Hàn Quốc nhân bản chó như thế nào?

Đây chỉ là bước khởi đầu cho ngành khoa học phức tạp và luôn nhận được những phản ứng trái chiều của cộng đồng.

15.6004

 

 

Thứ sáu hàng tuần, Junichi Fukuda rời văn phòng tại Tokyo để bắt chuyến bay tới Seoul, sau đó tới một trung tâm thí nghiệm công nghệ sinh học Sooam Biotech ở rìa thành phố. Tại đây, ông đón một chú chó pug đen tên Momotan và đưa nó tới một căn hộ mà ông thuê gần đó. Ông dành những ngày nghỉ cuối tuần để chơi với Momotan. Sáng thứ hai, ông trả Momotan về trung tâm thí nghiệm và trở về Nhật để tiếp tục công việc. Mọi việc không có gì lạ nếu như Momotan không phải là... một chú chó nhân bản

Chú chó pug đen xinh xắn này là phiên bản copy hoàn hảo của Momoko, chú cún mà Fukuda nuôi trước đó. Momoko gắn bó với Fukuda 16 năm nên nó rất quan trọng với ông. Ông sẵn sàng hợp tác với Sooam Biotech và chi rất nhiều tiền để đưa nó trở lại.

Tuy không phải là hãng dẫn đầu trong ngành công nghiệp nhân bản chó nhưng Sooam Biotech lại có được những kết quả quan trọng trong nghiên cứu truyền học. 

Bên trong nhà máy nhân bản

Sooam Biotech khẳng định có thể nhân bản bất kỳ con chó nào, bất kể tuổi tác và giống loài. Một trong ba phôi nhân bản vô tính sẽ phát triển thành con chó khỏe mạnh. Tính tới nay, Sooam đã nhân bản hơn 600 con chó. Tại nhà máy của Sooam luôn có 40 đến 50 chú chó nhân bản đang được chăm sóc.

Mỗi năm, doanh thu của Sooam lên tới hàng triệu USD. Năm 2009, Sooam đã nhân bản Trakr, chú chó cứu hộ gốc Đức được xem là "anh hùng" khi đã sục sạo tìm cho được người sống sót cuối cùng trong thảm họa 11/9. Gần đây, Sooam cũng thành công trong việc nhân bản một chú chó thuộc lực lượng SWAT của Seoul. Chú chó này sẽ sớm được đưa về sở cảnh sát để tiếp tục nhiệm vụ chống tội phạm.

"Cận cảnh" quá trình nhân bản chó?


Kinh phí cho việc nhân bản một chú chó lên đến... 100.000 USD. Nếu chú chó còn sống thì mọi việc đơn giản hơn nhiều. Người chủ chỉ cần mang chú chó tới bác sĩ thú y để xin mẫu sinh thiết, một mẩu da bụng dài 8mm, sau đó gửi mẫu này tới Sooam. Nếu chú chó đã chết, người chủ cần phải gửi cho Sooam càng nhiều mẫu da càng tốt. Nếu không thể lấy mẫu da ngay, phải bảo quản caí xác bằng cách  quấn khăn ướt và đặt trong tủ lạnh, tuy nhiên phương pháp bảo quản này chỉ có hiệu quả trong vòng 5 ngày.

Khi các mẫu sinh thiết tới tay Sooam, các nhà khoa học sẽ thực hiện phương thức chuyển nhân tế bào xôma. Tế bào xôma là bất kỳ tế bào nào không phải tế bào sinh sản như trứng hoặc tinh trùng. Các nhà khoa học sẽ khử trùng mẫu, cô lập tế bào cần thiết và đặt chúng vào môi trường sinh sống lý tưởng. Một đến hai tuần sau họ có các tế bào cần cho quá trình nhân bản.

Phần tiếp theo gây tranh cãi nhất, Sooam sử dụng một cặp chó lấy từ đơn vị cung cấp động vật thí nghiệm. Một con sẽ "cho" trứng còn một con có nhiệm vụ mang thai. Những con chó này chỉ phải phục vụ cho  ngành công nghiệp nhân bản duy nhất một lần trong đời, sau đó được trả lại cho đơn vị cho thuê chó thí nghiệm.

Quá khứ và tương lai của nhân bản


Tiến sĩ Woosuk Hwang, người đứng đầu Sooam, được báo chí biết tới lần đầu vào năm 1999 khi nhóm của ông tại Đại học Quốc gia Seoul nhân bản thành công hai con bò. Ông cam kết rằng con vật tiếp theo được nhân bản sẽ là hổ, động vật đã hoàn toàn biến mất khỏi quốc gia này trong thời gian chịu sự cai trị của Nhật Bản

Tháng 2/2004, Hwang thông báo trên tạp chí Science, nhóm của ông đã chiết xuất thành công tế bào gốc từ phôi người nhân bản vô tính. Đây là một phát kiến kỳ diệu bởi tế bào gốc có thể phát triển thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể, từ đó mở ra khả năng chữa trị cho bệnh nhân bị Alzheimer hoặc phục hồi khả năng đi lại cho những người bị chấn thương tủy sống.

