Hãy cho trẻ tận hưởng những điều tốt đẹp

Trường học không chỉ là nơi chuẩn bị hành trang tương lai mà đó thực sự là một phần cuộc sống của trẻ

15.5971

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước có nền giáo dục phát triển, mỗi lần động tới câu chuyện cải cách giáo dục đều tìm tới Phần Lan, nơi có những ngôi trường thành công nhất thế giới.

Nền móng cho thế hệ tương lai

Theo báo The Globe and Mail (Canada), hệ thống giáo dục tiểu học của Phần Lan khiến các nước phương Tây “thèm thuồng” kể từ khi nước này liên tục thống trị các kỳ thi toán, khoa học và tỉ lệ luôn ở tốp đầu trên toàn cầu trong hàng chục năm qua. Kết quả đó được đặt nền móng từ những ngôi trường mẫu giáo.

Thực tế, trẻ em Phần Lan chỉ bắt đầu những năm tiểu học khi bước vào tuổi lên 7. Tuy nhiên, ngay từ 8 tháng tuổi, tất cả các bé đều được tiếp cận với nhà trẻ (chăm sóc trọn ngày) và mẫu giáo miễn phí. “Chúng tôi cho rằng tất cả trẻ em có quyền được tới nhà trẻ và mẫu giáo. Trường học không phải là nơi phụ huynh quẳng con lại để đi làm mà đó là nơi những đứa trẻ chơi đùa, học hành và kết bạn” - bà Eeva Penttila, người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế của Sở Giáo dục Helsinki (thủ đô Phần Lan), khẳng định.

 

Các giáo viên mầm non tại Phần Lan đang trò chuyện với trẻẢnh: http://finland.fi

 

Theo GS George Malaty thuộc Khoa Giáo dục ĐH Joensuu của Phần Lan, điều đáng ghi nhận ở các giáo viên mầm non nước này là họ tạo ra sự kết nối tự nhiên và thân thiện với học sinh. “Chúng tôi cho rằng mục đích của giáo dục không phải là đưa học sinh vào một khuôn khổ mà là giúp học sinh phát hiện và phát huy tố chất vốn có của bản thân. Do đó, trường học không chỉ là nơi chuẩn bị hành trang tương lai mà là nơi để trẻ tự do phát triển cá tính, nguyện vọng và tài năng. Đó thực sự là một phần cuộc sống của trẻ và nhất định mỗi ngày chúng đều phải được tận hưởng những điều tốt đẹp” - GS Malaty nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chính sách giáo dục Phần Lan cũng tin rằng mỗi nhà trường đều có phương pháp phù hợp riêng, mỗi giáo viên có cách riêng để dạy học sinh của mình một cách tốt nhất.

Trẻ em phải được vui chơi

Tháng 5 vừa qua, một giáo viên kiêm nhà báo ở Helsinki có tên là Tim Walker đã đưa ra một phát hiện bất ngờ về chuyện học chữ của học sinh mầm non Mỹ và những người bạn cùng độ tuổi ở Phần Lan. Walker cho biết trẻ em Mỹ ở trường mầm non rất được coi trọng chuyện học chữ trong khi ở Phần Lan hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà trẻ em Phần Lan kém chữ nghĩa hơn. Theo ông Walker, trẻ mầm non ở Phần Lan thường được tạo cơ hội để chơi nhiều hơn trong những năm đầu đời tới trường. “Chơi đùa là một cách cực kỳ hiệu quả cho trẻ học tập” - chuyên gia Arja-Sisko Holappa, Ủy ban Giáo dục Quốc gia Phần Lan, giải thích.

Thực tế đã chứng minh việc dành thời gian để chơi không hạ thấp kết quả học tập của thế hệ tương lai nước này trong các giai đoạn kế tiếp. Theo phân tích mới đây của ĐH Stanford, Phần Lan là một trong những nước có tỉ lệ biết chữ cao nhất thế giới với 94% những người học trên trung học, tức các chương trình học 3-4 năm bắt đầu với các học sinh ở độ tuổi 16-17, tốt nghiệp.  Dựa trên kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) và tỉ lệ tốt nghiệp, hệ thống giáo dục quốc gia Phần Lan luôn nằm trong tốp 5 nước đứng đầu thế giới.

Nói như vậy không có nghĩa là việc học chữ bị cấm trong các trường mẫu giáo Phần Lan. Giáo viên vẫn có thể dạy trẻ đọc sau khi ngồi lại với phụ huynh để có một kế hoạch hợp lý.

 

Người Phần Lan cho rằng trẻ được dạy dỗ bằng roi vọt, bạo lực, lớn lên thường sẽ lặp lại các hành vi bạo lực này với thế hệ kế tiếp. Nếu quát mắng trẻ, chúng ta sẽ mất nhiều thứ mà không bao giờ lấy lại được.

 

 

Thu Hằng
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]