Từ xưa, người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã biết nuôi hươu rừng để lấy lộc nhung (sừng non), một vị "thần dược" quí hiếm có giá trị lớn. Đến nay, hàng trăm hộ dân của huyện Hương Sơn đã có đàn hươu cho thu nhập khá và ổn định. Mỗi năm vào dịp cuối xuân, dân Hương Sơn lại rộn ràng vào vụ cắt lộc nhung. 

Hươu là loài thú hoang dã được người dân đưa về nuôi từ cách đây hàng trăm năm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thuần hóa được. Thịt hươu ngon và bổ không kém gì thịt dê, song mục đích nuôi hươu chỉ là để lấy lộc nhung, tức sừng non của hươu đực. Mỗi năm hươu đực cho một cặp nhung khoảng 1kg, thu hoạch vào mùa xuân, sau khi cưa xong thì mọc lại.

Theo các dược điển và từ thực tiễn sử dụng, lộc nhung là vị thuốc và thực phẩm quý hiếm, có tác dụng đại bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, chống lão hóa, vô sinh, người suy nhược, phụ nữ sau khi sinh, người già, trẻ con còi cọc, chậm lớn... 

Ngày trước, chí có các gia đình phú quý mới có lộc nhung. Lộc nhung được dùng để tiến vua và làm quà biếu khách quý. Từ những đặc tính quý của nhung hươu, người dân Hương Sơn đã bắt hươu đưa về nuôi sinh sản, nhân giống rộng rãi để lấy lộc nhung. Từ một "thần dược" quí hiếm, lộc nhung đã trở thành hàng hóa được bán rộng rãi. Ông Phan Xuân Yên - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn - cho biết: Hiện tổng đàn hươu toàn huyện có khoảng 30.000 con, mỗi năm thu 10 tấn nhung.

Gia đình anh Phan Văn Luật (50 tuổi), xóm Đồng Đền, xã Sơn Lâm nuôi 55 con hươu; mỗi năm cắt khoảng 10 - 12kg nhung hươu, cộng với tiền bán 5 con hươu giống, thu được khoảng 150 triệu đồng. Đàn hươu của anh Phan Xuân Đề, xóm Lâm Đồng, xã Sơn Lâm có 20 con; năm nay thu gần 8kg nhung hươu, thu 80 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện có 9 mô hình chăn nuôi hươu từ 40 đến 55 con, thậm chí có hộ nuôi đến 65 con hươu. 

Thời điểm giá cao mỗi giá mỗi cân nhung lên tới 15 triệu đồng, nhưng hiện nay giá nhung chỉ còn trên dưới 10 triệu đồng/kg.  Theo đề án của huyện, thì năm 2015 phát triển đàn hươu lên 40.000 con thu 11 tấn nhung. Đến năm 2020, phấn đấu đạt gần 50.000 con, thu 17 tấn lộc nhung trị giá khoảng 170 tỉ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, đó là con số trên giấy, còn trong thực tế có đạt được hay không còn phụ thuộc vào yếu tố đầu ra cho sản phẩm. Nhung hươu hiện chủ yếu được tiêu thụ thông qua bán lẻ cho tiểu thương hoặc người dân mua để dùng hay làm quà biếu. Vì vậy, khi sản lượng nhung tăng lên thì đầu ra bấp bênh, giá giảm. Hiện nay, huyện Hương Sơn có chính sách đầu tư cho các mô hình chăn nuôi hươu có quy mô lớn, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để quảng bá, tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định cho nhung hươu.


Cận cảnh một cành nhung 55 ngày tuổi sắp thu hoạch
Chăm sóc hươu sao
Đàn hươu của gia đình anh chị Hà Thuận, xã Sơn Giang
Thương lái tập kết nhung hươu để đưa vào bán tại TP Hồ Chí Minh
Giới thiệu về đặc tính của nhung hươu cho khách hàng
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh giới thiệu đặc sản lộc nhung với các bộ ngành trung ương