GoPro Hero4 Session: Khác biệt nhờ kích thước

Với kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ cùng khả năng tích hợp cao, GoPro Hero4 Session là chiếc camera hành trình đặc thù, không giống bất cứ chiếc camera hành trình nào khác đang có trên thị trường hiện nay.

15.5962
Thiết kế
Thoạt nhìn từ xa, Hero4 Session trông giống như một cục chặn giấy. Nó có dạng hình hộp lập phương với chiều dài cạnh khoảng 35mm và trọng lượng chưa đến 75g, nhỏ hơn 50% và nhẹ hơn 40% so với các “anh em” khác cùng “mẹ đẻ” GoPro.
Nó nhỏ và nhẹ đến mức khiến nhiều báo chí nói rằng Hero4 Session là chiếc camera hành trình nhỏ và nhẹ nhất thế giới hiện nay. Thực tế không phải vậy, nó không hề nhỏ nhẹ hơn những loại camera hành trình gắn trên xe hơi hay vô vàn những sản phẩm “không tên tuổi” đến từ Trung Quốc. Song có một điều chắc chắn, ở cùng cỡ như vậy không có chiếc camera nào có chất lượng tốt bằng Hero4 Session.

Tuy nhiên, cũng chính sự nhỏ nhẹ như vậy là điểm nhấn mà GoPro muốn mang tới cho Hero4 Session. Những ai sử dụng các camera hành trình khác hẳn đã từng một lần khó xử khi tìm cách gắn chúng ở những góc nhỏ, hẹp như kẹp trong mũ bảo hiểm, gắn dưới gầm xe, dưới gầm ván trượt, hay thậm chí là giữa nan hoa xe đạp... Giờ đây, cảm giác bối rối đó không còn nữa.
Để có được điều đó phải kể đến công lao của các nhà thiết kế đã tỉ mỉ tạo nên Hero4 Session. Mặt kính vuông phía trước của máy được bắt chặt bằng 8 con ốc vít, cách nhau đều từng đoạn 1cm rất chắc chắn. Đai kim loại bo quanh làm từ vật liệu cứng, đảm bảo giữ an toàn cho mặt kính phía trong.

Thân máy được làm từ loại vật liệu nhẹ, rất cứng cùng với vỏ bọc có tính chất đàn hồi giống cao su. Do vậy, dù chủ ý đánh rơi từ độ cao ngang đầu người nhưng Hero4 Session vẫn không hề bị móp.
Trên thân máy có 2 nút bấm, một nút chính và một nút tùy chỉnh. Nút chính nằm ở mặt trên, có ký hiệu vòng tròn đỏ, dùng để kích hoạt máy. Nếu để mặc định bấm nút này một lần máy sẽ quay, bấm và giữ 3 giây máy sẽ chụp ảnh. Ngay phía dưới nút này là một màn hình nhỏ thông báo trạng thái hoạt động của máy.
Nút tùy chỉnh nằm ở mặt sau, nhỏ và tương đối khó bấm. Nút này dùng để mở cài đặt máy, bật/tắt Wifi, thiết lập kết nối với smartphone, tablet... Phía trên nút này là logo GoPro và hướng dẫn sử dụng nút chính như đã nói, chúng được dập nổi chứ không in, đảm bảo sẽ bền mãi với thời gian.

Mặt đáy của máy không có gì. Mặt hông bên trái là khay cắm thẻ nhớ và cổng kết nối microUSB, được đậy bằng nắp có gioăng chống nước, mở bằng chốt gạt ngay kế bên.
Mặt hông bên phải là nơi GoPro in tên model Hero4 Session. Nó không được dập như logo và hướng dẫn sử dụng phía sau nên nhiều khả năng sẽ sớm bị mờ hoặc bay mực nếu như bị va đập.

Sau tất cả, mặc dù có thiết kế khác hẳn so với các model Hero trước đó nhưng Hero4 Session tương thích tốt với 100% phụ kiện từ xưa đến nay của GoPro.
Hiệu suất
Hero4 Session sở hữu cảm biến độ phân giải 8MP cùng ống kính góc rộng 170 độ. Nó cung cấp khả năng chụp ảnh tĩnh độ phân giải 3264x2448 pixel, quay video 1920x1440 pixel (tỷ lệ 4:3) ở tốc độ khung hình 30fps và 25fps; video 1920x1080 pixel (tỷ lệ 16:9) ở tốc độ khung hình 60fps, 50fps, 48fps, 30fps và 25fps.
Như vậy, về khả năng ghi hình Hero4 Session chỉ nhỉnh hơn Hero3+ một chút trong khi thua kém Hero4 rất nhiều.
Máy có khả năng chịu nước 33 phút ở dộ sâu 10m. Những va đập mạnh kiểu như rơi từ độ cao, bánh xe cán qua... hay các điều kiện môi trường khắc nghiệt như nước biển, mưa lớn, tuyết rơi đều không hề hấn gì đối với Hero4 Session. 
Trong quá trình sử dụng máy khá nóng. Có lẽ vì không được bao thêm một lớp vỏ bọc bên ngoài nên nhiệt năng Hero4 Session sinh ra được cảm nhận dễ dàng hơn. Dù vậy, chỉ cần “hạ thủy” vấn đề đó sẽ được giải quyết ngay lập tức.

