Hiểm họa lặng thầm từ Cytomegalo virus

Cytomegalo virus (CMV) không nguy hiểm đối với người lớn nhưng lại gây ra vô số bệnh lý nguy hiểm cho thai nhi và trẻ nhỏ.

15.628

Virus gieo bất hạnh

Câu chuyện của người phụ nữ tên là D. (Hà Nội) trên một diễn đàn đã khiến cho không ít người rơi nước mắt. Chào đón đứa con đầu lòng, cả hai vợ chồng chị vô cùng hạnh phúc. Trong thời gian mang thai, chị D rất khỏe, không đau ốm. Đứa trẻ ra đời khỏe mạnh trong niềm hân hoan của cả gia đình.

Tai họa ập xuống khi cháu bé gần 1 tháng tuổi thì có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Bé bắt đầu thở rít, khóc suốt và hoàn toàn không ăn uống gì.

Tại bệnh viện, hai vợ chồng chị gần như suy sụp khi mỗi ngày lại phải nghe một tin xấu về con: Hôm nay là động kinh, ngày mai là viêm phổi nặng, ngày kia là não bị vôi hóa rất nhiều, Tiếp đến là teo hai bán cầu đại não... Sau hơn 2 tháng nằm viện cháu bé được cho về với cái lắc đầu đầy chán nản của bác sĩ với kết luận: Cháu bé bị di chứng do CMV.

Khi đã được 14 tháng tuổi, cháu bé vẫn chưa biết cầm nắm, chưa biết lẫy, chỉ đòi ăn và thỉnh thoảng ê a. Buồn bã nhìn con, chị D. nói: "Nếu hiểu biết hơn về CMV trong quá trình mang thai, có lẽ mình đã mang đến cho con một cuộc sống thật sự chứ không phải chịu bất hạnh như thế này.

Sức tàn phá khốc liệt của loài virus cơ hội

Ở Việt Nam, CMV được biết đến rộng rãi từ những năm 1990 khi đại dịch HIV/ AIDS bùng nổ. Cytomegalovirus viết tắt là CMV là loại virus cự bào có thể nhiễm, thuộc nhóm Herpes.

80% người lớn có kháng thể kháng CMV. Khi nhiễm virus này, người bệnh sẽ mang virus suốt đời dù không có triệu chứng. Trong cơ thể người, CMV hiện diện trong dịch tiết như: sữa mẹ, nước bọt, phân, nước tiểu, tinh dịch và dịch tiết cổ tử cung, máu và tạng ghép.

Sự lây nhiễm CMV diến ra rất đa dạng. Nhiễm ở thai nhi và trẻ nhỏ là phổ biến nhất. Giai đoạn sớm thì truyền qua nhau thai. Trong lúc sinh khi trẻ đi qua ngã âm đạo và sau sinh nhiễm qua sữa mẹ. Ở trẻ nhỏ thì truyền qua sữa và dịch tiết của mẹ.

Với người lớn, CMV truyền qua đường sinh dục do CMV hiện diện trong tinh dịch và dịch tiết cổ tử cung. CMV cũng lây truyền qua đường máu hoặc do ghép cơ quan, do tiếp xúc với dịch tiết chứa CMV.

Nhiễm CMV thường không gây triệu chứng và vô hại. Tuy nhiên đối với người suy giảm miễn dịch hoặc phụ nữ mang thai, nhiễm CMV có thể dẫn đến các ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Phụ nữ mang thai luôn được coi là một đối tượng suy giảm miễn dịch vì từ chỗ bảo vệ 1 người, cơ thể người mẹ phải bảo vệ cả mẹ và con. CMV trong sữa sẽ thải ra ngoài cơ thể theo các chất bài tiết nếu cỏ thể khỏe mạnh. Ngược lại, nếu có các tổn thương như trầy xước, viêm loét ở hệ tiêu hóa, CMV sẽ xâm nhập vào cơ thể.

ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, BV Nhiệt đới Trung Ương cho biết, có thể gọi CMV là virus cơ hội. Chúng tồn tại trên cơ thể người nhưng chỉ tấn công khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, không đủ sức kìm hãm sự phát triển của CMV.

Nguyên nhân của sự suy giảm miễn dịch là do HIV/ AIDS, do bệnh lý ung thư, bệnh thận, tiểu đường,… hoặc do các bệnh lý miễn dịch mà phải dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch như: Corticosteroide, Metothrexat, Cyclophosphamide,...

Bệnh lý do CMV gây ra hết sức đa dạng và phức tạp ở cả người lớn thai nhi và trẻ nhỏ. Loại virus này có "sở thích" tấn công thị giác gây biểu hiện viêm võng mạc do CMV. Người bị tổn thương võng mạc, đáy mắt do CMV có biểu hiện thị lực giảm dần.

Trong trường hợp khác, CMVcó thể nhiễm lan tỏa toàn thân. Nhiễm virus máu gây tổn thương cơ quan khác như viêm gan, viêm não, viêm tụy… do CMV.

Người mắc bệnh viêm gan do CMV có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, ăn chậm tiêu, đầy tức nặng hoặc đau hạ sườn phải, xét nghiệm men gan tăng. Viêm tụy do CMV gây đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa, xét nghiệm men amilaza tăng cao, siêu âm hoặc chụp cắt lớp để đánh giá hình ảnh thấy tụy to hơn bình thường.

Hiện nay đã phát hiện các trường hợp viêm não do CMV. Viêm não gây triệu chứng đau đầu buồn nôn hoặc nôn, mất định hướng, rối loạn tinh thần. Trên phim MRI phát hiện tổn thương tương tự tổn thương do Herpes. Tổn thương não kéo dài kéo theo hàng loạt "hệ lụy" như suy giảm thị giác, thính giác, động kinh, chậm phát triển trí tuệ...

BS Nguyễn Tiến Lâm cho biết, khi tấn công cơ thể, CMV còn gây viêm loét toàn bộ đường tiêu hóa (loét dạ dày, ruột non, viêm loét đại trực tràng), viêm đường thở (viêm thanh khí phể quản, viêm phổi) do CMV.

Khi đã nhiễm virus huyết, CMV sẽ xâm nhập vào tất cả các loại dịch trong cơ thể từ nước bọt, nước mắt, đến sữa mẹ, tinh dịch,…Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người bệnh cũng bị nhiễm virus huyết. Nếu hệ miễn dịch tốt, CMV xâm nhập vào cơ thể nhưng không gây bệnh được nên người nhiễm CMV không có triệu chứng rõ ràng.

Hiện nay, chưa có vắc xin đặc trị nên không thể chủ động phòng tránh CMV. Chúng ta chỉ có thể phòng tránh một cách bị động bằng cách hạn chế tiếp xúc với các loại dịch có khả năng chứa CMV.

Nếu phát hiện có nhiễm CMV khi có thai thì cần chọc hút thăm dò nước ối, nếu kết quả bình thường thì khuyến cáo theo dõi tích cực bằng siêu âm, nếu có dấu hiệu nghi ngờ trên hình ảnh siêu âm thì có thể phải chấm dứt thai nghén tuỳ theo từng trường hợp. Có thể chẩn đoán CMV bằng xét nghiệm máu PCR, thử nước tiểu, tinh dịch, sữa, nước mắt,…

AloBacsi.vn
Theo Sức khỏe gia đình

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]