Giáo viên Thủ đô chia sẻ kinh nghiệm đặt câu hỏi, làm việc nhóm

GD&TĐ - Nhiều tâm huyết đã được chia sẻ tại Hội thảo Kỹ năng đặt câu hỏi và tổ chức hoạt động nhóm nhằm phát triển năng lực học sinh tổ chức tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) sáng nay (9/1).

15.593

Các giáo viên tham gia thảo luận nhóm tại hội thảo

Ngay mở đầu hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - đặt câu hỏi: Làm sao để đổi mới phương pháp dạy học để phát triển năng lực cho học sinh?

Hai vấn đề được đưa ra là: Kỹ năng đặt câu hỏi và hoạt động nhóm. “Nếu như kỹ năng hỏi đem đến hệ thống câu hỏi sáng và mở, đưa ra cảnh báo loai câu hỏi tối và rối; thì hoạt động nhóm lại gây bất ngờ bởi đã làm khỏe phần yếu của người Việt nói chung, đó là khả năng hợp tác, làm việc nhóm.

Ta cùng biết truyện cười “Thầy bói xem voi” và hiểu rằng 5 thầy bói đó mà biết phương pháp làm việc nhóm thì sự hỏng mắt của mỗi người đều khắc phục được.

Mỗi chúng ta đều có phần chưa giỏi, phần tối nào đó. Khi bên nhau, cùng hỗ trợ nhau sẽ được sáng lên nhờ sức mạnh chung”- cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.

Đặt câu hỏi theo định hướng năng lực

Trong các phương pháp dạy học tích cực, giáo viên thường phải sử dụng câu hỏi để gợi mở, dẫn dắt học sinh tìm hiểu, khám phá thông tin, kiến thức, kĩ năng mới, để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Học sinh cũng phải sử dụng câu hỏi để hỏi lại, hỏi thêm giáo viên và các học sinh khác về những nội dung bài học chưa sáng tỏ.

Sử dụng câu hỏi có hiệu quả đem lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa học sinh với giáo viên và học sinh với học sinh. Kĩ năng đặt câu hỏi càng tốt thì mức độ tham gia của học sinh trong giờ học càng nhiều, học sinh sẽ học tập tích cực hơn.

Khẳng định điều này, cô Bùi Ngọc Lan – Giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) – chia sẻ 10 “chìa khóa” khi đặt câu hỏi, đó là: Tập trung và trọng tâm; giải thích; liên hệ; tích cực hóa tất cả học sinh; phân phối câu hỏi cho cả lớp; dừng lại sau khi đặt câu hỏi; phản ứng với câu trả lời sai của học sinh; tránh nhắc lại câu hỏi của mình; tránh tự trả lời câu hỏi của mình; tránh nhắc lại câu trả lời của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Châu Loan - Trường THPT Phan Huy Chú - lại đề cập đến việc xây dựng hệ thống câu hỏi nhằm phát huy năng lực học sinh và cho rằng: Để làm được điều này, trước tiên người giáo viên cần xác định mục tiêu của bài học hay những năng lực mà học sinh có được sau quá trình học tập.

Sau đó, lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để chuẩn bị những câu hỏi phù hợp với năng lực cần hình thành.

Theo cô Nguyễn Thị Châu Loan, câu hỏi cần đáp ứng yêu cầu: Trình bày rõ ràng, có ít nhất một lời giải; với những dữ kiện cho trước, học sinh có thể tự lực giải quyết được; không thể giải qua đoán mò; đảm bảo tính toàn diện, đó là vừa phát triển năng lực chung, vừa phát triển các năng lực chuyên biệt. Cuối cùng, câu hỏi cần đảm bảo tính phát triển, do đó các câu hỏi phải có mức độ khó khác nhau.

“Không nên đặt câu hỏi vụn vặt, nhiều câu hỏi gây nhiễu cho học sinh; hoặc những câu hỏi không phù hợp với năng lực học sinh như quá dễ hoặc có sẵn câu trả lời, quá khó khiến học sinh không hứng thú” – cô Nguyễn Thị Châu Loan lưu ý.

Cũng tâm huyết với kĩ năng đặt câu hỏi, cô Lê Thị Hồng Vân - Trường THPT Phan Huy Chú – cho rằng: Để một bài học thực sự phát triển được năng lực của học sinh, giáo viên cần thiết kế các nhiệm vụ học tập theo mức độ nhận thức tăng dần của học sinh, đồng thời với mỗi nhiệm vụ học tập, giáo viên cũng cần hệ thống các câu hỏi được thiết kế theo mức độ nhận thức tăng dần này.

Phát huy trí tuệ tập thể với hoạt động nhóm

Cùng chung nhận định, phương pháp làm việc nhóm là một trong những xu hướng dạy học hiện đại nhằm sử dụng trí tuệ tập thể của học sinh để thực hiện nhiệm vụ học tập, có tác dụng tốt trong việc rèn luyện kĩ năng diễn đạt, trình bày, các kĩ năng giao tiếp cá nhân... Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn khi thực hiện phương pháp này, khiến hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.

Cô Nguyễn Hồng Duyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Olympia - đưa ra những khó khăn thường gặp trong tổ chức hoạt động nhóm, phân chia nhóm, giao nhiệm vụ như thế nào để phù hợp với năng lực học sinh, đánh giá như thế nào để công bằng đối với các em...

“Học sinh ngồi theo nhóm nhưng giáo viên giao nhiệm vụ không có tính vấn đề, do đó có thể chỉ một vài học sinh làm việc. Lớp học thông thường chia thành 6 – 8 nhóm, giáo viên xoay sở như thế nào trong vòng 45 phút? Làm thế nào quan sát được quá trình làm việc của học sinh? Làm sao để tạo cơ hội cho các nhóm được nhận xét, tranh luận, đánh giá nhau, đó là điều rất khó…” - Cô Nguyễn Hồng Duyên chia sẻ.

Từ thực trạng này, cô Duyên đề xuất: Thay vì việc các nhóm thảo luận và trình bày lần lượt các vấn đề , chúng ta có thể sử dụng hình thức dạy học hỗn hợp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để có thể khắc phục tối đa những hạn chế của dạy học nhóm.

Phương pháp này là sự kết hợp giữa việc học tương tác tại lớp học truyền thống với việc học qua hệ thống online gồm 4 mô hình: Hoán đổi, mô hình linh hoạt, mô hình A La Carte và mô hình lớp học ảo nâng cao.

Các thầy cô giáo Trường THPT Nguyễn Tất Thành khi chia sẻ kinh nghiệm tổ chức học sinh làm việc nhóm trong dạy học Địa lý cho rằng: Để phù hợp với nội dung học tập, phát huy tính tích cực làm việc của học sinh và khắc phục tâm lý ỉ lại, trông chờ vào kết quả của một vài cá nhân học khá giỏi, giáo viên cần phải biết tận dụng đa dạng các kĩ thuật thảo luận nhóm, nhất là các kĩ thuật có hiệu quả và phù hợp với dạy học Địa lý theo định hướng phát triển năng lực như: Kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật ủng hộ và phản đối, kĩ thuật các mảnh ghép...

Trong khuôn khổ hội thảo, các thầy cô giáo đến từ 4 trường THPT của Hà Nội: Phan Huy Chú, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Cầu và Olympia đã tổ chức làm việc nhóm, thực hành kĩ năng đặt câu hỏi và làm việc nhóm thông qua xây dựng bài giảng theo hướng phát triển năng lực học sinh.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]