Giúp bạn trẻ chọn nghề

Học sinh lớp 12 hiện đang đứng trước sự lựa chọn hướng đi trong tương lai của mình: Thi vào trường nào? Học nghề gì?

15.585

Để trả lời được câu hỏi này, ngoài bản thân mỗi bạn học sinh, rất cần đến sự tư vấn hướng nghiệp của nhà trường. Vậy công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay ra sao?

Phần đông học sinh đến khi đặt bút làm hồ sơ thi vào các trường đại học, cao đẳng mới vỡ lẽ mình biết quá ít, quá nông về các nghề nghiệp trong xã hội. Hệ quả là nhiều em học sinh có lực học trung bình hoặc yếu vẫn cố gắng thi đại học, nhiều em học được vài năm thì bỏ dở bởi thấy ngành học không phù hợp với mình, có em dù đã tốt nghiệp đại học cũng không biết mình sẽ phải làm gì?

Trong khi đó, nguồn lao động có tay nghề ở nước ta luôn trong tình trạng khan hiếm. Theo điều tra của Viện Giáo dục, hàng năm nước ta tuyển vào bậc THPT trên 4.000.000 học sinh. Sau khi tốt nghiệp THPT có khoảng 19,7% vào học ở các trường đại học, cao đẳng; 7,4% vào các trường trung học chuyên nghiệp và chỉ có 4,9% đi học nghề. Như vậy, mỗi năm có khoảng 2.000.000 - 3.000.000 học sinh tốt nghiệp THPT và 5.000.000 học sinh tốt nghiệp THCS bổ sung vào lực lượng lao động xã hội mà chưa hề được đào tạo.

Giáo dục hướng nghiệp cùng với tư vấn học đường là một nhu cầu không thể thiếu với học sinh. Tuy nhiên, hiện chỉ có 0,91% học sinh ở bậc THCS và 1,77% học sinh ở bậc THPT được tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường, do vậy, hầu hết học sinh đều rất khó khăn trong việc định hướng nghề.

Trong một thời gian ngắn nữa, lao động Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với lao động nước ngoài. Trong xu thế hội nhập, việc nhập khẩu lao động nước ngoài sẽ là tất yếu, khi chỉ có 30% lao động Việt Nam đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước.

“Hãy theo đuổi một việc gì đó mà bạn thích”. Đó là lời khuyên của Bill Gate, một trong những người giàu nhất nước Mỹ mà không có bằng cấp. Việc gì mình thích, bạn sẽ luôn cố gắng làm tốt, như thế sẽ phát huy tối đa tiềm năng của bạn.

Thay vì khuyên các em chọn trường này hoặc trường kia chỉ vì trường đó là ngành có nhiều cửa tìm việc, có mức thu nhập cao, hoặc ngành lấy điểm thấp, chúng ta nên căn cứ vào năng lực, sở trường của các em. Công tác tư vấn hướng nghiệp là cả một quá trình chứ không chờ đến thời điểm các em đặt bút làm hồ sơ đăng ký dự thi. Làm được điều này là chúng ta đã giúp lớp trẻ định rõ con đường sự nghiệp của bản thân.

Học sinh được hỏi, chia sẻ những điều mình quan tâm

Học sinh ở trường chúng tôi được hỏi, được chia sẻ những điều mình quan tâm. Giáo viên chủ nhiệm quan sát, theo dõi quá trình học tập của học sinh để đưa ra lời khuyên cho từng em. Em nào học giỏi môn gì, em nào nhanh nhẹn, em nào khéo tay… tư vấn cho từng em nên thi vào những trường nào, học ngành nghề gì cho phù hợp.

Trường chúng tôi lấy ngày thành lập đoàn (26/3) làm ngày hội “Vì ngày mai lập nghiệp”. Trong ngày hội đó, nhà trường tổ chức cho học sinh cắm trại, mỗi trại thể hiện một nghề. Chúng tôi mời một số trường đại học, dạy nghề, xí nghiệp đến nói chuyện với học sinh của trường, để các em có dịp tìm hiểu các nghề, đưa ra những lựa chọn chính xác cho bản thân.

(Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường PTTH Trần Nhân Tông, Hà Nội)

Nên có trung tâm tư vấn hướng nghiệp

Học sinh có quá nhiều môn để học. Nếu phải học thêm môn giáo dục hướng nghiệp nữa thì quá tải, tạo sức ép cho học sinh. Thay vì đưa vào thành một môn học thì nên có những trung tâm tư vấn hướng nghiệp.

Học sinh đến với trung tâm để được chia sẻ, trao đổi, qua đó hình thành cho các em nhận thức nghề nghiệp, để các em có thể tự tin khi chọn nghề. Hoạt động tư vấn hướng nghiệp phải là một quá trình làm thay đổi nhận thức, cung cấp cho các em kỹ năng, phương pháp lựa chọn nghề mới thực sự hiệu quả chứ không để các em chỉ tìm đến trung tâm hướng nghiệp khi chuẩn bị ký vào hồ sơ dự thi, như vậy hiệu quả sẽ không cao.

Người Việt Nam bản tính kín đáo, thường chia sẻ vấn đề riêng tư với người thân, bạn bè hay cha mẹ, ít khi chia sẻ với người lạ nên học sinh chưa có thói quen nhờ người khác tư vấn hướng nghiệp. Trung tâm tư vấn hướng nghiệp muốn hoạt động hiệu quả thì ngoài tư vấn hướng nghiệp còn phải tư vấn cho học sinh nhiều vấn đề khác xảy ra trong cuộc sống. Khi các em có niềm tin, thói quen tìm đến trung tâm thì hoạt động tư vấn hướng nghiệp lúc đó mới hiệu quả.

(Ông Phạm Mạnh Hà, giảng viên Khoa tâm lý Trường Đại học quốc gia)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]