Hấp dẫn thay miền sông nước Cần Thơ

Bến Ninh Kiều là một nơi du khách hay tìm đến nhất khi có dịp thăm miền sông nước Cần Thơ.

15.6116

Hấp dẫn thay miền sông nước Cần Thơ


Chợ cổ Cần Thơ rất thoáng và vì ở gần sông nên lúc nào cũng mát rượi nhờ những làn gió từ sông thổi vào. Tại một cửa hàng bán áo quần, nữ du khách nước ngoài đã mua chiếc áo dài có in hình trống đồng và nhà sàn với giá chỉ 350.000 đồng. Áo dài và những món đồ lưu niệm như những tượng hình phụ nữ Việt Nam, các con vật đặc trưng của nền văn minh lúa nước như trâu, heo bằng gỗ, tranh sơn mài là những thứ được du khách mua nhiều ở đây.


Làng quê Cần Thơ.
 
Tại một gian hàng bán quần áo, cô bán hàng xởi lởi lấy cho tôi xem rất nhiều áo thun và cố gắng thuyết phục tôi mua. Ở đây cũng bán nhiều đèn lồng lấy từ Hội An về, có những chiếc đèn cao đến 3 tấc. Bên cạnh đó một quầy chuyên bán quần áo may sẵn, các loại khăn thêu trải bàn. Cô bán hàng cho biết khăn trải bàn của cửa hàng được sản xuất tại Hà Nội, do khăn thêu tay đắt hơn khăn thêu máy.

Chợ Cần Thơ được xây dựng vào năm 1915, cùng thời với các ngôi chợ lớn ở Sài Gòn như Bến Thành, Bình Tây. Chợ cổ Cần Thơ là một công trình xây dựng có kiến trúc độc đáo, vừa hiện đại, vừa cổ kính, mặt trước trông ra đường Hàng Dừa, mặt sau là dòng sông Hậu. Chợ được xây cao 20 m, khung sườn bằng xi măng quét vôi trắng, lợp ngói đỏ, bên trong kết cấu chắc chắn.

Ngày trước đây cũng chỉ là một cái chợ bình thường, còn hiện giờ thì chủ yếu bán đồ lưu niệm cho khách du lịch nước ngoài. Có điều, khá nhiều hàng hóa ở đây nhập từ Trung Quốc như nữ trang giả, mắt kiếng, thú nhồi bông, thổ cẩm giả...

Chợ cổ nằm trên đường Hai Bà Trưng gần bến Ninh Kiều. Bến Ninh Kiều là nơi du khách hay tìm đến nhất khi có dịp thăm miền sông nước Cần Thơ. Có 2 câu thơ nói về nơi này như sau: Cần Thơ có bến Ninh Kiều. Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân.
 
Ngày xưa, đây là một bến sông tấp nập tàu bè; từ đó tỏa ra khắp miền Tây Nam bộ, lên cả đất Sài Gòn. Nơi đó còn có hàng cây dương nên còn được gọi là bến Hàng Dương.

Bây giờ là giữa trưa nhưng thời tiết khá dễ chịu, trời dịu mát, đường phố vắng vẻ. Tôi đi dọc bờ sông, ngang bến tàu du lịch Ninh Kiều 1. Nhiều người mời gọi đi tàu tham quan cầu Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng, vườn trái cây. Giá vé tàu đến 300.000 đồng. Thấy tôi chê đắt, cô lái đò Phan Thị Thanh Hương gợi ý lấy 150.000 đồng nhưng chỉ đến cầu Cần Thơ là quay về.

Những người buôn bán ở đây khá thoải mái, họ không đeo bám, cũng không hề tỏ ra khó chịu khi khách chỉ hỏi mà không mua hàng hay dịch vụ của họ.

Ở bến còn có tàu cho nguyên gia đình thuê để ăn uống trên đó và tàu chở khách sang khu du lịch Victoria miễn phí. Nếu muốn tham quan cồn Ấu, có tàu khác, giá vé 80.000 đồng/người. Trên cồn, khách có thể nghe đờn ca tài tử hay thưởng thức các món ăn sông nước miệt vườn.

Rời bến tàu, tôi đi dạo dọc khu Ninh Kiều. Dọc theo bờ sông là một công viên lớn với hàng dương thẳng tắp. Bên cạnh hàng dương cứng cáp là thảm cỏ mềm mại, xanh mướt và một hàng cây cảnh được cắt tỉa cẩn thận. Năm 2009, thành phố Cần Thơ đã triển khai đề án xây dựng tuyến phố đi bộ, khu ẩm thực, chợ đêm và bán đồ lưu niệm tại khu vực bến Ninh Kiều. Phố đi bộ là đường Hai Bà Trưng, bắt đầu từ khách sạn Quốc tế đến Chợ Cổ. Thời gian hoạt động của phố đi bộ là từ 6 giờ chiều ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau.

Du khách đến Ninh Kiều cũng thường vào thăm một ngôi chùa nhỏ nổi tiếng do người Hoa xây dựng với tên thường gọi là chùa Ông do thờ Quan Công ở chính điện. Chùa Ông có tên gốc tiếng Hán là Quảng Triệu Hội Quán, vốn là hội quán của một nhóm người Hoa di cư đến đây vào thế kỷ XVII-XVIII. Chùa được xây dựng năm 1894 và tồn tại cho đến ngày nay với kiến trúc hầu như còn nguyên vẹn từ hình dáng bên ngoài đến nội điện. Những năm gần đây chùa luôn bị ngập sâu mỗi khi triều cường dâng cao mùa lũ.

Chùa Ông là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia được Bộ Văn hóa xếp hạng năm 1993. Lễ hội tiêu biểu nhất của chùa Ông là Lễ đấu đèn, nhằm tạo thêm một sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại địa phương, vừa quyên góp tiền giúp các cơ sở từ thiện, xây nghĩa trang, trường học, giúp đỡ trẻ mồ côi ở Cần Thơ.

Trong khi thăm chùa, tôi cũng được anh Vương Chiếu Vỹ làm công quả tại đây đã 6 năm, giới thiệu thêm đôi nét về chùa. Khi được hỏi anh làm công quả trong chùa có cầu điều gì không, anh cho biết mình làm việc này cũng chỉ mong muốn góp chút công sức cho nhà chùa. Anh không cầu mong tiền bạc vì, theo anh, tiền đi với tài nhưng đồng tiền cũng phải xứng đáng với cái tài và cái tâm của mình chứ không phải cứ cầu là được. Có tài và có đức thì đồng tiền mình nhận được mới xứng đáng.

Trong Lễ đấu đèn, cá nhân hay tổ chức sẽ tham gia đấu giá mua đèn lồng. Tất cả các đèn lồng đều được treo theo thứ tự giá khởi điểm từ thấp đến cao. Người Hoa quan niệm đấu được đèn là vinh dự cho mình, gia đình, cho cả làng xóm và khi đấu được đèn, rước đèn về nhà sẽ gặp may mắn, bình an, làm ăn phát đạt. Vào những dịp lễ Tết, Ban Quản trị chùa Ông còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như múa lân sư rồng, thi hát dân ca, hát tuồng.

nhipcaudautu
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]