Giữ thực phẩm ngày Tết

Giadinh.net - Việc tuân thủ một số quy tắc bảo quản thực phẩm không chỉ hữu ích cho sức khoẻ gia đình trong dịp Tết, mà còn tạo nên một thói quen tốt trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm hàng ngày.

0
Bảo quản thực phẩm sống
 
Tủ lạnh là “phương thức cứu cánh” cho người nội trợ để có thể hoàn toàn thảnh thơi chơi Tết. Tuy nhiên, không phải cứ chất đầy tủ lạnh là bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Tảng thịt đã làm rã đông không dùng hết, bỏ lại vào tủ lạnh, “ra vào” nhiều lần như thế miếng thịt sẽ trở nên độc hại. Ngoài ra, một số vi trùng nguy hiểm gây những bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa như: Tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn có “khả năng chịu lạnh” rất tốt. Vì thế, sự hiểu biết luôn là cần thiết để trở thành người nội trợ thông minh.
 

Với hải sản, cần làm sạch, bỏ ruột bọc kín trước khi đưa vào tủ lạnh. (Ảnh minh họa)


Để bảo quản thực phẩm luôn tươi mới, thịt, cá tươi sống cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Người nội trợ nên chia nhỏ thịt cá thành những phần nhỏ, gói riêng vào túi nilông sao cho dịch không bị chảy ra ngoài, để vào hộp có nắp để tránh lây nhiễm vi khuẩn rồi cho vào ngăn đá. Khi cần chế biến món ăn nào có thể tiện lấy ra, rã đông và sử dụng. Với hải sản, cần làm sạch, bỏ hết ruột, để ráo ướp với muối hột, bọc vào giấy kín. Cách này giữ thực phẩm tươi từ 3 -  4 ngày.

Rau quả là những đồ ăn rất dễ hỏng, chúng rất dễ bị héo khi tiếp xúc với không khí. Phần lớn chúng chỉ giữ được từ 2 - 3 ngày trong nhiệt độ bình thường lý tưởng hay trong ngăn đựng rau quả trong tủ lạnh.
 
Có một mẹo nhỏ dành cho những người nội trợ là không nên mua rau quả theo kiểu “no dồn đói góp”, hãy chọn những quả chín để ăn trong những ngày sắp tới và những quả xanh cho những ngày tiếp theo.
Với rau quả, nếu muốn bảo quản được lâu, sau khi bỏ lá rau sâu, lá dập, cắt bỏ phần rễ, rửa sạch cho vào bao xốp cột kín rồi để ở ngăn mát tủ lạnh. Với từng loại rau, tất nhiên sẽ thích hợp với từng nhiệt độ khác nhau. Rau bắp cải, súp lơ, cà rốt, cần tây, hành có thể chịu lạnh hơn các loại rau lá mỏng như xà lách, cải mơ, cải cúc... Song sự chênh lệch nhiệt độ cần thiết là không đáng kể.
 
Khi để rau vào tủ lạnh cũng nên rửa qua cho sạch, để thật ráo, rồi cho từng loại vào túi giấy (hoặc túi thấm khí dùng bọc rau) riêng, để ở hộc dưới cùng của ngăn lạnh. Các nhóm rau cải, không nên để quá hai ngày trong tủ lạnh, vì lượng nitrit trong rau bảo quản cũng tăng gấp rất nhiều lần so với rau tươi, không có lợi cho sức khỏe.
 
Các gia đình cũng cần lưu ý rằng, quá trình chế biến thức ăn một cách cẩu thả sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển trong thực phẩm, do đó cần luôn giữ vệ sinh tay, tủ lạnh (cả ngăn đá lẫn ngăn lạnh), cũng như các khay, bát đĩa, túi đựng thực phẩm sạch sẽ.

Chỉ nên nấu đủ ăn trong hai ngày

Đối với thức ăn nấu chín cần để nguội hẳn, đậy kín và cất vào tủ lạnh. Cần bảo quản thức ăn sống và chín vào những hộp riêng biệt. Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh vật sang các món ăn khác. Khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh, cần chỉnh lại nhiệt độ (tăng độ lạnh), nếu không đủ độ lạnh thức ăn sẽ mau hỏng.

Đối với các món ăn đặc biệt ngày Tết, việc bảo quản cần lưu ý: Với các món kho (thịt kho trứng vịt, cá lóc kho, măng hầm chân giò, mướp đắng dồn thịt...) nấu đủ ăn 2- 3 bữa, không nên hầm đi hầm lại nhiều lần. Các món chiên, quay, rôti để trong keo to, chế ngập dầu mỡ để ngăn mát, khi ăn lấy đủ phần ăn hâm lại. Giò chả, nem chua là những loại thực phẩm rất dễ hỏng, thiu nếu nhà bạn không có tủ lạnh. Để bảo quản cần lột hết lớp vỏ gói bên ngoài, tránh để thức ăn đổ mồ hôi. Nên đậy bằng rổ có nhiều lỗ thoáng nhỏ, nhưng tránh hơi gió. Tốt nhất, nên dùng giò chả, nem chua trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp, nên luộc lại.

Phương Nghi (Tổng hợp)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]