Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thì câu trả lời trước tiên là có. Hải sản giống như một “món quà” của biển, bởi rất giàu đạm, giúp đảm bảo cho trẻ có được nguồn dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, hàm lượng các chất béo omega 3 không bão hòa trong hải sản nhiều hơn trong bất kỳ một loại thực phẩm nào.

Omega 3 giúp tăng cường hệ thống tuần hoàn máu, ngăn chặn sự hình thành huyết khối, giảm nguy cơ mắc bệnh tim cho trẻ sau này. Nó còn giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh viêm sưng, hen suyễn, phổi, thấp khớp, vảy nến, nhiễm trùng đường ruột…

Đặc biệt, hải sản cũng giúp cung cấp một nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào. Có thể kể đến: sắt, kẽm, phốt pho, canxi, kali…  cần thiết cho tuyến giáp, giúp chữa lành vết thương, giúp xương răng chắc khỏe, hỗ trợ chức năng cơ bắp, hoạt động thần kinh chính xác…

Một bữa ăn nhiều hải sản thay cho thịt, cộng thêm nhiều rau củ sẽ giúp trẻ có được thói quen ăn uống lành mạnh từ bé, giúp bảo vệ toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, ăn hải sản còn được xem là cách giúp não bộ được cung cấp đủ lượng omega 3, tốt cho việc phát triển trí thông minh, trí nhớ. 

Những loại hải sản thường được các bà mẹ tìm đến cho con mình là tôm, cua, ốc, nghêu sò. Có điều kiện hơn thì cho con ăn cả hàu, bào ngư, hải sâm
“Độc đáo” nhất là một số gia đình có điều kiện kinh tế khá giả còn muốn con mình “nếm” được cả những món giá “cắt cổ” như vi cá, trứng cá hồi. Một số bà mẹ, dù con trai mình mới có… 5-6 tuổi, nhưng thấy bé có vẻ “thờ ơ” với… bạn gái(!), bộ phận duy trì nòi giống có vẻ… “nhỏ”(?) hơn mức “mong đợi” nên ép bé ăn hải sản liên miên chỉ nhằm mục đích “bảo đảm cho nó lớn lên không bị… nửa nam nửa nữ, hay không bị vợ… chê sau này!!!”.

Cần biết rằng với cách suy nghĩ hải sản là… “thần dược”, quá lo xa nhưng lại thiếu kiến thức về dinh dưỡng như thế, mẹ có thể hại bé đến mức nguy cấp nếu ép con ăn hải sản quá thường xuyên, với lượng quá lớn mỗi ngày.

Hà Anh