe nhạc, xem phim tiếng Anh hay luyện kỹ năng nói trong khi đi dạo cùng bạn bè.

Tôi không có "giờ vàng" cho việc học tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu bạn học trong lúc tinh thần thoải mái hoặc "xào bài" ngay sau buổi học ở lớp sẽ cho hiệu quả cao hơn.

Chúc bạn thành công!

Thưa cô giáo, liệu trong đề thi tốt nghiệp có câu hỏi nào rất khó để phân biệt học sinh khá và học sinh giỏi tiếng Anh không?

lophocmuahe@...

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:

Trong mỗi đề thi, đều có các câu hỏi thi để phân loại học sinh, hoặc xác định cấp độ năng lực của thí sinh (tiếng Anh gọi là các Anchor test items).  Các câu hỏi này thường đã được tính toán độ khó và độ dị biệt năng lực trước khi được đưa vào đề thi.

Tôi tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ khoa tiếng Anh, tuy nhiên, để dạy cho con học thì tôi còn nhiều lúng túng và buộc lòng phải cho cháu học thêm ở ngoài. Tôi muốn nghe lời khuyên từ cô giáo để có thể tự mình giúp con học ngoại ngữ.

Trần Mai Anh - Phiên dịch viên tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:

Để trả lời câu hỏi của bạn một cách chính xác, tôi cần một số thông tin thêm, bao gồm:

- Cháu hiện bao nhiêu tuổi?

- Cháu học tiếng Anh để giao tiếp bằng tiếng Anh hay để phục vụ mục đích nào khác?

- Cháu thích học bằng cách nào (học qua hành động, học qua hình ảnh, học qua âm nhạc, học qua giao tiếp với người nói ngôn ngữ đích...)?

- Thời lượng cháu và bạn có thể dành cho việc học ngoại ngữ là bao nhiêu?

- Bạn đã xây dựng được môi trường hai mẹ con cùng học tập, chơi với nhau một cách thân thiện và thoải mái chưa?

Những thông tin kể trên giúp xác định mục đích và nhu cầu của người học, và khả năng hỗ trợ học tập của mẹ. Và thông qua đó giúp xác định phương pháp, lộ trình, tài liệu phù hợp nhất để mẹ dạy con.

Để dạy con tiếng Anh ở nhà, bạn có thể tham khảo các tài liệu, đặc biệt là sách giáo viên của một số bộ giáo trình đang được sử dụng và đánh giá tốt như: 

- Family and Friends (dành cho lứa tuổi từ 7 - 12)

- Solutions (dành cho lứa tuổi từ 13 - 17)

Tuy nhiên, nếu không thể dạy con theo một giáo trình cụ thể, bạn có thể tăng cường môi trường ngôn ngữ cho con thông qua các bài hát, truyện ngắn theo lứa tuổi, phim ảnh bằng tiếng Anh. 

Hai mẹ con cùng hát, đọc truyện hoặc xem phim. Sau đó thảo luận về bài hát, truyện hoặc phim đó bằng tiếng Anh. 

Bạn cũng có thể giúp cháu nhận ra, hiểu nghĩa và sử dụng một số từ vựng, mẫu câu, chức năng giao tiếp tiếng Anh trong các bài hát, truyện hoặc phim đó.

Năm nay, đề thi tiếng Anh có thêm phần viết, trong đó có phần viết câu tương đương; xây dựng câu và viết. Mong cô chia sẻ bí quyết khi thực hiện các dạng bài này?

Đoàn Lê Huy Hoàng - Học sinh lớp 12 Quy Nhơn

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:

Đối với phần viết câu, có ba dạng bài phổ biến là dựng câu trên cơ sở từ cho sẵn, sắp xếp từ cho sẵn thành câu hoàn chỉnh và viết lại câu. 

Cả ba dạng bài đều đòi hỏi việc ứng dụng kiến thức ngữ pháp và từ vựng vào viết câu. Nắm chắc kiến thức đã học và làm quen với cách phân tích câu sẽ giúp các em làm bài tốt. Với ba dạng bài nay, các em có thể thực hiện 3 bước sau:

Bước 1: Đọc cả câu hoặc cụm từ cho trước để nắm rõ: 

Nghĩa cần truyền đạt

Thời/thể 

Cấu trúc câu/loại câu

Động từ chính, chủ ngữ của câu

Bước 2: Dựng câu đúng trên cơ sở đã phân tích

Cả 2 bước này đều diễn ra trong đầu và diễn ra rất nhanh trong vòng khoảng 1 phút/ một câu hỏi thi. Vì thế để làm quen dạng bài này các em nhớ thường xuyên luyện tập.

