Hậu quả của việc yêu con không đúng cách

Tự lấy thức ăn, tự cầm đũa, thay quần áo, mang giày,... tất cả những điều đó bé Anh Duy vẫn không làm được mặc dù đã học đến lớp 3. Đó là hậu quả nuông chiều con từ nhỏ của chị Hiền (nhà ở Quận 2, TP.HCM).

15.5977
Mẹ làm trợ tá quá đắc lực

Lúc bé Duy mới được vài tháng, hai vợ chồng chị Hiền có chuyện nên li dị. Nghĩ rằng đứa trẻ thiếu sự dạy dỗ, nương tựa của cha, chị vừa làm mẹ vừa làm cha để bù đắp.

Mặc dù là con trai, nhưng bé Duy lớn lên như nàng công chúa. Ăn cơm, có mẹ đút, lấy thức ăn mẹ lấy, áo quần mẹ thay cho, giày mẹ cũng mang vào chân... Năm Duy lên lớp 1, chị Hiền vẫn đánh răng, rửa mặt, lau chùi, soạn cặp, pha sữa... cho con và đưa đón từng ngày.

Năm Duy học lớp 3, nhà có thêm một người vào ở, đó là em gái của chị Hiền. Từ khi có em gái vào ở và trò chuyện, chị Hiền bỗng nhận ra con trai mình thực sự có vấn đề so với những đứa trẻ khác: Không biết tự chăm sóc bản thân từ những việc nhỏ nhất, tính tình nhút nhát, thiếu tự tin khi nói chuyện với bạn bè vì chị luôn giữ con bên mình.
 
Hãy để trẻ tự học và làm mọi việc.
 
Lúc gặp chúng tôi, bé Anh Duy vẫn loay hoay không biết làm thế nào để ăn món khoai tây chiên. Chị Hiền phải hướng dẫn từ cách cầm nĩa, khoai tây phải chấm với tương ớt...

“Tôi hối hận vì hơn 8 năm nay đã không nuôi dạy nó đúng cách. Mấy tháng vừa rồi, tôi phải cố gắng dạy nó dần dần từng việc một, rồi mang nó đến sinh hoạt ở nhà thiếu nhi, tham gia CLB, đội nhóm để nó năng động, tự tin hơn. Tôi không biết còn cách nào khác để giúp cháu nữa hay không?” - chị Hiền tâm sự.

Tuy nhiên, theo lời chị kể, bản thân bé Duy lại có suy nghĩ rất độc lập. Khi cô giáo cho bài tập về nhà là “Ba + mẹ = ?”, hầu hết các bạn khác đều ghi là “con” như lời cô dạy. Riêng Duy lại viết là: “Dì + mẹ = con”.

“Vậy mới biết tôi đã không phát huy được tính độc lập của con lại còn hại con” - chị bày tỏ.

Còn anh Phú, có con gái năm nay 10 tuổi. Anh luôn cố gắng cho con tự làm mọi việc. Vì theo anh, con tự làm những việc nhỏ nhặt được sau này lớn lên sẽ có tính tự giác tốt.

Thế nhưng, mỗi lần anh bắt con làm gì, vợ anh lại ngăn cản và làm thay con. Anh Phú bức xúc: “Thế là con gái đã không có tính tự giác đã đành, nó còn về phe mẹ nó để chống đối với tôi”.

Học yêu con

Tại tọa đàm “Dạy con tính tự giác: Bước đầu làm chủ bản thân” do Trường Quản trị cuộc đời LIMA tổ chức tại TP.HCM ngày 6/3, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến cáo và giải pháp cho những tình trạng tương tự như tình huống của chị Hiền và anh Phú.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết, ngay từ bé nếu bố mẹ không tự tin khi để con cái làm mọi việc mà làm giùm sẽ khiến các em thiếu tự tin vào bản thân và các em không học được tính tự lập. Khi các em không tin vào chính mình thì không thể có khả năng tự chủ trong công việc. Từ đó, các em khó có tinh thần tự lập cho cuộc đời mình.

Ông cho rằng việc tập cho trẻ có những hành động tự giác ngay từ nhỏ, phù hợp nhất là khi các em lên 3 tuổi. Cho các em làm những việc nhỏ chính là biện pháp tốt nhất để gieo vào tâm hồn các em ý thức sự tự chủ trong mọi hành vi ứng xử sau này.

Những trò chơi như “mèo con rửa mặt”, “thỏ mặc quần áo nhanh” hoặc “Xem ai nhanh hơn”... là những cách tạo tính tự giác cho trẻ. Vì khi học, các em thấy hứng thú như chơi trò chơi. Tránh ép buộc vì trẻ sẽ chán và không thích.

Để trẻ tham gia vào công việc nhà còn giúp trẻ có trách nhiệm với gia đình. Nhiều phụ huynh khi thấy con làm vụng về, chậm chạp... thường can thiệp để đỡ mất thời gian, nhưng đó lại là điều nên tránh.

Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng khuyên phụ huynh nên quan tâm tới trẻ để phát hiện những dấu hiệu tích cực ở trẻ và động viên phát huy nó. Không la mắng, chê bai khi trẻ chưa làm được.

Bà nói thêm: Trong quá trình dạy dỗ con cái, ba và mẹ nên có sự đồng thuận. Nguyên tắc ở đây là không đối kháng trước mặt con.

“Nếu lúc con còn nhỏ, ba mẹ không cho con trả giá, thì lớn lên, cái giá con cái phải trả còn lớn hơn. Có trả giá thì trẻ mới khôn lớn được” - Bà Giồng nhấn mạnh.

Theo VietNamNet

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]