Khoảng giữa thế kỷ thứ 10, hệ thống quan niệm phong thủy liên quan đến lĩnh vực này đã được áp dụng rộng rãi trong đời sống xã hội ở các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam… Trong giới trí thức, việc định vị, thiết kế thư phòng, kê đặt án thư, sắp xếp bút nghiên, công văn giấy tờ, thậm chí chọn vị trí đóng triện (dấu) trên văn bài, tranh, tượng, đồ dùng cá nhân, chọn ngày giờ phê công văn… hầu hết đều tuân thủ nghiêm ngặt nguyên lý phong thủy.

Khoảng đầu thế kỷ 17, hệ thống quan niệm phong thủy liên quan đến “nghiệp nghiên bút” đã hết sức hoàn thiện, quy phạm. Các hoạt động như phê tấu chương, bình văn, đọc sách, vẽ tranh, làm thơ phú, chế tác văn phòng tứ bảo… đều được định trước ngày giờ, phương hướng cụ thể. Từ kinh nghiệm thực tế các nhà phong thủy cho rằng, việc tuân thủ nguyên tắc góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công việc, đảm bảo sức khỏe và sự minh mẫn của đương sự; trong đó chọn vị trí xây dựng thư phòng và kê đặt án thư đúng nguyên lý phong thủy là yêu cầu mang tính quyết định.

Phòng đọc, phòng làm việc tốt nhất bố trí ở hướng nam hoặc đông nam. Án thư (bàn học, làm việc) và giá sách cũng phải kê đặt ở phương vị tương ứng.

Các nhà phong thủy Huyền không, quan văn, nho sĩ, giới nghệ sĩ (thi nhân, thư pháp gia, họa gia) chú trọng từng chi tiết trong bố trí phòng đọc, nhất là việc kê đặt bàn ghế, giá sách, nghiên bút… Quan lại, nho sĩ thời Tống (Trung Quốc) còn xếp sắp văn phòng tứ bảo, ấn triện ở những vị trí khác nhau tùy theo ngày, giờ làm việc.

Trên cơ sở nghiên cứu, kết hợp quan niệm của nhiều trường phái phong thủy khác nhau, các nhà phong thủy hiện đại đã đưa ra nguyên tắc chung về việc kê đặt bàn ghế, giá sách như sau:

- Trong mọi trường hợp, phải kê bàn sao cho người ngồi đọc, làm việc không quay lưng về phía cửa, gồm cả cửa chính và cửa sổ.

- Nếu người ngồi làm việc quay mặt về phía cửa ra vào, khoảng cách từ cửa đến bàn đọc phải lớn hơn 3m.

- Không kê bàn đọc sách, làm việc ngay dưới xà - dầm nhà hoặc ngay dưới đèn trần để tránh gây mất tập trung, nhanh chóng mệt mỏi, thậm chí đau đầu chóng mặt.

- Bàn đọc phải kê sao cho bóng đèn trần hoặc đèn tường không vuông góc với khu vực đỉnh đầu, vai và gáy người ngồi đọc. Tương tự, không được kê bàn làm việc ngay dưới và vuông góc với quạt trần, không đối xứng với điều hòa nhiệt độ. Phạm cấm kỵ này thường khiến người ngồi đọc đau vai mỏi gáy, ngủ dậy mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt. Lâu dần sẽ mắc các bệnh về thần kinh và thương hàn.

- Cửa phòng đọc nên mở ở một góc nhất định, hạn chế mở cửa chính giữa. Có thể sử dụng cửa sổ, cửa kính để lấy ánh sáng, nhưng phải đảm bảo nắng không soi vào mặt bàn.

- Trên bàn làm việc, sách vở có thể bày cả hai bên trái và phải người ngồi đọc, nhưng ống (hoặc giá) bút phải đặt ở phía tay trái người ngồi đọc, đồng thời cao hơn những đồ vật khác bên phải. Ngòi bút lông, bút vẽ cắm trong ống bút không được chụm lại như ngọn giáo. Nếu sử dụng giá bút, phải treo cho ngòi bút hướng xuống dưới. Nghiên mực, lọ mực, ấn triện… đặt bên tay phải người ngồi làm việc, bày theo thứ tự từ cao đến thấp, từ trong ra ngoài.

- Giá sách có thể kê ở cả 3 phía: Trước mặt, bên phải và bên trái bàn đọc, trong đó ưu tiên kê giá sách bên phía tay trái người ngồi đọc, hạn chế kê giá sách phía sau lưng.

- Đối với phòng làm việc, phòng đọc sách, sáng tác hoặc phòng học trong gia đình, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc nêu trên, tốt nhất nên bố trí linh hoạt, hàng năm có thể thay đổi vị trí bàn đọc theo phương vị của sao Văn khúc.

Sao Văn khúc chủ về văn học, trí tuệ, quan vận. Bản cung sao này ở hướng đông nam, nhưng hàng năm lại lưu chiếu và cai quản một trong 9 cung thiên bàn. Các nhà phong thủy căn cứ quỹ đạo của nó để kê đặt bàn học, bàn làm việc.

Quỹ đạo sao Văn khúc lưu chiếu theo năm như sau: Năm 2014 tại trung cung, 2015 tại hướng tây bắc, 2016 tại hướng tây, 2017 tại đông bắc, 2018 tại hướng nam, 2019 tại hướng bắc, 2020 tại tây nam, 2021 tại hướng đông, 2022 tại đông nam. Năm 2023 lại trở về trung cung và lặp lại quỹ đạo như các năm 2015 rồi 2016...