Hàng nông sản, thực phẩm không được bán dọc đường

Các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau củ quả tươi hoặc đông lạnh chỉ được bán tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi

0

Chiều 10- 8, Sở Công Thương TPHCM tổ chức họp báo về việc triển khai Quyết định 64 của UBND TPHCM về việc phê duyệt quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP.


Chú trọng an toàn thực phẩm


Ông Trương Trung Việt, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết cách nay 10 năm, TP đã có chủ trương di dời các chợ nông sản, thực phẩm ra 3 chợ đầu mối. Nay 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn đã trở thành chợ văn minh, cơ bản giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với số lượng hàng hóa chiếm trên 80%.

Ba chợ này sẽ tiếp tục hoàn thiện sàn giao dịch hàng hóa, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất nhập khẩu hàng hóa. Việc cấm buôn bán hàng nông sản, thực phẩm bất cứ hình thức nào tại các tuyến đường là cần thiết.


Cũng theo ông Việt, vấn đề này không mới, TP đã có chủ trương từ khá lâu nhưng vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm lần này không ngoài mục đích để đẩy mạnh hơn công tác chấn chỉnh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.


Sau ngày 10-8, tại TPHCM hàng nông sản, thực phẩm không được bán dọc đường. Ảnh: H.THÚY


Cách nay 5 năm TP cũng đã có Chỉ thị số 13 về việc không cho buôn bán lòng lề đường, nhiều địa phương đã nỗ lực thực hiện dọn dẹp nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Dọn nơi này, nơi khác mọc lên, thậm chí khi lực lượng kiểm tra rút đi thì buôn bán lấn chiếm lại tái diễn.

Chưa kể Quyết định số 2987/QĐ-UB (ký ngày 4-8-2003) của UBND TPHCM, quy hoạch các tuyến đường tại các quận 1, 5, 6, 8, Thủ Đức và huyện Hóc Môn không được kinh doanh nông sản, thực phẩm. Quyết định 64 lần này nhằm điều chỉnh Quyết định 2987 cho phù hợp với tình hình thực tế.


Việc cấm buôn bán lòng lề đường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân trong khu vực dân cư, cũng như tại các khu công nghiệp (có nhiều công nhân). Vấn đề này được Sở Công Thương giải thích là do quy hoạch thiếu đồng bộ. Do đó TP cũng đã chấn chỉnh bằng việc quy hoạch phát triển hệ thống chợ- siêu thị- trung tâm thương mại giai đoạn 2009- 2015, để bố trí hệ thống bán lẻ đều khắp các quận huyện.


Ông Việt cho biết từ ngày 10-8, các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý. Còn các hộ có đăng ký kinh doanh, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được phép buôn bán bình thường. Đối với cửa hàng tiện ích, phải bảo đảm về cơ sở vật chất kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận.


Muốn buôn bán phải đăng ký


Theo Sở Công Thương TPHCM những người buôn bán trái phép (buôn bán lấn chiếm lòng lề đường) chỉ chiếm từ 10%-15% trong hệ thống phân phối hàng nông sản, thực phẩm, nhưng ảnh hưởng nhiều đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, môi trường. TP chỉ  sắp xếp lại chứ không có chế độ, chính sách hỗ trợ.


Hộ cá thể có nhu cầu kinh doanh nông sản, thực phẩm có thể đến UBND quận huyện để đăng ký kinh doanh (doanh nghiệp đăng ký ở Sở Kế hoạch – Đầu tư). Đối với giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ do Sở Y tế kết hợp với Sở NN-PTNT kiểm tra đến từng quầy sạp để cấp giấy.

Việc kiểm tra, giám sát tình trạng buôn bán trái phép là do UBND các quận huyện thực hiện. Bước đầu chủ yếu là nhắc nhở, tuyên truyền giáo dục. Quá lắm thì mới xử phạt. Quy hoạch chỉ mang tính định hướng, còn việc làm cụ thể thì do UBND các quận huyện thực hiện sao cho phù hợp với quy hoạch kinh tế- xã hội cũng như điều kiện của địa phương.

NGUYỄN HẢI
15.5981--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]