Hết nguy cơ 'bỗng dưng' mất tiền tại CTCK

Quá trình thanh, kiểm tra hoạt động của các CTCK từ năm 2010 đến nay cho thấy, không xảy ra tình trạng lạm dụng tài khoản tiền của khách hàng tại các CTCK lớn.

15.6037

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) kiên quyết buộc các CTCK phải hoàn tất quản lý tách bạch tài khoản tiền của CTCK với NĐT trước ngày 15/1/2014, bất chấp việc các đơn vị này than khó…

CTCK kêu khó…

Chiều 5/3, UBCK phối hợp với BIDV tổ chức Hội nghị triển khai quy định quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán theo Thông tư 210/2012. Theo BIDV, đến nay đã có 25 CTCK đã thiết lập song song hai hệ thống đáp ứng đòi hỏi: khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng do CTCK lựa chọn; CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại (tài khoản tổng). Phần còn lại đang áp dụng phương án mở tài khoản tổng…

Theo phản ánh của các CTCK, việc quy định mới buộc CTCK phải thiết lập đồng thời hai hệ thống là hoặc khách hàng của CTCK mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng do CTCK lựa chọn, hoặc CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại, để quản lý tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng… sẽ gây tốn kém không ít cho các công ty này. Điều này tạo thêm sức ép cho các CTCK, nhất là trong bối cảnh kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn kéo dài suốt từ năm 2011 đến nay. Thời gian từ nay đến trước ngày 15/1/2014, các CTCK phải hoàn thành hạ tầng để quản lý tiền của NĐT theo quy định mới nêu trên không còn nhiều, nên các CTCK đang gặp không ít khó khăn trong việc triển khai.

Mặt khác, thực tế áp dụng các sản phẩm quản lý tách bạch tài khoản do BIDV cung cấp thời gian qua, theo nhiều CTCK, đang bộc lộ không ít bất cập và gây khó khăn cho CTCK. Có trường hợp CTCK đã áp dụng sản phẩm BIDV@Securities, với tính năng quản lý tách bạch hoàn toàn khoản tiền của NĐT với tài khoản thanh toán giao dịch chứng khoán của CTCK, nhưng không đáp ứng được nhiều nhu cầu giao dịch của khách hàng như: giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán… Điều này khiến CTCK đành phải tái sử dụng phương án tài khoản tổng…

 Sẽ xử nặng CTCK vi phạm

Đánh giá về mức độ tuân thủ của các CTCK về quản lý an toàn tiền của khách hàng, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK cho biết, quá trình thanh, kiểm tra hoạt động của các CTCK từ năm 2010 đến nay cho thấy, không xảy ra tình trạng lạm dụng tài khoản tiền của khách hàng tại các CTCK lớn. Lãnh đạo các CTCK này nhận thức việc đảm bảo minh bạch, an toàn trong quản lý tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng là yếu tố sống còn đối với sự phát triển của công ty.

“Về cơ bản, các CTCK đã tuân thủ khá tốt việc quản lý tài sản của khách hàng. Với một số vụ lạm dụng tài khoản tiền xảy ra tại một số CTCK, UBCK đã chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý...”, ông Sơn cho hay và khẳng định, quan điểm của UBCK là các CTCK phải thiết lập 2 hệ thống quản lý tách bạch tài khoản để NĐT lựa chọn. Nỗ lực này nhằm đạt mục tiêu tối thượng là đảm bảo an toàn tài sản cho NĐT, củng cố niềm tin của họ vào CTCK và thị trường. UBCK không chấp nhận tình trạng chỉ vì một vài CTCK vi phạm về quản lý tách bạch tài khoản tiền của CTCK với NĐT, mà tác động tiêu cực đến toàn thị trường.

Sau thời điểm 15/1/2014, theo ông Sơn, nếu CTCK không tuân thủ việc quản lý tách bạch tài khoản tiền của NĐT, thì sẽ bị xử lý nghiêm. UBCK cũng đang tính toán các chế tài xử lý theo hướng tăng nặng, để bổ sung vào dự thảo sửa đổi Nghị định 85/2010 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Đây là các giải pháp, nhằm buộc CTCK quản lý tách bạch tài khoản tiền của họ với NĐT, qua đó không chỉ đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng, mà còn đáp ứng đòi hỏi công bằng, minh bạch trong hoạt động của các CTCK…

Liên quan đến thắc mắc của các CTCK về việc họ có được triển khai dịch vụ ứng trước tiền mua chứng khoán, hay nhận ủy quyền giao dịch của khách hàng, ông Sơn khẳng định, các CTCK không được phép triển các khai dịch vụ này. Thực tế, việc các CTCK “vượt rào” triển khai các dịch vụ này thời gian qua đã dẫn tới rủi ro không chỉ cho chính CTCK, mà cả NĐT và thị trường. UBCK đã xử lý nhiều trường hợp CTCK cố tình triển khai các dịch vụ này. Sắp tới, UBCK sẽ tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động của các CTCK, nếu phát hiện trường hợp cố tình triển khai các dịch này sẽ áp dụng các chế tài xử lý nặng…

