Báo Pháp Luật TP.HCM số Chủ nhật 11-1-2015 đã đăng bài gây được sự chú ý của độc giả, đồng thời tạo nên một diễn đàn tranh luận khá sôi nổi về nhiều vấn đề của cải lương hôm nay. NSND, đạo diễn Trần Ngọc Giàu cùng góp tiếng nói ở góc độ tân giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - bộ mặt của thủ phủ cải lương Sài Gòn cũng như cải lương cả nước.

Sau thế hệ Thanh Sang, Bạch Tuyết… còn có mấy tên tuổi hút khách?

. Phóng viên: Thưa đạo diễn, ông có ý kiến gì khi vừa qua độc giả nhắc đến vai trò của Nhà hát Trần Hữu Trang đối với đời sống cải lương hiện nay?

+ NSND, đạo diễn Trần Ngọc Giàu: Tôi thấy rằng khán giả vẫn còn thích cải lương nhưng cải lương truyền hình và cải lương ở sàn diễn không thỏa mãn được khán giả. Còn cải lương của Nhà hát Trần Hữu Trang mà trước nay mình nhận tiền nhà nước đưa đi phục vụ thì khán giả hầu như không có nhu cầu xem. Một suất diễn Nhà nước cấp cho có 13 triệu đồng mà phải chi xăng xe chuyên chở âm thanh ánh sáng, cảnh trí, diễn viên, rạp bạt, trả thù lao cho anh em… Khi diễn thì dựng sân khấu ngoài sân bãi, hạn chế chuyện dàn dựng cảnh trí, âm thanh, ánh sáng… giống như là 20-30 năm về trước nên khán giả không chấp nhận.

. Trước đây từng có nhóm Thắp Sáng Niềm Tin của Nhà hát Trần Hữu Trang và nhóm hát của nghệ sĩ Vũ Luân đã làm sáng đèn rạp Trần Hưng Đạo một tuần mấy đêm khiến rạp kẹt lịch diễn. Sắp tới Nhà hát Trần Hữu Trang có làm một đầu tàu tập hợp nhiều nghệ sĩ tên tuổi về dựng vở như bầu show để khán giả muốn là có cải lương hay để xem, còn sân khấu thì có được sự ổn định, bền vững với nhiều vở diễn sáng đèn dài lâu?

+ Nhóm Thắp Sáng Niềm Tin trước đây xã hội hóa một phần, nhà hát bù lỗ một phần, theo tôi biết là vẫn lỗ. Còn nhóm của Vũ Luân cũng được sự hỗ trợ mướn rạp giá tương đối rẻ mới làm nổi. Nhưng đó là chuyện lúc tôi chưa về nhà hát. Còn bây giờ tôi đặt một bài toán: Sau thế hệ những nghệ sĩ như Thanh Sang, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương… có hào quang để bán vé thì cải lương còn lại bao nhiêu tên tuổi nghệ sĩ hút khách?

Vở cải lương Đả chiến phá sông Ngân - một cố gắng quy tụ nhiều nghệ sĩ ngôi sao làm cải lương hoành tráng, hấp dẫn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: H.BÌNH

Kịch bản mới của cải lương lại chẳng biết tìm đâu ra, lực lượng đạo diễn trẻ cũng không có. Rồi bây giờ chúng tôi mời nghệ sĩ nổi tiếng về dựng vở, vốn ở đâu để làm? Một năm Nhà nước chỉ cho dựng một vở lớn với kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Khi nghệ sĩ tên tuổi về làm vở, lời thì phải nộp lại Nhà nước, lỗ thì nhà hát biết lấy tiền đâu bù? Có thể các anh chị nghệ sĩ vì muốn mình được làm nghề hẳn hoi mà tham gia những vở diễn chuyên nghiệp của nhà hát, không tính chuyện tiền bạc. Nhưng như vậy họ chỉ diễn được vài suất thôi, làm sao kêu họ diễn lâu dài chứ! Với các em diễn viên mới vào nghề mà được khán giả chú ý từ các cuộc thi như Chuông vàng vọng cổ cũng vậy. Có nhiều em đã sắm được xe hơi từ việc đi hát đám ma, đám cưới, đám giỗ, thậm chí là hát trong một cuộc nhậu của các đại gia,với cát sê tiền triệu tới chục triệu đồng hơn thì làm sao mà các em bỏ show đó để về nhà hát!

