Hãy chữa bệnh cho người lớn trước

GiadinhNet - Các chứng bệnh về tâm thần như tự kỷ, loạn thần, trầm uất xảy ra phổ biến ở lứa tuổi học sinh. Bệnh nhân ngày càng tăng, đặc biệt tăng cao vào các mùa thi.

0
Trong tháng 4/2010, tại phòng khám tâm thần nhi của Bệnh viện Tâm thần TP HCM, có 1.403 bệnh nhânhọc sinh. Nhưng ngoài bác sĩ và phụ huynh của bệnh nhân, cả xã hội dường như chưa thực sự quan tâm đến điều nguy hiểm này.

Các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần khẳng định rằng trẻ bị bệnh tâm thần nhiều như hiện nay là do áp lực của việc học hành và sự lo lắng phải có kết quả học tập đáp ứng yêu cầu của thầy cô, cha mẹ. Nhiều em lo sợ đi học, lo sợ về nhà chỉ vì mình không đạt thành tích cao như mong muốn của cha mẹ. Tháng trước, có một em học sinh lớp 7 ở TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk treo cổ tự tử vì làm bài kiểm tra toán không tốt. Có thể hành động của em không bộc phát nhất thời do tức giận hay thất vọng, mà là do tâm lý bị dồn ép lâu ngày, bức xúc vì áp lực học tập và thành tích, đến lúc không chịu nổi nữa nên em tìm đến cái chết.
 
Ảnh minh họa.

Không phải đó là trường hợp duy nhất mà có nhiều học sinh tự tử với cùng nguyên nhân như thế. Người lớn quá ích kỷ nên không hiểu được trẻ con. Người lớn đòi hỏi thành tích ở trẻ con là vì mình hơn là vì đứa trẻ. Thầy cô muốn có nhiều học sinh giỏi để mình trở thành giáo viên giỏi, cha mẹ cũng muốn con mình giỏi để thiên hạ khen mình là cha mẹ giỏi. Người lớn chạy theo hư danh hay sĩ diện nhưng che đậy bằng những điều như vì học sinh thân yêu, vì tương lai con cái. Những điều đó đánh lừa ngay cả người đã nghĩ ra nó, họ tưởng họ vì con cái nhưng sâu xa lại vì bản thân mình.

Cha mẹ lấy thành tích học tập của con cái để khoe khoang và hãnh diện, nhưng không mấy ai biết để thỏa mãn cái tôi của mình, con cái họ đã bị tước đoạt tuổi thơ, bị đe dọa sức khỏe và đôi khi mất đi tính mạng. Cha mẹ nào cũng mong con mình sau này thành đạt, làm ông nọ bà kia, nhưng họ quên rằng hạnh phúc của con người không chỉ là đỗ đạt cao, chức quyền lớn mà còn ở nhiều giá trị khác.

Say thành tích và thói hám lợi đang là căn bệnh trầm kha trong xã hội. Những đứa trẻ hồn nhiên vô tội trở thành nạn nhân. Các em có học hành  đến mấy cũng không có ý nghĩa gì khi thân xác mệt mỏi, tâm hồn khuyết tật và trí não bất bình thường. Xã hội sẽ như thế nào nếu cơn sốt thành tích học tập sẽ tiếp tục kéo hàng ngàn đứa trẻ vào bệnh viện tâm thần mỗi năm? Vì vậy, muốn ngăn chặn bệnh tâm thần ở trẻ em, hãy chữa bệnh cho người lớn trước.
 
Lê Thanh Phong

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]