Hãy bao dung!

Ngày 13/5/1981, cố đức Giáo hoàng John Paul II bị ám sát ở quảng trường thánh Peter bởi một người Thổ Nhĩ Kỹ có tên là Mehmet Ali Ağca. Tên này bị bắt ngay sau đó với bản án chung thân tại Italy. Nhưng ngay sau khi hồi phục sức khoẻ, cố Giáo hoàng đã tuyên bố với mọi người: 'Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ'.

15.5785

Nguyễn Phương Tiến Anh

Đức Giáo hoàng đã viết thư định gửi cho Ağca: "Tại sao anh lại bắn tôi khi mà cả hai chúng ta đều chung đức tin vào Chúa?" Nhưng thay vì gửi bức thư đó, ông đã đến gặp Ağca. Năm 1983, John Paul II đến thăm Ağca và tha thứ cho việc ám sát ông. Ông còn cầu khẩn nhà cầm quyền ở Italy ân xá cho Ağca. Đức Giáo hoàng đã giữ liên lạc với gia đình của Ağca nhiều năm sau đó và thăm mẹ Ağca năm 1987.

Liều thuốc quý giá nhất giúp những con người lầm đường lạc lối trở nên có nghị lực sống hơn, giúp những người muốn hoàn thiện mình, giúp cho những gì tăm tối trở nên sáng sủa không gì khác đó chính là: lòng bao dung.

Bạn đừng quá ngạc nhiên vì từ khi sinh ra ta đã không được dạy phải tập độ lượng trước tiên mà lòng bao dung chỉ hình thành dần theo ý thức. Đó cũng là bản năng sống. Không một ai muốn sống cho người khác và càng không ai sống vì người khác. Chúng ta cũng là một động vật không hơn kém nhưng cái gọi là "động vật bậc cao" chính là điểm khác biệt, khác biệt từ thể chất đến tâm hồn. Điều đó cho ta biết đến hai từ "con người" rất quý giá vì bản thân nó hàm chứa sự khác biệt nội tại. Một trong những điều khác biệt ấy chính là sự bao dung.

Nếu không phiền hãy kể cho tôi nghe những trường hợp bạn tức tối vì người khác? Phải chăng vì họ đã không làm theo ý bạn? Phải chăng họ đã gạt bạn qua một bên? Phải chăng bạn không còn được tôn trọng?
Và nếu có vô vàn những trường hợp mà bạn tức tối thì không điều gì khác hơn một nguyên nhân đó chính là: Vì chính bạn.

Tôi cảm thấy bực dọc mỗi khi nhận được một thiếp mời dự tiệc từ tay những người bạn phổ thông. Họ đã quá quen với tôi những 7 năm trung học. Ấy vậy mà lắm khi tôi lại thấy dòng chữ "Gửi bạn Tiếng Anh". Thật khó tưởng tượng nổi lỗi lầm đó, tôi cảm thấy mình không được tôn trọng chỉ vì ghi sai cái tên. Nên nhớ rằng tính danh của một ai đó rất quan trọng với họ, đó là thứ duy nhất từ họ mà bạn có thể dùng thoải mái, nhưng là dùng đúng lúc.

Vậy bạn thì sao? Bạn có thể không tham dự buổi tiệc ấy nếu như cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng còn có một cách làm nhẹ nhàng hơn thay vì cứ bực dọc. Đó là hãy tha thứ. Bạn có thể nghĩ: "À! đó là một lỗi nhỏ, và không vấn đề gì phải phiền lòng cả!"

Cách tốt nhất để thể hiện lòng bao dung là hãy tự khuyến khích bản thân mình giảm bớt gánh nặng lỗi lầm của người khác.

Có nhiều từ đồng nghĩa trong tiếng Việt để thể hiện lòng bao dung như: sự độ lượng, sự rộng lượng, lòng cao thượng, lòng vị tha... Song tựu trung lại đều để liên hệ đến nội tâm con người đó là biết thứ tha và chấp nhận lỗi lầm của người khác. Một cách tốt nhất để tạo cơ hội cho không chỉ bản thân mình mà còn cho người khác nữa.

Duy Tân, một người quen của tôi. Cái tên anh ấy thật không giống như cá tính vì chẳng có sự duy tân nào ở đây cả. Anh ấy có một trận cãi với vợ và cuối cùng trong cơn tức tối anh ấy đã kể tội vợ không biết giữ mình trước khi hai người chung sống. Bạn biết không, sai lầm lớn nhất của con người này là đã phạm vào quy tắc của lòng độ lượng.

Trong phút chốc, từ một người chồng tốt anh ấy đã trở nên hẹp hòi với những chuyện quá khứ của vợ mình. Nếu là bạn, trong tình huống tương tự, bạn sẽ nghĩ sao nếu bạn đóng vai một người vợ? Bạn sẽ nhận ra rằng từ lâu mình đã mất đi sự tôn nghiêm trong mắt người chồng, bạn sẽ không còn được tôn trọng như trước nữa và như vậy cuộc hôn nhân sẽ đổ vỡ mà không cần phải níu kéo gì.

