Hai trẻ bị tai biến thần kinh do bệnh tay chân miệng

Một co giật, một viêm màng não do bệnh tay chân miệng, hai trẻ nhũ nhi 11 tháng tuổi và 24 tháng tuổi vừa được Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cứu sống sau gần 1 tuần cấp cứu.

15.6019

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng Khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, đây là 2 trường hợp bị biến chứng thần kinh do “tay chân miệng” nặng nhất kể từ một tháng nay.

Bé Trần Thị Lịch đang được chăm sóc tại khoa Nhiễm. Ảnh: Thiên Chương.

Theo hồ sơ bệnh án, bé Trần Thị Lịch, ngụ ở Bình Tân, 11 tháng tuổi, nhập viện ngày 29/9 trong tình trạng sốt cao, giật mình, sau đó đột nhiên ngưng thở. Các bác sĩ đã chẩn đoán, bé bị tay chân miệng sau đó tạo thành biến chứng viêm màng não. Xét nghiệm cho thấy, virus EV 71 - một loại virus nguy hiểm gây bệnh tay chân miệng đã tấn công bệnh nhi.

Trường hợp thứ hai là cháu Trương Lê Phượng Nhi, 24 tháng tuổi, quê ở Tiền Giang. Bé nhập viện sau khi một ngày đêm bị sốt, miệng có nổi mụn đỏ. Gia đình cho uống thuốc hạ sốt vẫn không giảm. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, bé trở chứng co giật, sau đó mê man. Xét nghiệm cũng cho thấy bệnh nhi bị mắc tay chân miệng.

Cả hai trẻ sau đó được điều trị cấp cứu bằng thuốc và hỗ trợ thở máy. Tuy nhiên phải gần 1 tuần sau 2 bệnh nhi mới thực sự thoát khỏi cơn nguy cấp. Hiện các bé đã có thể tự thở và phản ứng tốt khi được giao tiếp.

Bác sĩ Khanh cho biết, so với cùng kỳ năm 2007, năm nay, lượng trẻ mắc tay chân miệng giảm gần 50%. Mỗi ngày, tại khoa Nhiễm chỉ có khoảng 25 bệnh nhi ca nhiễm và những trường hợp tai biến như trên là khá hiếm.

Ghi nhận của VnExpress.net tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho thấy, số trẻ bị nhập viện vì tay chân miệng cũng không cao. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Việt, Trưởng khoa Nhiễm, đây chỉ là những tháng đầu mùa dịch nên vẫn không thể chủ quan. Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận khoảng 25-40 ca.

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1, Viện Pasteur TP HCM, Đại học Sarawak, Bệnh viện Sibu (Malaysia) và Đại học Sydney (Australia), trong 411 ca phân lập được siêu vi, có 173 ca nhiễm EV 71, 216 ca nhiễm Coxsackie virus A16 và 24 ca nhiễm các virus đường ruột khác. A16 ít gây biến chứng thần kinh và có thể tự hết trong vài ngày, còn EV 71 là loại nguy hiểm dễ gây các biến chứng thần kinh và tim mạch có thể khiến trẻ tử vong.

Khi mắc tay chân miệng, trẻ có những triệu chứng thường thấy như: sốt từ 2 ngày trở lên, giật mình trong lúc ngủ; chân, tay, mông, trong miệng có nổi bóng nước hoặc đốm đỏ. Bệnh thường tấn công trẻ dưới 3 tuổi.

Thiên Chương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]