Đi thi không chỉ cần bản thân trang bị kiến thức mà còn có cả chuẩn bị tâm lý nữa. Con tôi năm nay cũng lựa chọn thi Ngoại ngữ tốt nghiệp và thi khối D Trường ĐH Hà Nội, tôi không biết làm thế nào để cháu yên tâm đi thi. Nếu con cô giáo sắp thi tiếng Anh tốt nghiệp và ĐH, cô sẽ khuyên con điều gì?

Nguyễn Thị Mai Hà - Nhân viên văn phòng Công ty Xây dựng số 1 (Hà Nội)

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:

Con trai tôi sang năm cũng sẽ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH môn tiếng Anh, tôi xin chia sẻ với chị cách tôi ôn tập và giúp cháu rèn luyện bản lĩnh thi cử như sau:

- Rèn ý thức để cháu tuyệt đối không quay cóp khi thi và kiểm tra. Điều này đảm bảo rằng kết quả học tập là đúng với thực lực của cháu và khi thi cháu cũng sẽ thi đúng với năng lực của mình.

- Hàng tuần tôi dành một buổi 3 tiếng ôn tập các nội dung đã học của môn tiếng Anh. Sử dụng cuốn "Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014 môn tiếng Anh". Mỗi buổi học chia làm 3 phần:

+ Phần 1: Ôn tập ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm, kỹ năng đọc viết ( khoảng 1 giờ)

+ Phần 2: Làm bài thi thử, sử dụng đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH môn tiếng Anh của các năm trước  từ 1- 1,5 giờ.

+ Phần 3: Chữa bài và phân tích lỗi. Ở phần này tôi giúp cháu xác định các mảng kiến thức mà cháu còn chưa vững để ôn tập thêm. Yêu cầu cháu xác định đâu là lỗi do hổng kiến thức và đâu là lỗi do sơ suất. Các nhóm lỗi này được ghi lại hàng tuần và tôi yêu cầu cháu giảm cả số do hổng kiến thức và do sơ suất.

Hiện tại thì cháu đã quen với việc làm bài thi, các kỹ năng làm bài và quản lý được thời gian làm bài. Cháu cũng hoàn toàn không nghĩ đến chuyện quay cóp khi thi không chỉ môn tiếng Anh mà cả các môn khác nữa.

 Để có bản lĩnh tự tin trước các kỳ thi nói chung và với môn tiếng Anh, cần rèn cho con cái ý thức học tập, thi cử trung thực, làm bài đúng với khả năng của mình 

Em muốn hỏi kinh nghiệm của chị khi ôn luyện tiếng Anh thi tốt nghiệp và thi ĐH thì cân đối “liều lượng” nội dung và thời gian thế nào để có thể ôn luyện cả những môn khác nữa?

caubechamhoc@...

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

"Liều lượng" cần tùy thuộc nhu cầu và vốn kiến thức của bạn. Bạn không nên dành quá nhiều thời gian để ôn luyện một môn mà cần chia thời gian cho các môn còn lại. Nhưng nên lưu ý ưu tiên môn học mà mình cảm thấy đuối hơn.

Đối với một bài thi tốt nghiệp hoặc thi đại học môn tiếng Anh thì lượng kiến thức yêu cầu cơ bản đều nằm trọn trong chương trình sách giáo khoa phổ thông. Các bạn cần nắm vững kiến thức ngay trên lớp và luyện tập với các mẫu đề thi là đã có thể đạt điểm giỏi cho bài thi tốt nghiệp. Khi đó các bạn sẽ tiết kiệm được thời gian ôn luyện. 

Để làm tốt một bài thi đại học, với yêu cầu kiến thức cao hơn thì bên cạnh kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, bạn nên ôn luyện thêm với các sách tham khảo dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Bài thi tốt nghiệp tiếng Anh năm nay có 60 phút gồm cả phần viết và trắc nghiệm. Làm thế nào để trong thời gian 1 tiếng có thể hoàn thành tốt bài thi?

Trần Minh

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:
Chuyên gia Phạm Việt Hà (áo xanh) đang trả lời câu hỏi của độc giả 
Do đến thời điểm này chưa có thông báo về định dạng đề thi (cấu trúc đề thi) tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, nên tôi cũng không thể có gợi ý cụ thể về  kỹ thuật làm bài. 

