Hiểm họa rình rập

Trào lưu hút shisha (một dạng thuốc lào Ả Rập) trong giới trẻ đã thịnh hành từ lâu. Song, thời điểm này “dân chơi” đã nghĩ ra nhiều cách chế shisha nhằm tăng độ “phê” bằng việc trộn rượu mạnh, tài mà (dạng ma túy nhẹ), cần sa, cocain, heroin, thậm chí cả các loại ma túy tổng hợp.

0

Trào lưu hút shisha (một dạng thuốc lào Ả Rập) trong giới trẻ đã thịnh hành từ lâu. Song, thời điểm này “dân chơi” đã nghĩ ra nhiều cách chế shisha nhằm tăng độ “phê” bằng việc trộn rượu mạnh, tài mà (dạng ma túy nhẹ), cần sa, cocain, heroin, thậm chí cả các loại ma túy tổng hợp. Họ không biết rằng, việc dùng shisha “chế” đã tăng nồng độ độc tố gây nguy hại không chỉ cho sức khỏe người dùng mà cho cả người hít phải khói thuốc đó.

“Phê” càng sâu, đau càng lâu

Tại Khoa Tâm thần BV Bạch Mai, chúng tôi có dịp tiếp xúc với gia đình chị Vương Cẩm Tú (Hoàng Mai, Hà Nội) khi đang chuẩn bị làm thủ tục ra viện cho cậu con trai đang học lớp 11. Chị Tú cho biết: Mùng 8 Tết vừa qua, con trai chị cùng các bạn trong lớp tụ tập hát karaoke tại một quán hát trên đường Kim Giang. Sau buổi hôm ấy, cháu về nhà trong trạng thái lơ mơ, liên tục nôn ọe, cười nói mất kiểm soát. Chị hoảng quá gặng hỏi, cháu chỉ nói đi hát và hút thuốc lào. Tưởng chỉ vì con mình bị say thuốc lào nên chị bớt lo lắng. Tuy nhiên, mấy ngày sau đó, tình trạng cậu con trai không bớt đi, vẫn có biểu hiện nôn, tâm trạng lơ mơ, hoảng hốt. Chị cho cháu đi khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị ảo giác do tác dụng của các chất gây nghiện. Chị thực sự choáng váng, không tin con trai mình nghiện ma túy. Trong thời gian điều trị tại Khoa Tâm thần, qua nhiều lần tâm sự với con, chị mới hiểu ra, con trai chị cùng một số bạn trong lớp thường tụ tập ở một số quán để hút shisha. Thậm chí, chúng còn chế cả một bộ hút shisha bằng các ống nghiệm ghép lại. Theo lời kể, con trai chị lúc đầu hút shisha rất nhẹ (nhẹ hơn cả thuốc lá), hơn nữa nó còn có các hương vị trái cây thơm mát như: táo, bạc hà, dâu, nho, capuchino, ổi, dưa gang, dưa hấu... nên không chỉ các bạn nam mà các bạn nữ cũng tham gia hút và chẳng ai bị sao cả. Nhưng càng về sau, để khám phá và thay đổi “khẩu vị”, cả nhóm đổ thêm một ít rượu mạnh, sau nữa là trộn tài mà vào để hút. Hậu quả của việc hút shisha kiểu tự chế khiến con trai chị đã bị như vậy.

Hút shisha chế làm tăng độc tố, nguy hại đến sức khỏe người dùng.

Thực tế cho thấy, không ít các quán karaoke hiện nay coi việc phục vụ khách vừa hát vừa hút shisha như một chiêu câu, giữ khách. Những bữa tiệc sinh nhật của giới trẻ hiện nay không thể thiếu được màn hút shisha. Và để tăng độ “phiêu”, những người sử dụng shisha đã “chế” thêm vào bình hút rượu mạnh, ít cần sa, cocain, heroin, thậm chí cả các loại ma túy tổng hợp. Dân sành hút shisha cho biết, trộn mấy loại đó vào hút phê hơn, dễ “bay” hơn so với hút shisha thông thường.

Dễ gây ngộ độc, tâm thần

Nhiều người lầm tưởng là khói từ shisha ít nguy hiểm hơn nhiều so với khói thuốc lá. Hơi nước do shisha tạo ra làm cho khói bớt khó chịu và gây cảm giác an toàn giả tạo, bớt lo lắng về tác hại thực sự đối với sức khỏe. Tuy nhiên, theo lời một bác sĩ tại Khoa Lao phổi, Bệnh viện Hữu Nghị: Việc hút, hít một loại khói nào đó với cường độ cao có thể gây hại cho người và việc đốt rượu từ thể lỏng thành thể hơi sẽ có những tác dụng không khác gì việc uống rượu như: mất kiểm soát, ức chế thần kinh, trụy tim... Sử dụng các chất gây nghiện như ma túy tổng hợp trong shisha sẽ gây ảo giác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ. BS. Nguyễn Quang Bích, Trưởng khoa H, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết: Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho không ít trường hợp bị tâm thần do lạm dụng ma túy, rượu, các chất gây nghiện khác gây ra. Theo BS. Bích, điều trị cho bệnh nhân tâm thần thường khó khăn hơn bệnh nhân khác do người bệnh chống đối, không hợp tác, không nhận thức được bệnh tật. Với tâm thần do ma túy, chủ yếu là ma túy tổng hợp nên việc điều trị sẽ kéo dài. So với các bệnh nhân tâm thần thì bệnh nhân tâm thần do ma túy bị hủy hoại sức khỏe và nguy cơ cao dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí gây ra án mạng nếu không được kịp thời điều trị, ngăn chặn.

Lượng khí CO mà người hút shisha hít vào cao gấp 5 lần so với một điếu thuốc lá.

Bài, ảnh: Văn Hậu



0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]