“UBCK nghiêm cấm CTCK triển khai dịch vụ ứng trước tiền mua chứng khoán dưới mọi hình thức…”, ông Sơn nhấn mạnh, đồng thời nhìn nhận, dù quy định mới buộc CTCK thiết lập 2 hệ thống để quản lý tách bạch tài khoản của CTCK và NĐT, nhưng thực tế, CTCK vẫn là người liên quan nhiều đến hoạt động giữ tiền của khách hàng. Điều này đòi hỏi các CTCK ngoài chú trọng nâng cao đạo đức hành nghề, cần đặc biệt quan tâm tới thiết lập hệ thống quản trị rủi ro theo quy định tại Quyết định 105/2013 của UBCK, để đảm bảo quản lý an toàn tài sản cho khách hàng.
 

“BIDV đang lên kế hoạch khắc phục những bất cập”

Ông Đậu Trí Dũng, Phó trưởng Ban phát triển sản phẩm và tài trợ thương mại, BIDV

 Do sản phẩm BIDV@Securities được thiết kế và đưa vào sử dụng từ năm 2010, nên chưa tính đến những đòi hỏi mới xuất hiện gần đây của thị trường, trong đó giao dịch ký quỹ là một ví dụ. Bởi vậy, trên cơ sở ý kiến của các CTCK, BIDV sẽ khẩn trương khắc phục những bất cập của sản phẩm BIDV@Securities. Cụ thể, ngoài bổ sung tính năng hỗ trợ giao dịch ký quỹ, BIDV sẽ nghiên cứu để sớm hoàn thiện sản phẩm BIDV@Securities theo hướng đáp ứng nhu cầu đa dạng của các CTCK trong việc thanh toán phí, cổ tức; mua chứng khoán phát hành thêm; nhận, thu tiền bán quyền bán chứng khoán; nhận tiền bán chứng khoán lô lẻ; thu thuế thu nhập cá nhân...

 Với sản phẩm BIDV@Securities, nếu CTCK đã có hệ thống hạ tầng giao dịch khá đồng bộ, thì thời gian triển khai mất khoảng 3 tháng, nếu không sẽ phải mất thời gian dài hơn. Với sản phẩm Tài khoản chuyên dùng (Ezlink), thời gian triển khai chỉ phải mất từ 1 - 2 tháng. Với sản phẩm này, thông tin giao dịch của NĐT được truyền, nhận điện tử giữa BIDV - CTCK để hạch toán và phản ánh kịp thời các biến động số dư của Tài khoản chuyên dùng. Sử dụng sản phẩm này, NĐT nộp tiền, chuyển khoản tại BIDV hoặc ngân hàng khác, sau đó chuyển vào BIDV ghi có Tài khoản chuyên dùng của CTCK tại BIDV và truyền thông tin chi tiết giao dịch cho CTCK qua kết nối Ezlink. Để sử dụng sản phẩm này, CTCK thiết lập “kết nối điện tử” với BIDV.

 “Sản phẩm của BIDV chưa ổn”

Đại diện CTCK Nhật Bản

Để quản lý tách bạch tài khoản tiền của NĐT với tài khoản thanh toán giao dịch chứng khoán của CTCK, CTCK Nhật Bản đã triển khai sản phẩm BIDV@Securities của BIDV. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng sản phẩm này bộc lộ nhiều bất tiện, gây khó khăn cho khách hàng. Bất tiện rõ nhất là khi khách hàng có nhu cầu giao dịch ký quỹ, thì sản phẩm này không đáp ứng được đòi hỏi giao dịch thuận lợi, nhất là yêu cầu thanh toán. Những bất cập này đã được CTCK Nhật Bản phản ánh tới BIDV Chi nhánh Cầu Giấy (Hà Nội), nhưng chưa được khắc phục.

Vì sản phẩm BIDV@Securities không đáp ứng được đòi hỏi của khách hàng, nên CTCK Nhật Bản không thể tiếp tục áp dụng sản phẩm này cho khách hàng trong nước. Bởi vậy, CTCK Nhật Bản đành phải sử dụng phương án tài khoản tổng. Sản phẩm BIDV@Securities vẫn được CTCK Nhật Bản cố khắc phục hạn chế, để sử dụng cho khối khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, nếu BIDV không sớm khắc phục những hạn chế hiện hành, thì CTCK Nhật Bản rất khó tiếp tục sử dụng sản phẩm này trong thời gian tới.
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]