Dưới đây là một số gợi ý giúp tăng hiệu quả làm bài và tiết kiệm thời gian.

Nắm vững lời chỉ dẫn ”instructions” của từng phần thi, gạch dưới các thông tin quan trọng trong lời chỉ dẫn.

Lướt qua toàn bài để xem bố cục và tỷ trọng điểm của từng phần. Các phần có tỷ trọng điểm cao như đọc, từ vựng, ngữ pháp cần được ưu tiên phân bổ thời gian.

Khi làm bài, các em chú ý làm bài theo từng phần (đọc hiểu, viết, ngữ pháp và từ vựng, phát âm). Mỗi phần đều có kỹ thuật làm bài riêng. Với mỗi phần trong đề thi, các em chú ý:

Các đáp án đã cho trong dạng câu trắc nghiệm thường rơi vào 3 nhóm là:

Đáp án đúng (chỉ có 1)

Đáp án sai hoàn toàn (thường chỉ có 1 và dễ xác định)

Đáp án sai đánh lạc hướng (thường có 2 hoặc hơn, có những đặc điểm dễ làm cho thí sinh tưởng là đáp án đúng)

Khi làm bài, các em phân tích kỹ chỗ trống cần điền, áp dụng phép loại suy: Loại bỏ ngay những phương án sai hoàn toàn, tập trung xem xét những phương án còn lại để chọn ra câu trả lời đúng.  

Bắt đầu làm bài từ câu đầu tiên, khẩn trương làm lượt 1, bỏ qua những câu khó, ưu tiên những câu dễ và chắc chắn. Làm hết đến câu cuối cùng của từng phần. Sau đó quay lại khẩn trương làm bài lượt hai. Thí sinh cần chú ý làm hết, không nên bỏ lại câu nào.

Điền thẳng câu trả lời vào phiếu trả lời, Chú ý tô đậm, tròn trịa, sắc rõ phương án được chọn. Đối chiếu số của từng câu (giữa bài thi và phiếu trả lời) để không bị lệch hay lẫn số thứ tự 

Nếu sai, tẩy nhẹ và kỹ phần sai, tô lại phần phương án được chọn.  

Những kỹ thuật làm bài trên giúp các em tăng cường hiệu quả làm bài và giảm thiểu các lỗi do sơ suất.

Để làm bài thi tốt nghiệp tiếng Anh tốt, ngoài sách giáo khoa, em cần phải học thêm ở những tài liệu nào khác nữa không?

doanhoangquanghuy@...

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

 Sinh viên Phạm Ngọc Thảo (bên trái) đang tư vấn cách học tiếng Anh hiệu quả cho độc giả
Để làm tốt một bài thi tốt nghiệp tiếng Anh, điều quan trọng nhất là em phải nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa. Bên cạnh đó, em cần đào sâu kiến thức bằng cách làm các bài tập trong các sách tham khảo do các nhà xuất bản uy tín phát hành. 

 

Em cũng nên làm trước các đề thi của các năm gần đây để làm quen với cấu trúc đề.

Bí quyết của cô giáo và bạn Thảo khi xây dựng vốn từ là gì?

Hoàng Mai Lan - học sinh lớp 9 trường Đống Đa (Hà Nội)

Bạn Nguyễn Ngọc Thảo:

Mình nghĩ nên học vốn từ theo các chủ đề, từ đó để nhớ từ vựng lâu hơn. 

Ví dụ, khi học theo chủ đề "gia đình" thì sẽ học các cụm danh từ, động từ, tính từ liên quan đến chủ đề này. 

Ngoài ra, khi học một từ thì không chỉ học ý nghĩa của nó mà còn phải học cách phát âm, cách viết sao cho chuẩn và học các cụm từ liên quan cũng như cách sử dụng chúng trong các ngữ cảnh khác nhau.

