GS Ngô Bảo Châu bật mí bí quyết học thành tài

Tiin.vn - Ngoài ra, GS cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm đọc sách và đề cập đến vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô – Bắc Giang năm 2012.

15.614

Chiều qua (13/3), GS Ngô Bảo Châu đã có buổi nói chuyện với hàng ngàn sinh viên tại ĐH Bách khoa Hà Nội về chủ đề Học như thế nào. Đến tham dự buổi nói chuyện còn có cả Chủ tịch quỹ Hòa bình quốc tế, đại diện các đại sứ quán tại Việt Nam, bố mẹ GS Ngô Bảo Châu và những người thầy cũ của ông. Suốt buổi nói chuyện, GS đã chia sẻ với các bạn trẻ những kinh nghiệm ông đúc rút từ chính thực tế học tập, nghiên cứu của mình.

Những bí quyết để học thành tài

Bài nói chuyện của GS Ngô Bảo Châu chia làm 3 phần: Động lực của việc học, Học chữ hay học làm người và Học như thế nào.

Ông nói: “Ngày xưa đức thánh hiền có câu “Có chí thì nên”, các cụ không có sách vở, không có đèn điện vẫn rất ham học, thời đó bắt cả đom đóm để học. Nhưng theo tôi ngày nay có chí thôi chưa đủ để làm nên thành công cho con người, mà còn cần thêm rất nhiều yếu tố khác nữa”.

GS Châu đưa ra ý kiến rằng để có thể vào học một trường ĐH danh tiếng thế giới chúng ta phải bỏ ra ít nhất là 5.000 USD, nhưng hiện nay thời đại công nghệ thông tin phát triển, con người được tận dụng Internet, được học miễn phí rất nhiều chương trình, khóa học đẳng cấp.

Dù được cung cấp tài liệu, được học những bài giảng trên mạng miễn phí nhưng nếu không có môi trường, không có bạn bè, không có những giải thưởng thì sẽ khó đạt được kết quả tốt nhất. Chính vì vậy mà GS Châu đề cao tính tập thể trong việc học tập. “Tham khảo tài liệu trên mạng, trao đổi với nhau và học một cách nghiêm túc tự giác sẽ đem lại kết quả hữu ích cho bạn trẻ” – ông nói.

Tuy nhiên việc học tập hay bất cứ làm việc gì cũng không thể thiếu được niềm đam mê. Song con người vốn rất khó duy trì được niềm vui, say mê với công việc trong một thời gian dài. Niềm say mê đến rồi đi, rồi lại trở về, nó không đứng yên ở một trạng thái. Nhưng niềm hạnh phúc khi khám phá những trải nghiệm mới, những con đường mới sẽ tạo ra năng lượng nuôi dưỡng niềm say mê đó. Ngay cả khi không còn niềm đam mê thì người ta cũng phải cố gắng .

Một điều quan trọng cũng ảnh hưởng rất lớn đến thành bại của người trẻ mà GS Châu đưa ra đó chính là niềm tin. Điều đáng buồn là người ta không tin vào mình, đau đớn hơn khi mình không tin vào ai cả và thật sự bất hạnh nếu như chúng ta không còn tin vào chính mình nữa.

“Tôi đã từng bị người ta nghi ngờ, từng bị đánh trượt bởi Bổ đề cơ bản. Người ta không tin rằng một người trẻ như tôi lại đăng kí nghiên cứu đề tài lớn như vậy. Tôi cũng cảm thấy thất vọng nhưng rồi tôi đã chứng tỏ cho họ biết rằng tôi có thể làm được”.

Ông cũng chia sẻ thêm về bí quyết thu nạp kiến thức. Với ông sách vở là một kho báu vô giá mà con người muốn thành công phải đọc thật nhiều sách. Nhưng đọc như thế nào để nhận được nhiều nhất kiến thức cho mình?

GS Châu bật bí kinh nghiệm: “Tôi không học từ trang một đến trang cuối cùng của cuốn sách mà phải biết cách chọn lọc những thông tin hữu ích cho bản thân mình. Khi đọc một cuốn sách các bạn hãy biết đặt ra những câu hỏi rồi đọc sách để tìm câu trả lời cho câu hỏi đó. Và khi đã quyết tâm học thì các bạn phải học đến cùng, để hiểu được đúng bản chất của vấn đề chứ đừng bao giờ học một cách lơ mơ".

"Vụ Đồi Ngô khiến tôi muốn khóc"

Cũng trong buổi nói chuyện, đã đề cập đến vụ gian lận thi cửĐồi Ngô – Bắc Giang năm 201. Ông cho rằng để phát triển chúng ta luôn phải tuân theo những luật lệ nhất định. Chính vì thế việc thi cử cần phải nghiêm túc thì mới thúc đẩy được học trò vươn lên. Khi chúng ta phá vỡ luật chơi một cách quá dễ dàng sẽ khiến con người bị nản chí.

Nói đến vấn đề thi cử GS Châu viện dẫn một ví dụ đáng cho là “kinh điển” của nền giáo dục Việt Nam đó là việc gian lận thi cử ở Đồi Ngô – Bắc Giang năm 2012. Ông cho rằng trên thế giới, trong lịch sử loài người chưa từng có một vụ “bê bối” giáo dục như vậy.

“Việc học sinh quay clip tố cáo thầy cô gian lận, bao che cho học sinh gian dối thì thật sự là chưa có trong tiền lệ. Vụ việc này khiến tôi rất buồn... Thi cử là một việc làm rất thiêng liêng thế mà nó đã trở thành một trò đùa rất lố, khiến tôi muốn khóc” - GS Châu nói.

Từ vụ Đồi Ngô, GS chia sẻ thêm bí quyết thành công của ĐH Chicago nơi ông đang giảng dạy. “Người ta nói họ giàu có, có những giáo sư giỏi có bề dày kinh nghiệm, có những sinh viên xuất sắc, có hệ thống vật chất hiện đại? Nhưng không phải thế. Khi mới thành lập họ cũng không có gì cả, chỉ là vì những con người ở môi trường đó họ biết “fair play", họ rất trung thực. Chính tính trung thực là điểm quan trọng nhất tạo nên thành công ấy.”.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]