Gối đầu chữa bệnh

Từ đứa trẻ mới sinh cho tới lão niên thất thập cổ lai hy khi ngủ đều phải gối đầu.

15.6018

Gối thấp quá dễ sinh ra gáy nặng, dương khí không đến được có thể gây ra hoa mắt; gối cao quá gáy gập, ngủ dậy cổ mỏi, khó quay. Độ cao thấp của gối tùy từng người, nói chung nên lấy theo khi nằm nghiêng thì bằng vai, như thế khi nằm ngửa sẽ thoải mái.

Gối đầu có độ cao vừa phải, gối phải nhẹ và mềm. Vật bỏ trong gối tùy theo định chữa bệnh gì mà chọn cho thích hợp.

Vật bỏ trong gối là điều quan trọng nhất. Vỏ đậu xanh có thể thanh nhiệt, giá rẻ mà giá trị cao. Người can dương, đầu hay bốc hỏa có thể chọn dùng. Gối bã chè trừ phiền, nhưng gối mau nát vụn, người thần kinh suy nhược, ngủ kém có thể dùng. Xin giới thiệu cùng các bạn một số loại gối chữa bệnh.

Gối thần: Gối thần là rút từ Ngự dược viện phương của Hứa Quốc Trinh đời Nguyên. Về bài này, trong sách đó có ghi: Hán Vũ đế ngự giá ở phía Đông, gặp một cụ già, lưng phát ra một ánh sáng trắng cao mấy thước. Ngài lấy làm lạ và hỏi xem cụ già có đạo thuật gì không. Cụ già thưa: Thần trước đây hồi 85 tuổi, tóc bạc, răng rụng, già yếu sắp chết. Có một đạo sĩ bày cho thần ăn táo (táo tàu), uống nước, ăn đủ các loại ngũ cốc, ăn ít các đồ cay béo ngọt. Đồng thời làm một cái gối thần. Thần đã làm và dung mạo ngày càng biến thành trẻ, tóc bạc thành tóc đen, dần dần răng rụng lại mọc, ngày đi hàng chục dặm (1 dặm xấp xỉ 500 mét). Gối đó dùng trăm ngày, da mặt sáng bóng, dùng một năm mọi bệnh trong người đều mất hết, người có mùi thơm, dùng 4 năm tóc trắng trở lại đen, răng rụng lại mọc, mắt tinh.

Cách làm như sau: Ngày 5 tháng 5 hoặc 7 tháng 7 âm lịch lấy gỗ bách (một loại thông, thường gọi là gỗ pơmu)  trong rừng sâu làm thành hộp gối, dài chừng một thước hai tấc (tương đương 40cm), cao 4 tấc (khoảng 13cm), dùng phiến gỗ lõi làm nắp hộp, dày chừng 2 phân (khoảng 6mm). Nắp đậy phải kín, không có khe hở, nhưng phải bảo đảm mở, đóng dễ dàng. Nắp được khoan 3 hàng lỗ to bằng hạt ngô, mỗi hàng 40 lỗ, tất cả 120 lỗ. Trong hộp bỏ một túi lụa, to bằng lòng hộp đựng đầy bột thuốc. Thuốc bột gồm các vị sau: xuyên khung, đương quy, bạch chỉ, bạch truật, cao bản, mộc lan, thục tiêu (tức xuyên tiêu), can khương (gừng khô), phòng phong, nhân sâm; cát cánh, bạch vi (cây đậu Hà Lan), nhục thung dung, ý dĩ (nhân), khoản đông hoa, bạch xung, tần giao, lộc nhung, ô đầu, phụ tử, lêlô, tạo giác (bồ kết), bán hạ, tế tân; các vị trên, mỗi vị 30g, đều tán thành bột, phơi khô bỏ vào túi lụa để trong hộp gối.

Khu phong, tỉnh não chẩm: Gối này dùng lâu ngày chữa được bệnh váng đầu, hoa mắt, đầu nặng, đau, mắt nhiều rỉ, có tác dụng nhẹ đầu, an thần. Rút từ Bảo sinh yếu lục của Bồ Kiến Quán đời Tống.

Kinh tử 30g, cúc hoa 32g, tế tân 24g, bạch truật 16g, xuyên khung 24g, thông thảo 32g, phòng phong 32g, cao bản 32g, sừng sơn dương 12g, bột sừng trâu 12g, thạch xương bồ 32g, đậu đen 200g. Tất cả các loại thuốc trên đều tán bột, trộn đều, bỏ vào túi lụa, dùng lụa màu xanh bọc lại, may cho thành hình cái gối, thuốc bột phải bọc chặt.

Thông thảo chẩm: Gối thông thảo có thể thanh tâm trừ phiền, giúp ngủ ngon, sáng mắt. Rút từ Dưỡng sinh tùy bút của Tào Đình đống đời Thanh.

Thông thảo cắt nhỏ, bỏ vào lớp túi trong của gối đến độ cao thích hợp. Tào Dân đã dẫn ra lời ca trong Thiên kim yếu phương của Tôn Tư Mạc đời Đường là: “Rượu chuếnh choáng, mình một giường, đầu gối mềm, chân kín chăn, lòng yên ả, ngủ đến mau”. Bài này đối với những người do thần kinh suy nhược mà mất ngủ và do âm hư hỏa vượng làm cho đau mắt thì rất có tác dụng.

Cúc chẩm: Gối hoa cúc giúp tốt gan, sáng mắt, tỉnh đầu óc, trừ gió. Rút từ Khởi cư yên lạc tiên của Cao Liêm đời Minh. Dùng hoa cúc, phơi khô, nhặt sạch, bỏ vào một cái túi, may kín lại. Khi nằm túi này để trên mặt gối để tiếp xúc với đầu. Nếu mùa nóng có thể đặt gối dưới một manh chiếu.

Alobacsi.vn
Theo Sức khỏe & đời sống
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]