Giao tiếp tốt mới chọn ngành du lịch

Du lịch được coi là ngành đang “khát” nhân lực. Để làm việc trong lĩnh vực này, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ...

15.6257

Cơ hội việc làm của ngành du lịch hiện rất cao. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mỗi năm, ngành du lịch cần khoảng 35.000 lao động được đào tạo bài bản nhưng thực tế các cơ sở đào tạo mới chỉ đáp ứng được gần 1/3 số lượng trên. Đã vậy, số trụ lại được với nghề cũng giảm dần do thiếu kỹ năng.


Mặc đẹp, nói hay


Ông Đào Văn Chiêu, Phòng Du lịch nội địa Công ty Saigontourist, nêu thực tế: Nhiều sinh viên du lịch mới ra trường còn nhút nhát, không mạnh dạn giao tiếp. Khi tiếp xúc với khách hàng thì lúng túng, không trình bày trôi chảy vấn đề. Trong khi đó, hoạt động trong lĩnh vực này, sinh viên phải liên tục xử lý các tình huống một mình như hướng dẫn khách trên xe, thuyết phục khách đi tour... nên cần có sự mạnh dạn, sáng tạo, năng động cao. 


Theo ông Trịnh Minh Hiếu, Công ty Dịch vụ Du lịch Phong cách Travel, kỹ năng giao tiếp rất quan trọng đối với người làm du lịch. Sinh viên phải rèn luyện nhiều về các kỹ năng như lên xe thì phải đứng làm sao, cách cầm micro, cách ăn mặc, nói năng... để thu hút được sự chú ý của du khách. Đặc biệt, để đầu quân vào các công ty chuyên về lữ hành quốc tế, sinh viên phải đầu tư nhiều về ngoại ngữ.


Thích tìm tòi, khám phá


Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lữ hành Lửa Việt, có những nhân viên của ông học trái ngành nhưng làm trong lĩnh vực du lịch rất tốt do bản thân mày mò, đam mê với du lịch mà thành công. Thích tìm tòi, khám phá là một đặc tính không thể thiếu của người làm du lịch. Ông Đào Văn Chiêu cho rằng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi nhưng khi hỏi về tuyến điểm lại không nắm vững. Thực tế, không có trường lớp nào dạy hết những kiến thức này mà bản thân sinh viên phải tìm tòi, khám phá mới có thể thành công.


Ngoài ra, theo ông Đào Văn Chiêu, có một số sinh viên sau khi ra trường bị sa ngã vào chuyện dắt khách du lịch đi mua sắm để hưởng hoa hồng, hạ bớt tiêu chuẩn và dịch vụ tour của du khách... Do đó, ông Chiêu khuyên: “Phải có lòng yêu  nghề, coi hoạt động du lịch là bộ mặt của văn hóa và con người Việt Nam thì người làm du lịch mới tránh được mặt trái của nghề”.

Thùy Vinh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]