'Hạc chiều' - bài học về cách làm kịch chuyên nghiệp

Sân khấu là thánh đường, cái cách mà những người Nhật làm sân khấu nhắc nhớ một chân lý xưa cũ mà người làm nghề ở ta theo mãi không kịp... Đứng trước cái kỳ công ấy, trước một tiếng chuông điện thoại hay một tiếng bật ghế không thể không đỏ mặt xấu hổ.

15.5837

Lan Phương (nàng tiên hạc Tsu) và Nam Trung (Yohyo) trong buổi diễn thử vở "Hạc chiều".

Chiều 16/2, theo lời mời của đạo diễn Yuuki Ippei vốn đã triển khai việc dàn tập từ hơn hai tháng nay tại trường Cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP HCM, một phái đoàn 10 chuyên gia sân khấu Nhật Bản gồm họa sĩ thiết kế, chuyên viên ánh sáng, âm nhạc, phục trang, làm tóc, tiếng động... đã từ Nhật bay sang TP HCM.

Đến sân bay Tân Sơn Nhất lỉnh kỉnh đồ đạc, họ trực chỉ luôn Nhà hát Thế Giới Trẻ, khóa trái cửa sân khấu “ngoại bất nhập” đến tận tối mịt để bắt tay vào công việc chuẩn bị công diễn vở Hạc chiều. Rất nhiều điều chưa từng thấy trong cách làm của đoàn chuyên gia còn đông hơn số vai diễn này...

Trở lại trước đó khoảng một tháng, khi cho chạy đường dây vở, ông đạo diễn 72 tuổi ra trước khán giả phân bua rằng vì chạy thử nên thiếu nhiều thứ, và thời lượng 1 giờ 10 phút hôm nay sẽ chính xác là 1 giờ 12 phút khi công diễn thật. Một nam sinh viên ngồi xem bật cười: “Tưởng gì, có 2 phút mà cũng nói”.

Hóa ra không chỉ có chuyện 2 phút. Họa sĩ Lê Văn Định, giám sát thực hiện sân khấu, lắc đầu thán phục: “Họ chính xác đến từng centimet, thậm chí từng milimet. VN mình quen lệ đại khái, nhận mô hình ngôi nhà, thấy ghi 22 cm thì “quất” đại 20 cm cho chẵn, hay 44 bèn làm tròn 40, mỗi thứ sai đi một tý, kết quả là khi họ nhìn thấy sai kích cỡ bèn nhất định bắt tháo ra, làm lại”.

Cũng vậy, cô họa sĩ 30 tuổi Takahashi Ayako phải tỉ mẩn phun, xịt, quét lại từng nét cọ, sao cho sàn nhà bằng ván ghép rõ từng sớ gỗ, kể cả mặt sàn trên cao - chỉ diễn viên nhìn thấy - cũng phải giống hệt. Cửa ngôi nhà tuyết bám bên ngoài nhưng bên trong ám khói, cho nên căng vải là sai, phải lột hết, dán giấy, xịt nước rồi xịt thêm hóa chất cho cũ đi, nhưng vẫn phải là màu trắng đục của ánh tuyết. Lửa trong bếp lò phải cháy bập bùng y như thật…

Dưới khán phòng còn ngổn ngang đạo cụ, Thanh Bình - anh chàng phụ trách ánh sáng - đang phải chăm chú lắng nghe Yoshimoto Noboru, chuyên gia ánh sáng, phổ biến “kịch bản phân cảnh ánh sáng”, bao gồm 24 bảng biểu chằng chịt các chữ số, biểu thị cho những loại đèn dùng trong vở và những con số khác nữa biểu thị cường độ đèn phải xử lý vào mỗi thời điểm.

Hạc chiều (tác giả Junji Kinoshita, đạo diễn Yuuki Ippei) sẽ được công diễn tại Nhà hát Thế Giới Trẻ (125 Cống Quỳnh, quận 1) vào các suất: 17h30 và 20h chủ nhật 20/2, 17h và 20h thứ hai 21/2, 17h và 20h thứ ba 22/2.

