Giàu để làm được nhiều việc tốt

Giadinh.net - Họ hướng đến gia đình văn hóa bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng điểm chung là họ không chỉ vun vén cho gia đình, mà còn biết quan tâm đến cộng đồng, xã hội.

15.5958
Biết làm giàu, biết xóa hủ tục

Gia đình ông Nguyễn Thế Lộc, ở thôn Chang, xã Phương Thiện, thị xã Hà Giang, tỉnh Hà Giang trước đây rất nghèo, phải chạy ăn từng bữa. Các con ông đã từng phải nghĩ tới bỏ học để mưu sinh giúp bố mẹ. Qua nhiều đêm mất ngủ, ông Lộc trăn trở: “Quê mình có nhiều rừng sao mình lại không đủ cái ăn, mình có thể nuôi lợn, chăm gia súc để phát triển kinh tế...”. Nghĩ là làm, ông Lộc đã vay mượn đầu tư sản xuất theo mô hình VAC (vườn – ao – chuồng).

Sau nhiều nghiên cứu, tìm hiểu, gia đình ông Lộc đã mạnh dạn thay đổi tập quán cũ, đưa giống ngô lai, lúa lai vào trồng để nâng cao sản lượng. Chăn nuôi cũng phát triển hơn, nuôi bò giống và bán cho các hộ trong thôn, thu nhập đạt hơn 50 triệu đồng/năm. Từ căn nhà dột nát, đến nay gia đình ông đã dựng được nhà sàn khang trang, sạch đẹp, mọi tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Khi đã khá giả, ông Lộc lại giúp đỡ bà con cách làm ăn để xoá nghèo như cho mượn lợn để làm giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc rau, hoa màu.

Khu vực gia đình ông Lộc sinh sống có nhiều bà con các dân tộc khác nhau, sinh hoạt còn nhiều hủ tục, ông đã vận động mọi người thực hiện nếp sống mới. Ông kể: “Tục lệ quê tôi khi có người qua đời phải làm tang kéo dài ít nhất 3 ngày đêm, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đặc biệt là việc học tập của bọn trẻ. Vì vậy, tôi đã vận động được nhiều người bỏ được hủ tục này”.

Bản thân ông Lộc là chủ gia đình, là người cha, người ông mẫu mực nên ông đã truyền dạy cho các con cháu những điệu dân ca Tày để giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
 

Gia đình ông Nguyễn Thế Lộc đã trở thành tấm gương cho nhiều gia đình khác noi theo.


Không chỉ vun vén cho gia đình

Gia đình anh Y Ngoan Niê dân tộc Ê Đê  thuộc Buôn Kang, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) lại hướng đến gia đình văn hóa với hình thức khác. Hai vợ chồng là giáo viên, nên anh chị biết tận dụng kiến thức và sức lao động để làm giàu trên mảnh đất Tây Nguyên. Theo đó, ngoài giờ lên lớp, anh Y Ngoan Niê còn đầu tư trồng cà phê và chăn nuôi. Thu nhập mỗi năm trên 160 triệu đồng. Nhà cửa của gia đình khang trang, nhiều phương tiện sinh hoạt hiện đại. Khi kinh tế đã vững vàng, vợ chồng anh tập trung đầu tư cho giáo dục con cái đều được học hành đến nơi đến chốn.

Là một gia đình văn hóa tiêu biểu của đại diện cho tỉnh Bình Dương, gia đình ông Vương Vĩnh Thắng, dân tộc Hoa, vợ là bà Trần Phi Yến dân tộc Kinh có 3 thế hệ chung sống dưới một mái nhà nhưng rất hoà thuận, gương mẫu. Đã nhiều năm qua, ông Vương Vĩnh Thắng  làm Chủ tịch Hội từ thiện thị xã Thủ Dầu Một. Từ 1995 đến nay, ông là nhịp cầu nối giữa người Hoa với chính quyền. Hàng năm, ông Thắng đã đóng góp hàng chục triệu đồng vào quỹ từ thiện thị xã và đã xây dựng 20 căn nhà đại đoàn kết cho dân nghèo địa phương.

Có thể thấy, họ hướng đến gia đình văn hóa bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng điểm chung là họ không chỉ vun vén cho gia đình, mà còn biết quan tâm đến cộng đồng, xã hội.
 
Phố Giang
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]