Tìm đủ đường tự cởi trói

. Nhưng chẳng lẽ Nhà hát Trần Hữu Trang lại thúc thủ, bất lực trước nhiệm vụ làm cải lương chuyên nghiệp sáng đèn, nhất là khi rạp Trần Hưng Đạo mới đang được xây dựng lại hiện đại, khang trang, sắp đưa vào hoạt động?

+ Đây là một vấn đề đau đầu của Nhà hát Trần Hữu Trang nhiều năm qua, tôi có tài thánh cũng không thể giải quyết được ngay khi chưa về nhà hát bao lâu. Nhưng đây lại là trách nhiệm, danh dự của tôi với nhà hát và cũng là trách nhiệm, danh dự của nghệ sĩ cải lương nói chung nên buộc phải làm. Tôi đang cố gắng thu hút một số đạo diễn trẻ từ kịch nói về cộng tác với nhà hát và chuyển thể những kịch bản kịch nói ăn khách thành cải lương để tạo nguồn nhân lực tương lai, tìm cái mới cho cải lương. Tôi đang làm việc với một số anh chị nghệ sĩ lớn tuổi như Chí Tâm, Phượng Liên… để thực hiện những chương trình về họ tại Nhà hát Trần Hưng Đạo mới. Những vở diễn tên tuổi của nhà hát như Kiều Nguyệt Nga, Thái hậu Dương Vân Nga, Nàng Xê Đa, Hòn đảo Thần Vệ Nữ…; những kịch bản của soạn giả mang tên Nhà hát Trần Hữu Trang như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt… sẽ được phục dựng. Tôi cũng giao cho các đoàn hát phải lên kế hoạch làm vở diễn và tự chịu trách nhiệm thu chi cho mình, có thể là góp vốn cùng làm, để các đoàn phải tính cách bán được vé. Tôi chủ trương sáng đèn, lấy lại niềm tin của khán giả cho nên dù bán được một vé cũng phải sáng đèn và thu bao nhiêu thì chia bấy nhiêu nhưng lương hậu đài thì phải có mức sàn và chỉ được lên chứ không được xuống. Mỗi năm ít nhất nhà hát phải có một vở lớn đầu tư hoành tráng để khẳng định đẳng cấp, nghề nghiệp.

. Muốn làm vậy phải có nguồn kinh phí đủ mạnh. Ông lấy ở đâu ra?

+ Để có nguồn kinh phí, tôi xin khai thác giờ trống của nhà hát cho thuê rạp, làm cà phê đờn ca tài tử ở tầng thượng… Tôi cũng xin cơ quan quản lý tự tìm nguồn diễn viên tương lai cho nhà hát bằng cách thấy bất cứ em nhỏ nào 15-16 tuổi trở lên mà có giọng ca hay là mang về nhà hát đào tạo kiểu truyền nghề liền chứ không cần phải có trình độ học vấn hay thế này thế kia. Thực tế cho thấy các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng trước nay đều thành danh từ con đường truyền nghề chứ không phải con đường trường lớp. Vở diễn, tuồng tích tôi cũng xin làm vở dễ xem có tính nhân văn, tình cảm chứ không nặng tính tuyên truyền cổ động. Về mặt bộ máy, tôi cũng xin kiện toàn lại, tuyển thêm người làm được việc và cho thôi việc những người chỉ ngồi đó nhận lương.

. Xin cám ơn ông.

HÒA BÌNH thực hiện

“Cách tân không phải là làm mất đi bản sắc cải lương”

Nhiều độc giả đã có ý kiến khá gay gắt về chuyện cách tân cải lương. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết ý kiến của ông về việc này: “Chuyện cách tân được cái gì, không được cái gì là do các nhà chuyên môn về lý luận phê bình tổng kết. Còn tôi không chủ trương cách tân cải lương. Quan điểm của tôi là sân khấu cải lương chỉ cần có giọng ca đẹp, cốt truyện hay, sân khấu trang trọng với âm thanh, ánh sáng, cảnh trí chỉn chu trong một khán phòng không thể quá lớn, chỉ dưới 1.000 khán giả là lý tưởng. Trước khi làm mới, cách tân cải lương thì phải biết cải lương là cái gì đã. Làm khác đi không phải là làm mới. Cải lương chấp nhận dung nạp nhiều thứ nhưng phải là những thứ gì cộng hưởng với nó để nó vẫn chính là nó chứ không phải những thứ làm mất bản sắc cải lương đi”.


Video đang được xem nhiều