Tháng 5/2005, Hwang tuyên bố ông đã sẵn sàng cho việc thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu tế bào gốc. Tháng 8/2005, nhóm của Hwang nhân bản thành công con chó đầu tiên. Hwang được gọi là “vua nhân bản” và “Niềm tự hào của Hàn Quốc.

Tuy nhiên cuối năm 2005 mọi thứ sụp đổ. Tháng 11/2005, chương trình truyền hình điều tra “60 Minutes” của Hàn Quốc tố cáo Hwang vi phạm đạo đức và giả mạo kết quả nghiên cứu.

Lập tức, các đồng nghiệp cũ ngừng hỗ trợ và các blogger ẩn danh tuyên bố kết quả nghiên cứu phôi của Hwang chỉ là thành quả của Photoshop. Trước sức ép, Hwang tuyên bố từ chức.

Tuy vậy, Hwang vẫn nhận được rất nhiều hỗ trợ. Hơn 700 phụ nữ Hàn Quốc đã đăng ký hiến tặng trứng cho nghiên cứu của ông. Năm 2006, ngay trong thời gian khủng hoảng, Hwang thành lập Sooam với sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ tư nhân. Khoảng 20 đồng nghiệp cũ của ông từ đại học Seoul cũng theo ông đến Sooam. Hwang còn lôi kéo được nhiều nhà di truyền học hàng đầu từ các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới về Sooam.

Năm 2009, Hwang bị kết tội “chế tạo dữ liệu, lợi dụng kinh phí nghiên cứu và kinh doanh bất hợp pháp trứng của con người” và phải chịu hai năm tù, hưởng án treo. 

Bỏ qua tất cả, Hwang vẫn tiếp tục nghiên cứu của ông. Mặc dù Sooam nổi tiếng và kiếm tiền từ việc nhân bản chó nhưng phòng thí nghiệm vẫn đang tiếp nối các nghiên cứu di truyền học trong nhiều lĩnh vực. Cho tới nay, Sooam đã công bố 47 báo cáo khoa học trên các tạp chí quốc tế.

Tham vọng lớn


Năm 2011, Hwang trình làng 8 chú chó nhân bản mới thuộc giống sói Bắc Mỹ. Thành công này chứng minh rằng chuyển giao xôma hạt nhân tế bào không giới hạn trên động vật cùng loài. Sooam có thể tạo ra phiên bản của các loài chó hiếm bằng cách đưa vật liệu di truyền của chúng vào trứng của một loài chó phổ biến với kỹ thuật tương tự những gì Sooam đã làm với chú chó Momotan và 600 con chó khác.

Sooam đã có thể làm chủ công nghệ trên và khẳng định có thể sử dụng nó để phục hồi lại các loài chó quý hiếm như sói Ethiopia, sói đỏ Mỹ và sói Lycaon. Hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 6.000 con sói tai nhọn Lycaon. Sooam đã thử nhân bản chúng bằng cách cấy vật liệu di truyền của chúng vào các loài khác nhưng chưa thành công.

Nhân bản động vật cũng có thể được ứng dụng vào thương mại và nông nghiệp. Sooam khẳng định, tiềm năng thương mại của ngành công nghiệp nhân bản động vật là rất lớn. Dịch lở mồm long móng năm 2010 đã tàn sát đàn gia súc của Hàn Quốc khi hơn 500.000 động vật đã bị tiêu hủy. Do vậy, chính quyền địa phương đã phải tài trợ cho Sooam để hãng này dùng công nghệ nhân bản phục hồi lại dòng bò Hanwoo của Hàn Quốc. Giống bò Hanwoo của Hàn Quốc có vị thế quan trọng tương tự bò Kobe của Nhật Bản.

Thậm chí Hwang còn nghĩ tới những ứng dụng y tế. Sooam đang tìm cách biến đổi gen của bò để chúng sản sinh ra kích thích tố erythropoietin trong sữa của chúng. Erythropoietin kích thích việc sản xuất các tế bào máu đỏ, được sử dụng để điều trị bệnh thiếu máu và các bệnh về máu khác. Nếu thành công, erythropoietin có thể được phân lập từ sữa, không cần vất vả tốn kém tổng hợp từ hormone.

Sooam cũng đang tiến hành nghiên cứu hồi sinh voi ma mút, loài động vật tuyệt chủng từ 3.600 năm trước. Sooam đang tích cực tìm kiếm mẫu sinh thiết tốt nhất có thể từ những mẫu vật voi ma mút nằm dưới lớp băng dày vùng Sibia. Sooam sẽ đi vào lịch sử nếu hồi sinh được voi ma mút và các loài động vật đã tuyệt chủng khác và Woosuk Hwang sẽ một lần nữa trở thành anh hùng.

SÔNG THAO

Nguồn: Người đưa tin

Xem thêm:

 

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]