Giữ vệ sinh răng miệng để bảo vệ sức khỏe toàn cơ thể

Mặc dù tầm quan trọng của sức- khỏe răng miệng đối với mỗi người luôn được nhắc nhở qua câu nói “Cái răng cái tóc là gốc con người” nhưng chưa nhiều người trong chúng ta có sự quan tâm đúng mức. Có lẽ vì các bệnh về răng miệng ít khi gây các triệu chứng nghiêm trọng và hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng.

15.5911

Đọc E-paper

ThS-BS Nguyễn Đức Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt TP. Hồ Chí Minh
Sự thờ ơ đối với răng miệng đã dẫn đến hậu quả Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ người mắc bệnh răng miệng cao nhất thế giới. ThS-BS Nguyễn Đức Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt TP. Hồ Chí Minh cho biết:

Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Bộ Y tế thì có đến hơn 90% người dân nước ta mắc bệnh về răng miệng nhưng có khoảng 55% dân số không bao giờ đi khám răng. Các bệnh răng miệng thường gặp là sâu răng, mất răng, nha chu, viêm niêm mạc miệng… trong đó sâu răng và viêm nha chu chiếm tỷ lệ cao nhất.

* Tình trạng này có phải do người dân chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe răng miệng, nhất là với trẻ nhỏ?

- Đó chỉ là một nguyên nhân. Các nguyên nhân khác là do nồng độ fluor trung bình trong nước quá thấp (chỉ bằng một nửa tiêu chuẩn quốc tế, ở một số vùng Tây Nguyên còn không có fluor trong nước) và thói quen ăn uống nhiều đường.

Ngoài ra còn do nguyên nhân toàn thân như: rối loạn nội tiết, bệnh ung thư, bệnh nhiễm khuẩn, tình trạng suy dinh dưỡng…

Hiện tượng viêm nướu (lợi) răng nếu không được chăm sóc cẩn thận và chữa trị đúng cách sẽ phát triển thành viêm nha chu, là sự phá hủy các tổ chức nâng đỡ răng, phá hủy xương ở ổ răng, gây sưng đau, chảy mủ, răng lệch lạc, lung lay và cuối cùng là mất răng vĩnh viễn.

Bệnh viêm nha chu cũng xảy ra ở những người giữ vệ sinh răng miệng tốt vì có nhiều loại vi khuẩn ẩn sâu dưới nướu răng mà những dụng cụ vệ sinh răng miệng hiện đại cũng khó có thể tác động đến được.

Sâu răng gây viêm tủy sẽ qua ba giai đoạn là: viêm tủy phục hồi, viêm tủy không phục hồi và hoại tử tủy. Thực tế cho thấy hầu hết các trường hợp đi khám răng thì bệnh đã ở giai đoạn viêm tủy không thể phục hồi, thậm chí tủy đã bị hoại tử.

Vì khi bị triệu chứng ê buốt thoáng qua ở giai đoạn viêm tủy phục hồi hoặc ngay cả khi đau nhức nghiêm trọng thì người bệnh cũng thường tự ý sử dụng thuốc giảm đau hơn là đến nha sĩ.

* Việc dùng thuốc giảm đau khi bị đau răng có được khuyến khích không?

- Một số trường hợp có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau nồng độ thấp như panadol, paracetamol… nhưng nếu dùng kháng sinh kéo dài và không đúng chỉ định của bác sĩ có thể làm cho vi khuẩn kháng thuốc.

Ngoài ra, đau là phản ứng tự nhiên của cơ thể để cho biết vị trí đau để cần được xử lý, chữa trị.Bệnh nhân dùng thuốc giảm đau có thể gây khó khăn cho bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị.

* Ngoài đau răng thì một trong những triệu chứng dễ thấy về bệnh răng miệng là chảy máu chân răng.Đây phải chăng là một triệu chứng báo hiệu bệnh răng miệng nghiêm trọng?

- Chảy máu chân răng có rất nhiều nguyên nhân như viêm lợi, viêm quanh răng, u lợi… nhưng thường gặp nhất là do viêm lợi. Chảy máu chân răng cũng có thể là biểu hiện của một bệnh toàn thân như thiếu vitamin, đái tháo đường, bệnh tim mạch… nhưng hầu hết là do vệ sinh răng miệng kém dẫn đến viêm lợi, biểu hiện là lợi hơi sưng, nhất là ở chân răng, không đau nhưng dễ gây chảy máu ở vùng tiếp giáp nướu và răng.

* Uống vitamin C có khắc phục được triệu chứng này?

- Rất nhiều bệnh nhân truyền miệng cho nhau cách chữa bằng vitamin C, nhưng như tôi đã nói, chảy máu chân răng do rất nhiều nguyên nhân khác ngoài thiếu vitamin C. Vì vậy, bệnh nhân cần có cách chữa trị đúng nguyên nhân, đúng phương pháp từ nha sĩ.

Thông tin từ các phương tiện truyền thông cho thấy, bệnh răng miệng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe toàn cơ thể, đặc biệt là tim mạch. Xin bác sĩ giải thích thêm về mối liên hệ này.

Trong y học đã có những bằng chứng cho thấy bệnh nhân tim mạch có tỷ lệ răng sâu và viêm lợi cao hơn gấp ba lần so với những người khác. Ngược lại, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa viêm nha chu và bệnh lý tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi mãn tính, đột quỵ, sinh non…

Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy tần suất các tai biến mạch vành và xơ vữa động mạch gia tăng đáng kểở bệnh nhân viêm nha chu. Sau khi bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp chữa trị răng thông thường thì tỷ lệ bệnh tim mạch cũng giảm đáng kể.

