Hải sản ướp urê – javel: Làm sao tránh?

(SKGĐ) Hải sản ướp lạnh và làm trắng bằng urê và javel đã không còn là chuyện lạ với nhiều người tiêu dùng. Vậy làm thế nào để gia đình bạn vẫn được thưởng thức hải sản mà không nơm nớp lo?

15.5916

Cặp đôi bất hảo

Từ 1h sáng hàng ngày, chợ hải sản Nam Hải, Hải An, Hải Phòng đã nhộn nhịp người bán, người mua các mặt hàng hải sản. Hàng chục ôtô chở các hải sản như: tôm, cua, cá, ghẹ, mực, ốc, sò… từ các nơi tập kết về đây rồi bán lại cho những người buôn bán lẻ tỏa đi khắp các tỉnh miền Bắc. Việc phải vận chuyển từ chợ đầu mối đến các tỉnh xa khiến cho việc bảo quản hải sản là sự sống còn của các lái buôn.

Anh Chung ở Quốc Tuấn, An Dương, Hải Phòng, một thợ buôn hải sản lâu năm cho biết: “Việc bảo quản chất lượng hải sản để đi xa luôn là khâu khó nhất vì hải sản khi lên bờ là chết luôn, để lâu một chút là ươn hết. Việc bảo quản hải sản lạnh luôn có mánh của các nhà buôn. Nhà nào có xe lạnh thì không nói, nhưng việc đầu tư xe lạnh vừa tốn kém lại khó hồi vốn. Đa phần các nhà buôn thường dùng theo cách ‘truyền thống’ là dùng đạm ure và thuốc tẩy javel vừa rẻ lại giữ được hải sản tươi lâu”.

Tại nhiều chợ của Hà Nội như Kim Biên, Nghĩa Tân… hải sản các loại cũng vẫn được bán trong tình trạng ướp ít đá nhưng đặc điểm chung là rất trắng và tươi, kể cả mua hải sản lúc tối.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), Ure hay còn gọi là đạm có tác dụng làm kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giá thành rẻ. Tuy nhiên, hải sản là loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, nếu chúng bị tẩm ướp qua urê, hay chất tẩy javel thì không còn nguyên chất nữa và thêm vào đó chúng có thể gây ngộ độc cho người dùng.

Việc ngâm urê hay javel khiến các chất này có thể ngấm trực tiếp vào hải sản. Việc rửa bằng nước lạnh thông thường không thể loại bỏ hết các dẫn xuất của ure hay javel trong hải sản. Trong cơ thể người, nếu lượng urê quá mức có thể gây giảm hoạt động của tuyến giáp, rối loạn máu ác tính, rối loạn thần kinh... Ngoài ra, urê có thể chứa các thành phần nguy hiểm như kim loại nặng gây ngộ độc. Người sử dụng có thể bị ngộ độc cấp tính nếu ăn phải các loại hải sản như cá, mực… có dư lượng urê cao. Nếu ăn thường xuyên với hàm lượng ít, urê sẽ tích tụ dần vào cơ thể gây ngộ độc mạn tính với các biểu hiện: Đau đầu không rõ nguyên nhân, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến gan, thận…

Mách bạn chọn hải sản ngon

Để phân biệt các loại hải sản có nhiễm urê hay javel phải quan sát rất tinh. Vài mẹo dưới đây sẽ giúp bạn chọn được hải sản ngon hơn

Chọn cua, ghẹ

- Nhìn bề ngoài nếu càng cua mọng nước thì không nên mua vì chúng là cua xốp, không ngon. Nên chọn cua, ghẹ có vỏ bên ngoài màu xám đục, yếm cua chắc chắn. Hoạt động của chân của khỏe mạnh, mai sắc.

- Nên chọn ghẹ yếm màu đỏ, chân co lại. Không lên chọn ghẹ quá to, con vừa ăn ngon hơn, nhiều thịt hơn. Cũng như cua, nên ấn nhẹ vào yếm ghẹ, nếu chắc nịch là ghẹ ngon. Nếu thích ăn ghẹ có gạch thì chọn con cái. Những con này có màu hơi ngả vàng, các chân của chúng bóp rất chắc.

- Không nên mua ghẹ vào giữa tháng, lúc này thịt ghẹ vừa nhão và mềm không ngon.

Chọn tôm:

- Chọn tôm nên chọn tôm toàn thân, các bộ phận dính chặt vào nhau, các chi vẫn còn nguyên. Không nên chọn tôm đã nát có mùi tanh, ươn.

- Tùy vào từng loại tôm mà chọn lựa. Nếu là tôm hùm, nên chọn các loại tôm có vỏ bóng, càng xanh. Các loại tôm khác tốt nhất nên chọn các loại tôm còn khỏe, nhảy tanh tách. Tôm sú thì có vỏ bóng, trơn, sống giữa thân tôm tươi và trong, đó mới là tôm ngon, chắc thịt. Tôm được bảo quản ít đá mà thấy vẫn tươi, khi sờ vào lại thấy mềm thì có thể tôm đó đã được ủ ure.

Chọn ốc, sò:

- Với ốc thì nên chọn những loại còn đang bò, khi chạm tay mới khép miệng lại..

- Đối với các loại sò nên ngửi. Nếu chúng không có mùi hôi là được, bởi nếu sò chết có mùi hôi rất khó chịu.Tùy loại sò mà bạn lựa chọn khác nhau, với sò lông, sò dương... nên chọn những con vừa ăn, không lớn quá vì thịt sò dai. Sò huyết thì không nên chọn con nhỏ, khi chế biến thịt sò teo lại, không ngon.

- Nghêu thì bạn phải chọn con khép miệng, con nào mở miệng nghĩa là đã chết.

Chọn cá biển:

Với các loại cá biển, nên chọn các loại cá còn nhớt, mắt còn tươi, trong. Mang cá màu đỏ, không bị thâm đen. Nếu cá còn tươi mà không còn nhớt thì cũng không nên mua vì có thể chúng đã được ngâm tẩm khá lâu. Dùng tay ấn vào thịt cá, nếu thịt đàn hồi là thịt tươi, nếu ấn vào mà lõm trên mình cá thì không mua. Khi đã được ủ ure cá có mùi khai chứ không có mùi tanh đặc trưng.

Chọn mua mực:

Mực có nhiều loại như mực ống, mực nang, mực nướng…. tùy từng loại mà cần quan sát kỹ, tuy nhiên với loại nào thì mực nên có lớp màng nâu bên ngoài da, bao quanh đều, ít sứt sẹo. Đầu mực còn dính nguyên và thân. Nếu thấy mực không có lớp da nâu, không có đầu và được bóc trắng nõn thì không nên mua, trừ mực đã được đóng gói trong siêu thị. Với mực nang, bạn nên chọn con to, thịt có màu trắng đục; mực ống chọn con có lớp thịt màu trắng hồng, đưa lên mũi không có mùi tanh là được. Tương tự như tôm cá, nếu mực, bạch tuộc được ủ ure thì nhìn thấy tươi, nhưng sờ vào thì thịt mềm.

Trần Nguyễn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]