Hiểm họa trong tầm tay

Chỉ một chút lơ là của người lớn, đồ chơi thiếu an toàn sẽ gây ra những hậu quả bi thảm: trẻ bị thương tật nặng, sống đời thực vật, thậm chí tử vong

15.5963
Một đứa bé 3 tuổi được đưa đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM với triệu chứng khó thở. Bé được chẩn đoán bị suyễn nặng, được cho dùng thuốc kháng sinh và hỗ trợ thở bằng máy.
 
Đến chiều, tình hình khá hơn nên bé được xuất viện. Tuy nhiên, 10 ngày sau, mẹ bé lại tất tả đưa con đến BV cấp cứu lần nữa vì triệu chứng khó thở ngày một nặng, bé lại than đau cổ. Lần này, người mẹ tiết lộ trước khi nhập viện lần đầu, bé có nuốt một mảnh nhựa từ món đồ chơi Trung Quốc.
 
Dị vật từ đồ chơi
 
Dị vật gắp ra từ khí quản của bé là đoạn ống nhựa gần 1 cm, dùng để nối với ống dây từ con cóc nhựa, một loại đồ chơi phát ra âm thanh khi bóp vào chiếc bơm mini gắn ở đầu ống.
 
“Do dị vật là một chiếc ống nên bé chỉ khó thở chứ không ngừng thở hoàn toàn. Triệu chứng của trẻ khi mắc dị vật thường khá giống với hen suyễn nên đôi khi có thể gây nhầm lẫn trong chẩn đoán” – bác sĩ Bạch Văn Cam (Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1) cho biết.
 
Khoa Tai - Mũi - Họng, BV Nhi Đồng 1 có hẳn những ngăn tủ kính lưu lại dị vật lấy ra từ cơ thể các bệnh nhi, nhiều thứ là đồ chơi hoặc chi tiết của các món đồ chơi như: hạt cườm, viên bi, nút áo, lò xo, pin...
 
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, phân tích: “Trẻ dưới 3 tuổi thường chưa đủ sức nhận biết đồ vật ăn được cũng như tác hại khi cho vật nhỏ vào mũi, tai.
 
Vì vậy, vật có kích thước nhỏ trong tầm tay các em, đủ để nuốt hoặc nhét vào tai, mũi- trong đó có các đồ chơi không đủ tiêu chuẩn cho trẻ dưới 3 tuổi- đều có thể trở thành hiểm họa”.
 
Cách đây không lâu, Khoa Tai – Mũi – Họng đã tiếp nhận một bé gái 18 tháng tuổi nuốt một con thú bằng thủy tinh cỡ đầu ngón tay út. Rất may, con thú không chặn hoàn toàn đường thở và bé được cấp cứu kịp thời. Một trường hợp khác được chuyển viện từ Tiền Giang lên nhưng do dị vật quá to, thời gian di chuyển  lâu nên bệnh nhi đã tử vong.
 
 
Các dị vật từ đồ chơi được lấy ra từ cơ thể trẻ tại Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM


“Mắc dị vật đường thở rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong cho trẻ nếu dị vật quá lớn và không được cấp cứu kịp thời” – bác sĩ Sơn nhận định. Theo thống kê tại BV Nhi Đồng 1, trên 60% ca mắc dị vật đường thở gây biến chứng viêm phổi và 1,2% ca gây tử vong.
 

Không nên ngậm đồ chơi

Bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết đồ chơi không an toàn còn nguy hiểm do những hóa chất độc hại từ nguyên vật liệu, hoặc những thương tổn do những loại sắc nhọn gây nên, thậm chí trẻ còn tổn thương mắt do súng bắn đạn nhựa.

Các bác sĩ nhi khoa đặc biệt lưu ý đến nước sơn của một số loại đồ chơi hiện nay. Hầu hết các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc được sơn bằng các loại sơn thông thường pha chì, nhất là những loại sơn ánh nhũ. Trẻ em thường hay có thói quen ngậm đồ chơi, điều này có thể dẫn đến ngộ độc. Hàng loạt các biến chứng đặc biệt nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ bị ngộ độc chì, như: hôn mê, co giật, phù não, ngưng thở...

Bác sĩ Bạch Văn Cam sơ lược về những dấu hiệu nhận biết trẻ bị mắc dị vật đường thở - thuật ngữ y khoa gọi là “hội chứng xâm nhập”: Trẻ ho sặc sụa, khó thở, khi thở có tiếng rít thanh quản đặc trưng. Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, khi trẻ bị mắc dị vật đường thở, cần nắm hai chân dốc ngược  xuống, vỗ mạnh vào giữa hai xương bả vai để tống dị vật ra ngoài.
 
Tai họa từ pin
 
Những viên pin từ các món đồ chơi điện tử thật sự là mối lo ngại của các thầy thuốc. Bác sĩ Bạch Văn Cam cho biết: “Khi trẻ nuốt pin hay bị mắc pin vào đường thở, cần được gắp ra nhanh chóng trước khi nó phân hủy. Thông thường, một số ca mắc dị vật đường tiêu hóa có thể dùng thuốc xổ để tống ra nhưng nếu dị vật là pin thì cần được phẫu thuật lấy ra ngay”.
 
Theo bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2, khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhi bị mắc một viên pin tròn (loại như nút áo). “Loại pin này thường có thủy ngân, rất độc hại cho trẻ” – bác sĩ Nguyên Anh nhận xét. BV Nhi Đồng 1 cũng mới cấp cứu cho một trường hợp tương tự.
 
Đứa bé khoảng 2-3 tuổi bị mắc một viên pin tròn, đường kính chừng 0,8 cm, nhập viện trong tình trạng khó thở, người tím tái. Viên pin này văng ra từ một món đồ chơi điện tử mà gia đình bé vừa mua và bé nuốt vào.
 
Bác sĩ Bạch Văn Cam kể: “Chúng tôi  từng tiếp nhận những ca trẻ nuốt pin tiểu. Loại pin này có chứa axít và một số chất độc hại khác, nếu bị vỡ hay phân hủy thì rất nguy hiểm, có thể dẫn đến viêm phổi, viêm các niêm mạc thuộc cơ quan tiêu hóa...”.
 
Đồ chơi điện tử dùng pin trên thị trường ngày càng nhiều. Các loại đồ chơi này có hộc đựng pin thiết kế khá dễ mở hoặc lâu ngày tự bung ra. Theo Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2, số trẻ nuốt hoặc mắc pin trong mũi, tai chiếm tỉ lệ không nhỏ trong số ca mắc dị vật.

 

Kỳ tới: Chọn đồ chơi thân thiện

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]