Giúp con khi bị bạn tẩy chay

(TNTS) Làm bố mẹ, ai cũng muốn con cái có những người bạn tốt, và càng tốt hơn khi chúng được bạn bè quý mến, thừa nhận. Thế nên, bố mẹ nào cũng sẽ cảm thấy rất đau lòng khi một ngày nào đó, con cái bị tẩy chay bởi nhóm bạn vốn rất thân thiết.

15.6032
Ảnh: Shutterstock
Chúng thân thiết không rời. Học chung cả ngày, vậy mà về đến nhà thì hết nhắn tin rồi lại chat, thậm chí “nấu cháo” điện thoại... Ngày lễ, ngày tết, ngày hè, chúng lại tìm đủ mọi cớ, thậm chí xin đi học thêm để được thường xuyên gặp gỡ nhau. Bố mẹ đôi lúc “ganh tị”, đôi lúc bực mình, nhưng trên hết là cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi biết con mình đã có những người bạn thân thiết để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn...
Thế rồi, mọi chuyện bỗng thay đổi. Dường như chỉ sau... 1 đêm, con không còn nhận được tin nhắn, không còn “chat chít”, cũng chẳng ôm điện thoại... Con cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, chẳng hiểu vì sao lại bị người bạn thân ném “cục lơ”. Chúng chẳng biết vì sao, chỉ biết rằng tình bạn thân thiết của chúng đã kết thúc. Những lúc như thế, bố mẹ nào cũng muốn giúp con trẻ vượt qua giai đoạn bị bạn bè cô lập, giúp con tìm lại niềm vui khi đến trường, khi ra ngoài xã hội.
1. Đừng làm cho con trẻ cảm thấy tệ hại hơn khi chúng bị bạn bè bỏ rơi. Khi người lớn can thiệp theo kiểu “Bố mẹ đã nói với con rồi”, thì họ chỉ càng làm cho đứa trẻ bị tổn thương nhiều hơn, chứ chẳng hề giúp chúng chữa lành vết thương!
2. Hãy nhẹ nhàng nhắc nhở cho con trẻ nhớ rằng sự tin cậy là một món quà. Thế nên con trẻ hãy trao tặng món quà đó cho những người bạn đáng tin cậy, những người bạn cũng luôn đặt niềm tin vào chúng.
3. Nếu như con trẻ cảm thấy e ngại, do dự khi làm quen với bạn mới vì sợ rằng tình bạn mới sẽ không vững bền thì bố mẹ cần nhắc cho con nhớ lại những người bạn thân thiết, những tình bạn đẹp mà con trẻ đã từng có trước kia.
4. Đừng chen vào tất cả những chuyện bạn bè rắc rối của con trẻ. Điều cả gia đình cần làm là học cách để bảo vệ trái tim khỏi bị tổn thương.
5. Những người làm bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng đón nhận chuyện con trẻ phạm phải một số sai lầm trong cuộc sống và luôn luôn có mặt bên cạnh con trẻ để giúp hạn chế thấp nhất những tổn thương nếu có.
Các bậc phụ huynh không thể giám sát mọi mối quan hệ bạn bè của con trẻ, nhưng họ cần phải sẵn sàng giúp đỡ chúng hàn gắn mọi thứ nếu chẳng may mối quan hệ bạn bè của chúng bị đổ vỡ.
6. Nhắc nhở con trẻ rằng cho dù cách xử sự tốt của chúng đã không giúp được chúng duy trì tình bạn mà chúng mong muốn thì việc cư xử như một người bạn tốt vẫn là cách tuyệt vời để có được những tình bạn tốt trong tương lai.
7. Khi con trẻ bị một nhóm bạn loại ra khỏi nhóm, chúng rất khao khát được trở thành thành viên của một nhóm khác, chỉ để có được cái cảm nhận “thuộc về”. Hãy giúp con trẻ nhận ra điều gì tốt và điều gì không tốt khi chúng rơi vào hoàn cảnh đó.
8. Bố mẹ hãy làm gương cho con trẻ bằng chính cách họ ứng xử với bạn bè, giúp chúng thấy được phải làm thế nào để giải quyết những hiểu lầm, xung đột hay tranh chấp... Con trẻ không thể nào học được cách trở thành một người bạn tốt nếu như chúng không được nhìn thấy người khác thực hành những kỹ năng làm bạn bè.

Hạnh Ngân


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]