* Vậy chúng ta nên phòng ngừa bệnh viêm nha chu như thế nào?

- Chúng ta cần phải giữ vệ sinh răng miệng tốt, nhất là ở trẻ nhỏ. Chải răng đúng cách và đúng thời điểm, tốt nhất nên chải răng ngay sau khi ăn.

Chúng ta cũng cần có thói quen dùng chỉ nha khoa thay vì dùng tăm và súc miệng bằng nước diệt khuẩn sau khi đánh răng một hoặc hai lần mỗi ngày để loại trừ các mảng bám trên bề mặt răng. Đi khám răng định kỳ và lấy cao răng sáu tháng một lần để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở giai đoạn sớm.

* Liệu có nhất thiết phải lấy cao răng sáu tháng một lần vì những người vệ sinh răng tốt không có nhiều cao răng?

- Cao răng là chất cặn lắng cứng có màu vàng nâu, thường đóng xung quanh cổ răng, gồm carbonat canxi và phosphate kết hợp với mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng, vi khuẩn và xác các tế bào biểu mô. Cao răng nhiều hay ít đều có thể gây viêm nướu, viêm nha chu các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, lở miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng).

Lấy cao răng định kỳ sáu tháng một lần không chỉ giúp răng sáng đẹp mà còn vì sức khỏe răng miệng. Cần lưu ý rằng đã từng có trường hợp áp-xe răng do vi khuẩn ở cao răng dẫn đến áp-xe não, gây tử vong.

* Như vậy, bệnh răng miệng nếu không điều trị kịp thời cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng?

- Đúng vậy. Trong trường hợp bị áp-xe răng, viêm mô tế bào vi khuẩn phát triển trong mảng bám tạo túi nha chu (nướu răng sưng đỏ, đau đớn, có nóng, sốt, hơi thở có mùi hôi, chỗ áp-xe có mủ). Áp-xe răng nếu không chữa trị sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn từ chỗ áp-xe răng qua các mạch máu gây nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, hiện tượng áp-xe răng cần được chữa trị sớm chứ không nên coi thường.

Hiện tượng nướu răng sưng đỏ, đau đớn cũng rất hay gặp khi mọc “răng khôn”. Rất nhiều người phân vân không biết “răng khôn” có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không và có nên nhổ bỏ răng này hay không, xin bác sĩ cho lời khuyên.

Răng khôn là tên thường gọi của răng số 8 (hay răng lớn thứ ba trong toàn hàm), thường xuất hiện sau 16 tuổi. Răng khôn mọc có thể gây các triệu chứng sau đây: viêm lợi quanh răng khôn gây sưng tấy, sốt và đau vùng góc hàm; lợi và xương vùng răng khôn rất dễ bị viêm nha chu; răng khôn làm các răng phía trước bị xô lệch; viêm mô tế bào do răng khôn với các biểu hiện như: má bị phồng lên, da căng, màu bình thường hay hơi đỏ, sờ vào bị đau.

Theo tôi, chỉ nên nhổ bỏ răng khôn khi răng này làm xô lệch các răng nằm phía trước hoặc gây viêm quanh răng khôn và lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu không thì nên giữ lại vì răng khôn mọc đúng vị trí giúp có bộ răng khỏe, thực hiện tốt hơn chức năng của các loại răng.

Hơn nữa, không nên nhổ răng khôn khi không cần thiết để tránh các tai biến như: viêm ổ răng, nhiễm trùng hậu phẫu, tổn thương dây thần kinh, sưng mặt…

* Xin bác sĩ hướng dẫn thêm về cách giữ gìn sức khỏe răng miệng. Có thông tin khuyên nên đánh răng 3 lần/ngày, lại có những nha sĩ khuyên chỉ nên đánh răng buổi sáng và tối. Theo bác sĩ thì nên đánh răng bao nhiêu lần một ngày là tốt nhất?

- Muốn có hàm răng khỏe, chúng ta không chỉ chải răng thường xuyên mà phải đúng cách hằng ngày. Về số lần chải răng, theo tôi thì cách tốt nhất là chải răng buổi sáng lúc thức dậy, sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ, hoặc chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

Nên chải răng theo chiều dọc để loại bỏ tối đa thức ăn thừa, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn tạo nhiều cao răng.

Ngoài bàn chải răng thông thường, nên sử dụng thêm các phương tiện hỗ trợ như bàn chải kẽ răng, tăm nước, chỉ nha khoa. Dùng kem đánh răng có fluor để ngăn ngừa sâu răng và dùng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần làm sạch lưỡi mỗi ngày bằng cách dùng bàn chải cạo hoặc dùng que cạo lưỡi.

Các chuyên gia trong lĩnh vực răng miệng cũng khuyên chúng ta nên súc miệng bằng nước ấm pha muối loãng sau khi đánh răng để tăng khả năng sát trùng răng miệng.

Đừng quên thực hiện việc khám răng định kỳ sáu tháng một lần để được phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng. Thêm vào đó, chúng ta cũng cần năng luyện tập để hoạt động thể lực giúp điều hòa lượng đường huyết ổn định.

* Cảm ơn bác sĩ về những lời khuyên hữu ích.

XUÂN LỘC/DNSGCT
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]