Thạc sĩ Phạm Việt Hà: Khi học từ, ta có thể học theo chủ đề, chủ điểm. Ví dụ, các từ liên quan đến chủ đề trường-lớp-học và dạy có thể tổ chức thành một họ từ. 
Mỗi em đều nên giữ một sổ từ, được chia làm những chủ điểm, họ từ khác nhau. Với mỗi chủ điểm, khi học một từ, đều chú ý các khía cạnh sau:

Phát âm

Cách viết/đánh vần

Từ loại và nghĩa khác nhau theo từng loại từ (danh từ, động từ…)

Mẫu từ/mẫu cụm từ/mẫu câu mà từ đó có với từng nghĩa

Ví dụ của từ trong câu với từng nghĩa

Một trong những cách tăng từ vựng hiệu quả là xem phim và đọc truyện bằng tiếng Anh theo các chủ đề mà mình đang học. Chú ý khi xem phim hay đọc truyện ngắn thì không sử dụng các truyện song ngữ hoặc có phụ đề tiếng Việt để người đọc buộc phải tìm hiểu nghĩa của từ mới trong ngữ cảnh. 

Sau khi xem, các em có thể ghi lại những câu, mẫu câu mà mình thích trong đó vào sổ từ. Các nhà xuất bản đều có các bộ truyện ngắn dành cho người học tiếng Anh  theo từng trình độ, mỗi truyện đều có các câu hỏi đọc hiểu và từ vựng đi kèm (các cuốn truyện dạng này được gọi là graded readings), các em có thể chọn những truyện theo chủ đề mình đang học nhằm tăng cường từ vựng theo chủ đề và củng cố kỹ năng đọc hiểu. 

Một số bạn thích hát và âm nhạc, có thể học từ theo chủ đề qua các bài hát Tiếng Anh.  

Con tôi năm nay thi tốt nghiệp lớp 12. Tôi rất mong được cô giáo chia sẻ kinh nghiệm giúp học sinh ôn luyện hàng ngày môn tiếng Anh?

Phạm Phương Hoa - An Hải (Hải Phòng):

Thạc sĩ Phạm Việt Hà:

 

Giáo viên ngoại ngữ của Học viện Anh ngữ Oxrord trong một giờ dạy tiếng Anh chương trình học bổng English Access của Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại tỉnh Hải Dương

Để ôn tập và chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh  năm nay. Cháu có thể sử dụng cuốn “Hướng dẫn ôn tâp thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014”. Đây là tài liệu hướng dẫn ôn tập được Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành và được các Sở Giáo dục giới thiệu cho các trường sử dụng làm tài liêu ôn tập.  Cháu nên:

- Ôn lại toàn bộ các nội dung chủ chốt của chương trình tiếng Anh PTTH về ngữ âm, ngữ pháp được tổng kết ở Phần 1, Mục A. Làm các bài tập củng cố kiến thức  ở Phần 1, mục B. Việc ôn tập cần được làm thường xuyên, nếu không nói là hàng ngày.

- Mỗi tuần làm ít nhất 2 bài luyện tập tham khảo ở Phần 2. Mỗi bài đều có 45 câu trắc nghiệm và 5 câu tự luận. Các câu tự luận đề là kỹ năng viết câu, tập trung vào các dạng bài như dựng câu dựa trên các từ cho trước và viết lại câu. Đây cũng là phần sẽ có trong đề thi năm nay.

- Định kỳ làm một bài thi thử, sử dụng các đề thi tốt nghiệp THPT ở Phần 3. Cháu cố gắng làm bài thi theo chế độ đặt giờ, trong điều kiện yên tĩnh, tách biệt để tránh bị gián đoạn. Sau đó cháu có thể tự chấm bài dựa trên phần đáp án và hướng dẫn làm bài ở Phần 4. 

Thông qua làm các bài luyện tập và thi thử, cháu có thể xác định các lỗi mà mình mắc phải, câu làm sai để ôn tập lại những nội dung mình chưa nắm vững. Cháu cũng sẽ tìm ra cách tốt nhất để quản lý thời gian khi làm bài.


 Các vị khách mời chụp ảnh lưu niệm với Ban biên tập giaoducthoidai.vn

Trong chương trình giao lưu, chúng tôi đã nhận được hơn 200 câu hỏi của các học sinh, giáo viên, các bậc cha mẹ xung quanh các vấn đề: Bí quyết làm bài thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT, kỹ thuật làm bài thi, cách học tập, ôn luyện, kế hoạch học tiếng Anh hiệu quả... 

Do thời lượng chương trình có hạn nên các khách mời đã cố gắng trả lời rất nhiều các câu hỏi được gửi đến sớm. Những câu hỏi còn lại chúng tôi xin hẹn trả lời tiếp qua email và trong các bài viết trao đổi trên giaoducthoidai.vn

Báo Giáo dục và Thời đại chân thành cảm ơn Quý bạn đọc!

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]