Hero4 Session có một yếu điểm chắc chắn sẽ khiến người dùng khá khó chịu đó là độ trễ khi sử dụng. Nếu bạn bấm nút chính, máy sẽ cần một khoảng thời gian chừng 3 giây để kích hoạt. Nếu bạn bấm nút tùy chỉnh cũng phải 2 giây sau menu mới hiện lên. Điều này đôi khi sẽ làm mất thời gian của bạn và những khoảnh khắc đẹp không bao giờ biết “chờ”!
Mặc dù có kích thước rất nhỏ gọn nhưng thời lượng pin của Hero4 Session cực kỳ ấn tượng, không thua kém so với các model Hero khác. Thử nghiệm quay video liên tục, Hero4 Session trụ được 2 giờ, chụp timelapse mỗi 10 giây một lần trụ được 3 giờ 30 phút (trong khi thử nghiệm Wifi và Bluetooth đều bật). Người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về thời lượng pin của chiếc máy này.
Về khả năng kết nối Bluetooth và Wifi, nhìn chung Hero4 Session tỏ ra không thua gì các đời máy khác. Máy bắt sóng nhạy, truyền hình ảnh thời gian thực tương đối ổn định, hình ảnh rõ ràng, đủ nhìn.

Tính năng
Hero4 Session không có tính năng riêng khác biệt với các camera khác cùng hãng, đó vẫn là: SuperView, slow-motion, time-lapse, looping...
Do diện tích cảm biến nên hầu hết camera GoPro đều ghi hình độ phân giải cao nhất ở tỷ lệ 4:3. Với chế độ SuperView, hình ảnh sẽ được kéo giãn để lấp đầy khung tỷ lệ 16:9, phần hình ảnh ở hai bên sẽ bị kéo ra trong khi ở giữa không thay đổi. 16:9 là tỷ lệ thích hợp hơn đối với video. Các nhà làm phim rất yêu thích tỷ lệ này bởi nó đem đến một cảm giác nhìn rộng hơn tỷ lệ 4:3. Thông thường người ta sử dụng phương pháp cắt cúp (crop) hình ảnh từ 4:3 về 16:9, đồng nghĩa loại bỏ một phần hình ảnh cảm biến thu được. Tính năng SuperView của các máy quay Hero sẽ giúp làm được điều đó trong khi tận dụng được tối đa hình ảnh mà cảm biến đã ghi.
Về khả năng quay video slow-motion, Hero4 Session có thể ghi hình HD 720p ở tốc độ 100fps cũng như SD 480p ở tốc độ 120fps. Đây không phải một thông số quá ấn tượng.
Ở chế độ time-lapse, người dùng có thể cài đặt thời gian chụp mỗi tấm cách nhau từ 0,5 giây đến 60 giây. Ở chế độ burst (chụp liên tục), máy có thể chụp liên tiếp lên tới 10 khung hình mỗi giây.
Máy còn có một chế độ vòng lặp looping. Trong chế độ này, máy sẽ ghi video liên tục, kể cả khi thẻ nhớ đã đầy nó sẽ tiếp tục ghi đè cho đến khi bạn nhấn nút dừng lại.
Cuối cùng, một điểm có thể coi là đột phá của GoPro đó là sử dụng cổng kết nối microUSB trên Hero4 Session thay vì cổng miniUSB. Cổng này nhỏ gọn và khi cắm giắc vào sẽ chặt hơn, không lỏng lẻo như cổng miniUSB trên các model HERO khác.
Kết luận
Sự khác biệt chính của GoPro Hero4 Session là kích thước nhỏ gọn hơn nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu của không ít khách hàng. Nếu những ai không cần sự nhỏ gọn nhẹ đó có thể chọn mua Hero4 với mức giá tương đương nhưng hiệu suất cao hơn. Hero4 Session lên kệ thị trường Việt Nam với mức giá bán 9,5 triệu đồng.
NgheNhìn Việt Nam đánh giá
Thiết kế: 9
Hiệu suất: 6
Tính năng: 6
Giá bán: 6

Việt Đức

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]