Hà Lan trước nguy cơ không thể dự EURO 2016: Chu kỳ lặp lại?

15.6013
Vẻ mặt thất thần của tuyển thù Hà Lan Wesley Sneijder sau trận thua 0-1 trước tuyển Iceland tại vòng loại Euro 2016. (Nguồn: AFP)

Bị Iceland đánh bại ngay trên sân nhà, tuyển Hà Lan đang đứng trước nguy cơ không thể giành vé trực tiếp tham dự vòng chung kết Euro 2016 trên đất Pháp.

Vòng tranh vé vớt (Play-off) chưa bao giờ là lựa chọn ưa thích của “Cơn lốc màu da cam,” dường như một chu kỳ thành công của bóng đá Xứ sở hoa tulip chuẩn bị được lặp lại.

Hiện tại ở bảng A vòng loại Euro 2016, Hà Lan vẫn dậm chân ở vị trí thứ 3 với 10 điểm/7 trận, kém hai đội đầu bảng là Iceland và Cộng hòa Séc lần lượt 8 và 6 điểm.

Hà Lan sẽ gặp trực tiếp Cộng hòa Séc vào ngày 13/10 tới trên sân nhà, trước đó là hai cuộc đấu với Thổ Nhĩ Kỳ và Kazashtan vào ngày 6/9 và 10/10. Dễ thấy sự thật rằng, cửa để Oranje (biệt danh của tuyển Hà Lan) lọt trực tiếp vào vòng chung kết Euro 2016 giờ là cực khó. Cộng hòa Séc chỉ cần giành 4 điểm trong hai lượt trận tới trước những đối thủ yếu hơn là Latvia và Thổ Nhĩ Kỳ là Hà Lan tối đa chỉ có thể về đích ở vị trí thứ ba bảng A, tương đương với suất tham dự trận play-off.

Trường hợp khác, Hà Lan có thể lọt vào vòng chung kết Euro 2016 nếu trở thành đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất trong 8 bảng đấu. Khả năng này là gần như… không thể khi Na Uy ở bảng H đã có 13 điểm sau 7 trận, hay Ukraine ở bảng C sở hữu 12 điểm sau 7 trận, bỏ xa con số 10 điểm của Oranje.

Sự thật đã quá rõ ràng, Hà Lan giờ sẽ hướng đến vòng play-off với tinh thần lạc quan nhất có thể, cố gắng không để thất bại của 13 năm về trước trở về. Năm 2002, Hà Lan của huấn luyện viên Louis Van Gaal khi đó đã gục ngã trong trận play-off giành vé tham dự World Cup được tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản với đội hình toàn sao như Ruud Van Nistelrooy, Marc Overmars, Edgar Davids, Jaap Stam hay Clarence Seedorf.

Sau thất bại quá sức bất ngờ ấy, Liên đoàn Bóng đá Hà Lan (KNVB) đã thực hiện cuộc cải tổ lớn khi trẻ hóa “Cơn lốc màu da cam” với những cái tên mới mẻ như Rafael van der Vaart, Arjen Robben hay Wesley Sneijder cùng huấn luyện viên có tư tưởng tấn công phóng khoáng Dick Advocaat.

Thành quả sau đó đến ngay lập tức khi Hà Lan lọt vào bán kết Euro 2004 với sự xuất sắc của ngôi sao 20 tuổi, Robben. Những giải đấu sau đó, Hà Lan luôn dễ dàng vượt qua vòng loại với thành tích gần như tuyệt đối, và luôn là đội tuyển lọt vào các ​vòng chung kết lớn như World Cup hay Euro theo cách sớm nhất

Thời điểm hiện tại khi Hà Lan bắt đầu tuột dần ra khỏi tay chiếc vé dự Euro 2016 cũng chính là lúc các “tài năng trẻ” tại Euro 2004 ngày nào bắt đầu ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Robben, Sneijder, Van Persie hay Rafael van der Vaart đều đang ở độ tuổi ngoài 30, và không ai trong số những cái tên mới tại đội tuyển Hà Lan vào lúc này có đủ sức thay thế các cái tên này. Memphis Depay, Jordy Clasie, Davy Klassen hay Daley Blind vẫn còn ở quá xa đẳng cấp của những bậc đàn anh.

Người duy nhất đang chứng tỏ được bản thân là Stefan De Vrij thì lại chỉ là một trung vệ.

Việc Guus Hiddink thất bại thảm hại trong lần tái xuất ở đội tuyển Hà Lan thực chất đến từ nguyên nhân sâu xa này​. Ngoài Robben còn giữ vững được đẳng cấp tại Bayern Munich, thì những cái tên hình thành nên khung xương của Oranje trong suốt hơn 10 năm qua đã dần lui vào cửa sau của bóng đá đỉnh cao Châu Âu. Sneijder tới Galatasaray, van der Vaart trôi dạt về Real Betis, van Persie tới Fernebahce.

Sự sa sút của những ngôi sao cũng như tầng lớp kế cận chưa đủ kinh nghiệm cũng như đẳng cấp để thay thế đã đưa bóng đá Hà Lan tới viễn cảnh vắng mặt tại kỳ Euro đầu tiên kể từ năm 1984.

Bóng đá luôn có những sự lặp lại thú vị, Hà Lan sau chu kỳ thành công của thế hệ Johan Cruyff, Johan Neeskens, Johnny Rep hay Ruud Krol được dẫn dắt bởi cố ​huấn luyện viên Rinus Michels vào thập niên 70 của thế kỷ trước đã trải qua quãng 4 năm (1982-1986) không được tham dự vòng chung kết World Cup hay Euro nào vì không thể tìm được những tài năng đủ để thay thế các bậc đàn anh vĩ đại.

Chỉ tới khi những Marco Van Basten, Ruud Gullit hay Frank Rijkaard trưởng thành, Oranje mới thực sự trở lại, chức vô địch Euro 1988 là minh chứng cho điều đó.

Giờ đây, một thế hệ tài hoa nữa của bóng dá Hà Lan đang đi qua, và có lẽ “Cơn lốc màu da cam” cần dừng thổi để những ngôi sao trẻ như Depay hay Clasie trưởng thành. Đó không phải là chấm dứt, chỉ là dừng lại hít sâu và tiến một bước dài hơn mà thôi./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]