Hàng ngàn học sinh nguy cơ không có chỗ học!

Sau 3 tháng chia tách địa giới hành chính của Tân Bình và Bình Chánh, bộ máy hành chính của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể của 4 quận mới đã cố gắng hoạt động bình thường. Nhưng khi nhận trách nhiệm, lãnh đạo các quận, huyện mới đã nhận ra nhiều khó khăn hơn so với dự tính ban đầu. Đó là nhiều phường, xã sau khi tách bỗng nhiên không có trường lớp. Hàng ngàn học sinh có nguy cơ không có chỗ học.

15.6079

Thiếu trường lớp, thiếu cả thầy cô...!

“Nhiều người ngạc nhiên đặt câu hỏi: Bình thường không kêu thiếu nhưng khi tách quận bỗng nhiên thiếu nhiều quá vậy?”. Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú bày tỏ: Thật ra lúc quận Tân Bình cũ chưa tách, tình hình trường sở cũng khó khăn nhưng có thể “san qua sẻ lại”. Bây giờ, quận tách, phường cũng tách, trường lớp thiếu đến chóng mặt. Theo tính toán, 3 phường của quận Tân Phú thiếu trường mầm non, 1 phường thiếu trường tiểu học, 4 phường thiếu trường trung học cơ sở (THCS). Còn ở quận Tân Bình mới, mặc dù số lượng trường lớp gấp 2 lần so với Tân Phú, nhưng tình hình cũng không khả quan hơn: phường 15 chưa có trường mầm non, phường 1, 3, 4, 10, 14, 15 không có trường THCS. Tương tự, quận Bình Tân có 6/10 phường không có trường THCS, 2 phường thiếu trường mầm non, 3 phường không có trường tiểu học. Huyện Bình Chánh tình hình khá hơn, chỉ còn xã Tân Nhựt không có trường THCS.

Không chỉ cơ sở vật chất trường lớp gặp khó khăn mà đội ngũ nhân sự của 4 quận, huyện mới cũng bị biến động. Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: Các trường có nhân sự được điều chuyển đi, ban giám hiệu phải bố trí giáo viên choàng gánh cho nhau. Quận Bình Tân hiện còn thiếu 14 giáo viên tiểu học, THCS thiếu 45, một số trường còn thiếu cả hiệu trưởng hoặc hiệu phó. Do đó, 4 quận, huyện mới đã lên kế hoạch xin Sở GD-ĐT phân bổ nhân sự gấp để đảm bảo yêu cầu giảng dạy. Sau khi tách quận, huyện, ngoài nỗi lo thiếu trường lớp, giáo viên, kinh phí được cấp không đủ cũng làm hoạt động chuyên môn của 4 đơn vị GD-ĐT mới gặp hạn chế. Vì thế, quận Tân Bình đang xin ngân sách TP cấp thêm 6,3 tỷ đồng. 3 quận, huyện còn lại cũng xin được cấp thêm kinh phí để phân bổ cho các trường mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học, sửa chữa nhỏ, trả lương… Nhưng, theo Sở GD-ĐT, khả năng các đơn vị này được duyệt 100% rất khó vì ngân sách năm 2004 đã phân bổ hết rồi…

Năm học mới các em học ở đâu ?

Lãnh đạo 4 quận, huyện mới rất lo lắng: Với tình hình trường lớp thiếu thốn như hiện nay, trong năm học tới, các quận, huyện không đủ chỗ phân bổ HS.

Dự kiến số HS lớp 5 Tân Bình ra trường vào lớp 6 là 6.412 em, trong khi đó số HS lớp 9 ra trường chỉ có 4.983 em. Mức chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra là gần 1.500, nhưng chưa có trường cấp 2 nào được xây dựng. Lại thêm Trường Tiểu học Tân Trụ, mầm non 11 đang xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập vào bất kỳ lúc nào. Ở quận Tân Phú, “đầu vào” lớp 1 nhiều hơn “đầu ra” lớp 5 đến 1.600 HS. Bậc THCS chưa biết bố trí 1.000 em ở đâu. Bậc THPT, Trường Trần Phú và Tân Bình chỉ có khả năng tiếp nhận 1.800 HS lớp 10, dự kiến 900 HS không có chỗ học. Trong khi đó, năm học 2004 – 2005, quận Tân Phú dự kiến đưa vào sử dụng trường TH Tân Hương và THCS Lê Anh Xuân. Thế nhưng, Trường THCS Lê Anh Xuân chưa được ghi vốn, nên có nhiều khả năng không kịp đưa vào hoạt động trong năm học tới. Số lượng trường lớp hiện tại của Tân Phú chỉ đáp ứng 50% - 60% nhu cầu HS ở mầm non, 84% ở tiểu học và 64% ở THCS.

Đối với quận Bình Tân, dân nhập cư khá đông, phải có 570 phòng học để đáp ứng nhu cầu của 20.000 HS tiểu học, nhưng hiện nay tiểu học chỉ có 193 phòng học. Dự kiến sẽ xây mới thêm 76 phòng học nữa trong năm 2004, nhưng vẫn còn thiếu 377 phòng học so với nhu cầu. Theo tốc độ gia tăng dân số cơ học, quận cần phải có thêm 5 trường THCS với 150 phòng học mới giải quyết chỗ học

Với thực trạng trường lớp như trên, các phòng GD-ĐT như đang ngồi trên lửa. Bởi, để có một ngôi trường mới đưa vào sử dụng, từ lúc dự án được lập cho đến lúc hoàn thành, sớm nhất cũng phải mất 5 năm.

Quận mới: đất đâu để xây trường?

Sau khi chia tách, Tân Bình mới và Bình Tân có được “của hồi môn” khá tốt: có trường điểm, trường chuẩn quốc gia, mặt bằng chất lượng giáo dục cao hơn trước khi tách. Tuy nhiên, điểm bất lợi là nhiều trường lớp nhỏ hẹp, nguyên là nhà ở cải tạo lại nên tình trạng xuống cấp nhanh. Chỉ có thể cải tạo, xây mới chứ khó mở rộng diện tích. Riêng quận Bình Tân, theo tính toán của ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận, tổng diện tích các trường ở các bậc học cộng lại cũng chưa đầy 10 ha, tỉ lệ thấp nhất TP. Động đến đất nào cũng vướng giải tỏa, đền bù. Trong khi đó, Tân Phú, Bình Chánh, chất lượng giáo dục của các trường trong quận còn thấp so với mặt bằng chung của Tân Bình, Bình Tân. Cả 2 chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia, chưa có trường trọng điểm, số lượng dân tạm trú quá đông, đa số là dân lao động nghèo. “Niềm an ủi” của Tân Phú, Bình Chánh là nhiều giáo viên trẻ, năng động.

Ngành GD-ĐT của Tân Bình và Bình Chánh cũ trải qua quãng thời gian gần 30 năm xây dựng và phát triển. “Di sản quá khứ” đang đè nặng lên vai 4 quận, huyện. Nỗ lực như thế nào để mặt bằng chất lượng giáo dục không thụt lùi, và phải vượt lên thành quả của những tháng năm trước vẫn là bài toán đặt ra cho các đơn vị.

S.G.G.P
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]