Bình nói rằng cách làm này chưa từng có ở VN, nhìn thấy có vẻ phức tạp nhưng thật ra rất chuyên nghiệp, vì chỉ cần gài vào máy rồi đến giờ ngồi bấm, đảm bảo ánh sáng của tất cả các suất diễn một chất lượng như nhau.

Một góc khác nữa, vị stage manager - tương tự chức đài trưởng - tỉ mỉ ghi lại các thứ tự ra vào của diễn viên, những câu thoại cần chỉnh sửa, và... vẽ cả thứ tự ra chào (khi kết vở): lần lượt ba người trước, bốn người sau, rồi mới tất cả cùng ra, cho nó tuần tự, kính cẩn, và đạo diễn cũng khỏi phải “mang tiếng” thiên vị diễn viên nào nếu tự tay sắp xếp việc này. Hai phút phát sinh khi công diễn là lý do này đây.

Lê Văn Định tự dưng mơ ước xa xôi: “Tôi đã xin mở hẳn một khoa đào tạo họa sĩ thiết kế mà chưa được. Thấy người ta chuyên nghiệp quá, buồn cho mình”.

Điều chưa từng thấy nữa: đạo diễn vẫy từng diễn viên lại, vẽ mặt cho họ, cho đúng hình dung của ông về nhân vật. Lan Phương - nàng tiên hạc Tsu - bần thần giơ lên trước mặt một túi nilông nhỏ đựng mấy lọn tóc. “Tóc của tôi đấy, bà Satoh Teiko mới cắt”. Hai lọn tóc ngắn buông xuống hai bên, tóc dài buộc phía sau, đôi mắt một mí, bộ kimono vải thô trắng nhiều lớp bó chặt lấy thân người và cả bước đi, những đôi dép cỏ đúng kiểu nông dân Nhật.

Lan Phương - và hầu hết diễn viên của vở - đều công nhận đúng là khi được hóa thân như thế, họ là nhân vật hơn. “Tôi thấy tôi Nhật hơn, và khi đó mọi cử động tự dưng chậm hơn, đúng như nhân vật cần có, và xúc cảm cũng đến nhanh hơn, mạnh hơn”, Phương nói. Nam Trung - vai Yohyo: “Họ chuẩn bị kỹ quá, làm diễn viên chúng tôi tự dưng bị áp lực: phải diễn sao cho xứng đáng”.

Thế nhưng mọi thứ đều phải vào khuôn, liệu còn chỗ cho diễn viên sáng tạo? Nam Trung và Quang Minh, vốn đang học đạo diễn, cho biết: “Sáng tạo là ở chỗ chúng tôi được giao kịch bản về nhà tự đọc (thuộc lòng, tuyệt đối không có chuyện nhắc tuồng), lên sàn tự khai phá theo xúc cảm của mình rồi diễn cho thày xem, xem qua rồi thày chỉnh cho đến khi chúng tôi ráp được với nhau, cho nên việc thể hiện vai là hoàn toàn do cảm nhận của diễn viên, không bị cầm tay chỉ việc, thị phạm chi hết”. Đạo diễn là người quán xuyến từng milimet, đồng thời thả sức cho các thành phần khác cùng sáng tạo, bài học cơ bản lần đầu tận mắt, thấy... hay.

Hạc chiều không phải vở hoành tráng. Hơn một giờ, một bối cảnh duy nhất, thông điệp giản dị: người ta có thể sẽ phải hối tiếc nếu bỏ nhân nghĩa, chạy theo đồng tiền.

Vở giống như một tách trà đạo nhỏ nhắn. Cũng chỉ là... trà, bỏ đại vào ly, chế nước sôi rồi uống, hay dụng vào đấy bao kỳ công, ấy là do cái lòng của người pha chế với người thưởng thức.

Đứng trước cái kỳ công ấy, ngược lại không thể không kính cẩn “nhâm nhi”, tỷ dụ trước một tiếng chuông điện thoại di động hay một tiếng bật ghế không thể không đỏ mặt xấu hổ.

(Theo Tuổi Trẻ)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]