Ranh giới giữa lòng bao dung và sự vị kỷ thật quá mong manh. Điều quan trọng là bạn xây dựng sự mong manh đó thành một bức tường kiên cố bằng nguyên liệu của sự điềm tĩnh. Khi đã chắc chắn không gian giữa lòng bao dung và sự vị kỷ, bên nào rộng hơn chính là do bạn chọn lấy.

Tháng vừa rồi, khi cầm quyển sổ liên lạc của con bạn trên tay. Bạn vội trừng mắt và quát tháo: "Mày thật là ngu dốt, sao lại học hành cái kiểu ấy!" và không nói không rằng lấy ngay cái roi mà răn dạy chúng. Nhưng thay vì làm như thế, bạn vẫn có cách hay hơn. "Con đã học không được tốt trong tháng rồi, bố thật sự không vui vì điều đó. Và bố mong con hãy học tốt trong tháng tiếp theo". Con của bạn, chúng sẽ biết ơn rất nhiều.

Bạn có thể sẽ hỏi: "Còn với những đứa con ngỗ nghịch thì sao? Nếu không cho chúng một trận thì không bao giờ chúng sợ và lỗi lầm sẽ cứ tiếp diễn?". Điều này thật dễ, bạn có thể cho chúng một trận ra trò nhưng trước tiên hãy nói rõ nguyên nhân vì sao bạn trừng phạt chúng. Đó là cách để lắng nghe và cho chúng thấy lỗi lầm và rằng chúng bị phạt là đích đáng. Rồi hãy hướng chúng nhìn vào những tấm gương xấu ở xung quanh đã phải lãnh hậu quả thế nào. Đừng quên ngợi khen thật lòng nếu lũ trẻ làm tốt hơn mức bình thường.

Lòng bao dung được thể hiện rất đa dạng. Nhưng đôi lúc, một lòng bao dung quá mức lại phản tác dụng. Bạn có thể chấp nhận tất cả lỗi lầm của con mà không răn dạy điều gì. Vô hình chung chúng trở thành những đứa trẻ hư hỏng và không bao giờ có thể dạy dỗ được nữa.

Bạn chấp nhận lỗi lầm của các nhân viên và cho họ cơ hội làm tốt lần sau, nhưng kết quả lỗi lầm lại tiếp tục là những lỗi lầm. Một lần nữa, chúng ta nên khẳng định lòng bao dung không bao giờ sai cả. Chỉ khi bạn quá nhu nhược để các sự việc ấy xảy đến, đó hoàn toàn không phải là lòng bao dung của một con người sáng suốt. Bao dung là thứ tha và chấp nhận, nhưng chấp nhận phải có chọn lọc. Bao dung không đồng nghĩa với sự dung túng!

Mùa xuân năm 2001, thật khó khăn khi tôi chưa đủ kinh nghiệm sống. Tôi đã vội mở lời chúc xuân một người quen "Năm mới tậu xe mới". Thế là người đó hiểu nhầm và bảo rằng tôi khinh khi họ không mua nổi một chiếc xe mới. Bạn phải đoán được rằng cơn thịnh nộ của con người bộc phát lớn nhất khi lòng tự trọng bị tổn thương.

Hai năm sau, ngay ngày nhà tôi có tang sự, người ấy lại là người nhiệt tình nhất và tử tế nhất khi giúp đỡ gia đình tôi. Bạn biết không, khi một ai đó tự phát hiện ra lỗi lầm của họ và họ không tiện nói lời xin lỗi vì còn một chút lòng tự trọng, bạn nên mở lòng mình ra đón nhận trước khi có thể làm mất đi lòng tự trọng cuối cùng của họ. Cho họ một cơ hội cũng chính là tự cho bạn một cơ hội vậy!

Một người anh và cũng là một người bạn của tôi chẳng may nhiễm phải HIV. Giai đoạn cuối đời của anh ấy khi chuyển sang AIDS là điều khổ sở nhất. Khổ sở không phải vì bệnh tật mà là vì sự hẹp hòi của lòng người. Người ta sẵn sàng lánh xa một ai đó và thể hiện nó một cách rõ ràng nhất, thậm chí phô trương nhất chỉ vì họ mang "căn bệnh của lỗi lầm". Tưởng tượng xem một con người ra đi trong lầm lũi mà không nhận được sự gia ơn từ những tấm lòng biết bao dung thật khốn nạn biết dường nào! Đó là bạn đã không biết dùng lòng bao dung của chính mình lúc cần thiết.

Người ta thường có tâm lý chung là không thích cho gì cả. Vì sao? Vì cái tôi bản thân không chấp nhận mọi thứ mình sở hữu phải chia sẻ cho bất cứ ai. Đó không phải là điều xấu hiển nhiên mà là bản năng sống. Vì vậy học cách cho đi chính là học cách để tự chiến thắng bản thân mình.

"Hãy cho đi để được nhận nhiều hơn" câu nói ta đã quá quen thuộc, mở rộng ra, hãy bao dung để đón nhận nhiều thứ: tình người, sự đồng cảm, lòng bác ái... Và bạn sẽ không thiệt gì cả nếu cho đi lòng bao dung để đón nhận lại nhiều thứ rất con người hơn nữa.

Vậy tại sao nào chúng ta không bao dung để đón nhận những điều tốt đẹp hơn thế!

Thiên đường - là ở đây - những tấm lòng!

Vài nét về blogger:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]