Hậu "Cơn bão đầu tư Hàn Quốc": Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực

Giadinh.net - Theo nguồn tin từ Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ vào ngày 11/12/2007 cho biết, đơn vị này vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ về sự việc 4000 công nhân của Công ty TNHH Seshin Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đình công vào ngày 4-5/12.

15.6219

Văn bản này nêu rõ nguyên nhân bức xúc của hàng nghìn công nhân, trước cách hành xử chưa phù hợp pháp luật của lãnh đạo Công ty và đề nghị giải quyết nhanh chóng những kiến nghị hợp lý của người lao động.

Đói ăn, đói việc..           

Trong văn bản nói trên, Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ đã nêu rõ hàng loạt những bức xúc của người lao động và những tồn tại chưa được giải quyết thoả đáng của doanh nghiệp trên.

Cụ thể như việc 4000 công nhân yêu cầu lãnh đạo Công ty TNHH Seshin Việt Nam giải quyết những yêu cầu của công nhân: Công ty hỗ trợ 100% suất ăn ca; có phương án điều chỉnh để bù hệ số trượt giá; thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm số lượng cũng như chất lượng bữa ăn; thanh toán dứt điểm tiền phép năm 2006 và 2007; chế độ làm việc đối với người lao động trong môi trường độc hại...

Tin bài liên quan

Bài 1:
Bài 2:
Bài 3:
Bài 4:
Bài 5:
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó bữa ăn ca của công nhân rất đạm bạc, thiếu chất (có thể nói là tồi tệ) nhiều công nhân không thể ăn nổi. Một công nhân (xin được giấu tên) nói: Với suất ăn như hiện nay, công nhân không thể đủ sức làm 8 tiếng/ngày chứ đừng nói là làm thêm giờ. Nhiều người có nguy cơ ngã gục trên các máy móc đang vận hành. Trong khi đó, công ty bố trí chế độ một tuần làm ca ngày và một tuần làm ca đêm. Điều này gây tổn thất rất lớn cho sức khoẻ  công nhân Việt Nam.

Trước đó, Sở LĐ-TB&XH đã phải có nhiều văn bản báo cáo UBND tỉnh tình hình giải quyết việc đình công của công nhân, của hàng loạt công ty Hàn Quốc. Trong các văn bản này, lãnh đạo Sở đã khẳng định nhiều sai phạm của các công ty trên như: Không chấp hành Luật Lao động; không trả lương theo quy định, chưa xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế nâng lương và đăng ký theo quy định của pháp luật; sa thải vô lý người lao động... Nhiều cán bộ Sở LĐ-TB&XH đánh giá, nếu các công ty Hàn Quốc vẫn không chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam thì nguy cơ phát sinh những tiêu cực như đình công, lãn công, khiếu kiện... vẫn tiếp tục xảy ra.

... và đối xử tệ bạc

Thực tế, trước đây tại khu công nghiệp Thụy Vân và các khu công nghiệp khác trong tỉnh Phú Thọ đã từng xảy ra nhiều cuộc đình công, phản ứng tập thể đòi quyền lợi của người lao động. Riêng tại các công ty 100% vốn Hàn Quốc có 6 cuộc gồm: Công ty HongMyung Việt Nam, Công ty Jeill Việt Nam, Công ty TNHH Vividco, Công ty TNHH Tasco Polycon, Công ty TNHH Dongkuk Việt Nam, Công ty TNHH YAKJIL Việt Nam. Số lượng công nhân tham gia đình công lên tới gần một vạn lượt người. Nguyên nhân chủ yếu do giới chủ chưa thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, BHXH, BHYT và những quyền lợi hợp pháp khác của người lao động. 

Thêm vào đó, cách hành xử kỳ lạ của giới chủ doanh nghiệp đã từng gây ra phản ứng rất gay gắt trong công nhân. Cụ thể là tại Công ty HongMyung Việt Nam (hiện đã bị bán cho doanh nghiệp khác): Khi công ty này gặp khó khăn vì không còn đơn hàng, việc này khiến cho doanh nghiệp phải giảm số công nhân khoảng 200 người. Thế nhưng, để kéo giảm lao động thì Công ty không áp dụng các quy định của Bộ luật Lao động mà áp dụng biện pháp gắp phiếu, cụ thể là: Công ty lập phiếu theo danh sách tất cả số lao động đã hết hạn hợp đồng lao động 459 người trừ các đối tượng (công nhân xuất sắc công ty có nhu cầu sử dụng 23 người; lao động nữ đang nghỉ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi 57 người; lao động vi phạm kỷ luật lao động 31 người), số lao động còn lại Công ty lập phiếu, đồng thời giao cho trưởng ca tổ chức gắp phiếu theo số lượng Công ty ấn định. Người mang số phiếu trưởng ca gắp được là người được tái ký hợp đồng lao động, số còn lại không tái ký hợp đồng lao động. Trong số người đen đủi khi ấy có một công nhân đang mang thai 6 tháng.

Trở lại với cuộc đình công ngày 5/12, nhiều công nhân truyền tay nhau tờ báo GĐ&XH đăng loạt bài “Hậu cơn bão đầu tư Hàn Quốc ở Phú Thọ”. Cũng phải đến lúc này, người lao động mới hiểu được rằng cả một chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh không đạt hiệu quả. Và hậu quả là họ phải gánh chịu trực tiếp, cơm không đủ ăn, đời sống càng lúc càng nghèo nàn.

Trong số này, chị Lê Thị Minh Khuyến, công nhân Công ty TNHH công nghiệp Tasco đã gửi thư đến Báo GĐ&XH. Chị cho biết:

“Từ năm 2005 đến nay, Công ty hoạt động kém, công nhân không có việc đều, lương chậm, công nhân cũng không được đóng bảo hiểm nữa, nhưng khi lĩnh lương vẫn bị trừ tiền bảo hiểm. Từ tháng 4 đến nay toàn bộ tiền lương cũng không trả, trong khi đó, lúc làm việc người lao động có khi phải làm mỗi ngày lên tới 14 tiếng”. Được biết số lương này, Công ty Tasco còn nợ và có nguy cơ người lao động sẽ bị... quỵt, vì công ty đã phá sản.

Những tồn tại của khu công nghiệp Thụy Vân nói riêng, các khu công nghiệp khác nói chung cho thấy chưa bao giờ việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động ở đây lại cần phải được đặt lên hàng đầu như hiện nay.

Ngọc Tước

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]