Hậu quả từ cách làm dễ dãi

(ANTĐ) - Người tiêu dùng đến nay vẫn chưa hết “rùng mình” trước những lô hàng thịt, nội tạng đông lạnh “ngoại” không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hết hạn sử dụng liên tiếp bị phát hiện.

0

Hậu quả từ cách làm dễ dãi

(ANTĐ) - Người tiêu dùng đến nay vẫn chưa hết “rùng mình” trước những lô hàng thịt, nội tạng đông lạnh “ngoại” không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hết hạn sử dụng liên tiếp bị phát hiện.

Đến lúc này, khi số lượng các vụ việc bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện ngày một tăng, tất thảy mới giật mình nhìn lại, phải chăng, từ trước tới nay, vấn đề kiểm soát thịt “ngoại”, nội tạng động vật “ngoại” của chúng ta còn buông lỏng? Việc cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu còn dễ dãi? Mấy năm gần đây, lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam ngày một tăng ồ ạt, trong khi, một số cơ quan quản lý vẫn đinh ninh cho rằng, lượng thịt Việt Nam nhập khẩu rất ít, không đáng kể!

Song, thực tế diễn ra dường như trái ngược, bởi, tính riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ đã có trên 60 doanh nghiệp nhập khẩu, các tỉnh phía Bắc có khoảng 33 doanh nghiệp. Tuy nhiên trong số này chỉ có vài doanh nghiệp là có ngành nghề kinh doanh chuyên về thực phẩm, còn lại là kinh doanh đa lĩnh vực, vì vậy rất hạn chế trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hệ thống kinh doanh, bảo quản, sơ chế thịt đông lạnh của nhiều doanh nghiệp hiện nay không đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y.

Lượng thịt, nội tạng đông lạnh nhập vào Việt Nam cũng gia tăng theo từng tháng, không chỉ không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn khiến ngành chăn nuôi trong nước gặp khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2009, số lượng thịt đông lạnh nhập khẩu qua cảng TP.HCM và cảng Hải Phòng là 47.800 tấn. Riêng địa bàn TP.HCM tiêu thụ 15 - 20 tấn gia cầm đông lạnh/ngày, thịt heo 35 - 40 tấn/ngày và thịt trâu bò 15 - 20 tấn/ngày... Theo lý giải, một phần do nhu cầu tiêu dùng, phần nữa do mức chênh lệch về giá khá lớn, đã khiến các doanh nghiệp “đua nhau” xin cấp phép nhập khẩu.

Theo thống kê, lượng nội tạng động vật nhập vào Việt Nam khá lớn, song cho đến nay, cả 2  Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế vẫn chưa ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm này.

Để trấn an dư luận và siết chặt đối với  thịt “ngoại”, Cục  Thú y đề nghị áp dụng những biện pháp mạnh tay như: tạm thời ngừng nhập khẩu nội tạng động vật; hàng đông lạnh nhập khẩu phải được gửi tại kho bãi của khu vực cửa khẩu, sau khi có kết quả kiểm dịch mới được phép thông quan hàng hóa chỉ cho phép các doanh nghiệp có đủ điều kiện về bảo quản, sơ chế, đóng gói mới được nhập khẩu... Người tiêu dùng trong nước hy vọng, với lần tuyên chiến này, thịt “bẩn” sẽ không còn đất sống ở Việt Nam.

Ngân Tuyền

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]