Heo bệnh ngụy trang vào phố

Lái buôn giấu heo bệnh trong xe khách hoặc ngụy trang thành bao đựng phân bón để tuồn vào TPHCM, trong khi công tác kiểm dịch lại rất qua loa

15.5921

Khoảng 6 giờ ngày 5-8, thấy xe khách mang biển kiểm soát 76K-8787 chạy có vẻ nặng nề, trên xe lại có bóng dáng của bà H., người chuyên mua bán heo, nên cán bộ thú y thuộc Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức - TPHCM đề nghị CSGT tuýt còi. Khi kiểm tra, cả CSGT và cán bộ thú y đều bất ngờ vì phát hiện trong hầm xe có 14 thùng xốp chứa heo đã qua giết mổ.

 
Bỏ của chạy lấy người
 
Cả 14 thùng xốp đều được niêm phong bởi Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi, trong đó bà H. sở hữu 11 thùng với hàng chục con heo sữa có chất lượng bình thường, 3 thùng còn lại thì không ai nhận là chủ. Điều đáng nói là 9 con heo chứa trong 3 thùng này đều mang nhiều dấu hiệu bị bệnh như tai lấm chấm đỏ, vàng, gan đỏ bầm, phổi ứ nước...
 
Theo nhận định của cán bộ thú y Hoàng Quốc Khánh, 9 con heo này có khả năng bị bệnh tai xanh. Tuy nhiên, bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, lại cho rằng đây không phải là biểu hiện điển hình của bệnh tai xanh mà có thể heo bị phù phổi. “Chúng tôi sẽ đưa số heo này vào kho lạnh và Chi cục Thú y TPHCM sẽ làm các xét nghiệm cần thiết mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng” – bà Tuyết nói.
 
Khi lực lượng chức năng đang kiểm tra xe chở heo nói trên thì một xe du lịch chạy ngang qua và vứt hai bịch thịt heo nặng khoảng 40 kg xuống đường. “Có lẽ tài xế sợ bị phát hiện số thịt trên nên bỏ của chạy lấy người” – một cán bộ thú y nhận định.
 
 
Heo có dấu hiệu bệnh được giấu trong xe khách bị phát hiện sáng 5-8 Ảnh: NHƯ PHÚ

Việc vận chuyển thịt heo bằng xe du lịch hay xe khách không phổ biến và đáng lo bằng vận chuyển trên xe máy. Các xe máy chở thịt heo rất hiếm khi ghé trạm kiểm dịch trong khi nhân viên trạm lại không có quyền yêu cầu dừng xe mà phải nhờ CSGT hỗ trợ. Để che mắt lực lượng chức năng, lái buôn ngụy trang như đang chở phân bón hoặc các hàng hóa thông thường.
 
Một nhân viên thuộc Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức thừa nhận: “Đối với những kiểu ngụy trang tinh vi thì nhân viên trạm rất khó phát hiện. Những vụ bắt được vừa qua chỉ là gặp may”! Điều này lý giải vì sao trong tháng 7, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức ghi nhận 7.208 lượt xe chở động vật và sản phẩm động vật vào TPHCM nhưng chỉ có hơn 20 trường hợp bị lập biên bản xử phạt.
 
Kiểm giấy, không kiểm xe!
 
Trong khi Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức tất bật cùng CSGT chặn bắt xe chở heo tuồn vào TP thì Trạm Kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (Quốc lộ 1K, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) lại rất nhàn nhã. Ngồi quan sát trạm này từ 5 đến 6 giờ ngày 5-8, chúng tôi chỉ thấy một nhân viên ngồi thảnh thơi trong khi có rất nhiều xe máy có dấu hiệu chở thịt heo từ Bình Dương, Bình Phước vượt trạm.
 
Theo trình tự kiểm dịch động vật thì nhân viên trạm kiểm dịch phải thực hiện tuần tự các bước: kiểm tra giấy kiểm dịch và các giấy tờ liên quan; số lượng, chủng loại, sản phẩm động vật theo giấy kiểm dịch; mã số động vật, dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, dấu niêm phong; tình trạng sức khỏe, phương tiện chở động vật...
 
 
Thịt heo được ngụy trang thành những bao đựng phân bón. (Ảnh do Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cung cấp)


Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi tại Trạm Kiểm dịch động vật An Lạc (Quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh), chốt chặn quan trọng đối với TPHCM, cho thấy việc kiểm dịch không tuân thủ đúng yêu cầu. Suốt từ 8 giờ 30 phút đến 13 giờ ngày 5-8, không khí làm việc nơi đây khá bình lặng. Hai xe tải lần lượt ghé vào trạm lúc 10 giờ 10 phút và 10 giờ 15 phút. Người ngồi trong cabin cầm xấp giấy chạy vào trạm rồi quay ra lái xe vào TP.
 
Sau đó, một xe tải chở đầy heo dừng trước cửa trạm. Trong lúc “nhà xe” mang giấy tờ vào chốt làm thủ tục thì người cán bộ mặc đồng phục cầm vòi nước xịt chiếu lệ lên hông xe rồi xoa tay vào trạm. Tương tự, tất cả các xe khi đến trạm làm thủ tục kiểm dịch đều đậu ngoài đường và không có bất kỳ một cán bộ nào tiến hành kiểm tra xe.

Tăng cường kiểm soát các vùng “nóng”

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, đến thời điểm này, TP vẫn kiểm soát được dịch heo tai xanh. Ngoài 4 trạm kiểm dịch tại các cửa ngỏ TP, chi cục đã thành lập thêm 4 đội phản ứng nhanh để kiểm tra, kiểm soát các vùng “nóng” có nguy cơ cao.

 
Về thông tin heo từ vùng dịch vẫn được phép vận chuyển về TPHCM tiêu thụ, ông Thảo cho biết Chi cục Thú y TPHCM đã làm việc với Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai và Sở NN - PTNT tỉnh Bình Dương về việc phối hợp kiểm dịch nguồn heo từ các tỉnh này nhập về các cơ sở giết mổ ở TPHCM.
 
Cụ thể: Đối với các xã có dịch, chỉ được phép đưa heo khỏe mạnh từ các trại chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thú y, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh tai xanh và chỉ được phép vận chuyển về cơ sở giết mổ đã được chỉ định trước. Đối với các xã giáp ranh với xã có dịch, chỉ được phép đưa heo khỏe mạnh từ các cơ sở chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thú y, không nhiễm bệnh...

N.Hải

Phú – Lâm – Đồng
Bình luận
Đăng nhập để ý kiến của bạn xuất bản nhanh hơn
 
 
Hoặc nhập thông tin của bạn

Mới nhất Hay nhất
Media
  • Lịch phát sóng
Kinh tế
Thể thao
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]