“Gần 10 năm thực hiện khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy hạn chế lớn nhất của các tỉnh hiện nay là nói mà không làm, khoảng cách giữa cái mồm và cái tay. Vì thế nên nhiều người vẫn hay nói, ở Việt Nam khoảng cách xa nhất là từ cái mồm đến cái tay”. 

Đó là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Vai trò của Khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội trong tăng trưởng hòa nhập. Hội thảo do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng với VCCI tổ chức tại Hà Nội ngày 9-9.

Theo ông Tuấn, hạn chế thứ hai của các chính quyền địa phương hiện nay (nhất là địa phương phát triển) là họ thường có tư duy "tôi rất hấp dẫn, tôi không cần phải làm gì". Thêm vào đó là tư duy nhiệm kì, người ta vẫn cải cách và thực hiện rầm rộ nhưng mang tính trình diễn. Ví dụ họ tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư rất to hoặc xây dựng giấc mơ lớn nhưng sau đó thực hiện khác.

Ông Tuấn cũng cho rằng hiện nay tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách rất là qua trọng. Tuy nhiên thực tế có nhiều vấn đề doanh nghiệp không thể và không dám phản ánh trực tiếp với chính quyền địa phương. Do đó thông qua khảo sát chỉ số PCI, doanh nghiệp có thể nói lên tiếng nói của mình. Vì vậy PCI còn là một công cụ trao quyền được nói cho doanh nghiệp.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng từ khi có Luật Doanh nghiệp đến Hiến pháp 2013 đã khẳng định vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân đang là một lực lượng rất đông đảo trong nền kinh tế Việt Nam và chưa bao giờ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp lại được đề cao vị thế như hiện nay. “Việt Nam có thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay không là phụ thuộc vào sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân”, ông Lộc nhấn mạnh. 

T.HẰNG

Video đang được xem nhiều