Hành trang cho nghiệp cứu người

SKĐS - Những xúc cảm này dần sẽ qua đi nhưng sẽ là hành trang để một người bác sĩ có tâm với nghề phấn đấu nhiều hơn trong nghiệp cứu người của mình! 

15.6079

Không như hàng ngày tôi được nhìn thấy cô trong bộ blouse trắng với khuôn mặt luôn rạng ngời và đôi môi nở nụ cười tươi tắn - nụ cười ấy, khuôn mặt ấy đã làm ấm lòng bao người bệnh khi họ đang mang trong mình bệnh tật, thậm chí là đang đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Khoa cấp cứu tại các bệnh viện luôn dồn nén nhiều cảm xúc

Hôm nay, nhìn cô khác với mọi ngày, khuôn mặt cô bơ phờ, mắt cô rưng rưng như đang muốn tuôn trào dòng lệ, để bớt đi những cảm xúc đang chất chứa trong lòng. Cảm xúc của một bác sĩ trẻ nhìn thấy tình trạng bệnh nhân xấu đi trước mắt mình mà không thể làm gì được.

Tốt nghiệp bác sĩ ra trường, cô được nhận vào làm tại một viện thuộc quận nội thành Hà Nội. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết trong công việc, cô luôn được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu quý. Bệnh nhân mà cô tiếp nhận lần này đã ngoài 80 tuổi với tiền sử bị suy tim độ IV, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhiều năm và căn bệnh ung thư bàng quang giai đoạn cuối. Lần này, bệnh nhân vào viện với lý do khó thở, ho và sốt 39 độ. Nghe phổi bệnh nhân có nhiều tiếng rít, Xquang tim phổi có hình ảnh kén khí vùng đáy phổi phải. Qua thăm khám và làm thêm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán đợt cấp COPD trên bệnh nhân suy tim độ IV, ung thư bàng quang giai đoạn cuối. Là một trong các bệnh nhân nặng của khoa nên cô (là bác sĩ phụ trách) phải theo dõi sát. Sau gần 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã cắt sốt, tình trạng khó thở cũng giảm hơn. Tuy vậy, bệnh nhân này tiên lượng nặng, kén khí ở phổi có thể vỡ bất kỳ lúc nào gây tràn khí màng phổi mà thể trạng hiện tại của ông không có chỉ định chọc hút kén khí.

Hôm qua là ngày cô trực, khi đi buồng buổi chiều, trong tiếng thều thào, chậm rãi, ông còn nói với cô: “Bác sĩ vất vả vì tôi quá, bệnh của tôi có chữa được không bác sĩ? Tôi sống ngần này tuổi rồi cũng không có gì hối tiếc, chỉ thương bà nhà tôi, bà ấy cũng đau ốm nhiều lắm, tôi có ra đi chắc bà ấy sẽ suy sụp rồi bệnh lại nặng thêm”. Cô vừa động viên, vừa trấn an tinh thần để ông yên tâm điều trị, bàn tay cô nắm lấy đôi tay gầy guộc đang truyền dịch của ông như để tiếp thêm sức mạnh.

21 giờ 30 phút, sau khi đi xem tình hình bệnh nhân cả khoa một đợt, thấy mọi việc đều ổn, cô về phòng giao ban hoàn thiện các bệnh án mới vào trong ngày. Một lát sau, điều dưỡng vào báo cáo bệnh nhân Sinh lên cơn khó thở, theo phản xạ, cô bật dậy chạy sang, Sp02 của ông dưới 80%, vừa ra y lệnh cho điều dưỡng chuẩn bị dụng cụ chọc hút khí cô vừa cho chụp Xquang tim phổi cho ông ngay tại giường bệnh. Đúng như cô dự đoán, kết quả chụp Xquang có hình ảnh tràn khí màng phổi, nguyên nhân suy hô hấp của ông là do vỡ kén khí ở phổi gây tràn khí. Cô nhanh chóng tiến hành chọc hút khí cho ông, một lúc sau, tình trạng khó thở và đau ngực của ông giảm nhiều. Từ lúc đó, cả kíp trực thức trắng để theo dõi tình trạng của ông, cho đến 6 giờ sáng, một cơn đau thắt ngực do nhồi máu cơ tim cấp làm ông suy sụp hẳn. Dù cô đã cố gắng hết sức và dùng các can thiệp cũng như hội chẩn đầy đủ nhưng tình trạng của ông không tiến triển tốt hơn. Nhìn ông đuối sức dần, đuối sức dần mà cô thấy mình bất lực quá. Giá như cô có thể làm được gì đó giữa những máy móc cấp cứu đang đầy trên người ông. Đây không phải là lần đầu tiên cô phải chứng kiến bệnh nhân tử vong nhưng với ông, cô có cảm giác gì đó rất lạ. Vợ ông - người đàn bà đã cùng ông chung sống trọn một đời, hôm nay lại lặng lẽ tiễn ông ra đi. Những giọt nước mắt không thể nói hết xúc cảm chất chứa, bà không khóc như những người khác, mắt bà chỉ đỏ hơn thường ngày, đứng cạnh ông hồi lâu, bà nắm tay ông như để ông yên lòng ra đi...

Là một người đồng nghiệp cũng là một người bạn, tôi hiểu những cảm xúc của cô lúc này. Cuộc sống không tránh khỏi những lúc phải đối mặt với sinh ly tử biệt, nhất là khi chúng ta đã chọn ngành y làm nghiệp, điều quan trọng là mình đã làm hết sức để mọi chuyện có thể tốt hơn. Tôi biết cô là một người mạnh mẽ và luôn hết lòng vì công việc, những xúc cảm này dần sẽ qua đi nhưng sẽ là hành trang để một người bác sĩ có tâm với nghề phấn đấu nhiều hơn trong nghiệp cứu người của mình! 

BS. Nguyễn Thị Hương

 

Viêm Xoang
Viêm xoang ở trẻ
(cập nhật liên tục)
Trẻ viêm xoang và cách xử trí

 

Y đức đạo lý
Diễn đàn Y đức Đạo lý
(cập nhật liên tục)
Xem toàn bộ bài diễn đàn Y đức Đạo lý
  • Là bác sĩ

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]